TTVH Online

20 năm Harry Potter và độc giả Việt: Vẫn ‘hớp hồn’ người đọc từ 8 - 88 tuổi

14/05/2017 17:30 GMT+7

Trong khuôn khổ ngày sách châu Âu đang diễn ra tại Đường sách TP.HCM, NXB Trẻ vừa kỷ niệm 20 năm ngày ‘cậu bé phù thủy’ Harry Potter và bạn đọc Việt Nam.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khuôn khổ ngày sách châu Âu đang diễn ra tại Đường sách TP.HCM, NXB Trẻ vừa kỷ niệm 20 năm ngày ‘cậu bé phù thủy’ Harry Potter và bạn đọc Việt Nam.

Sau 20 năm, dường như cơn sốt Harry Potter vẫn chưa hề hạ nhiệt và cậu bé phù thủy vẫn ‘hớp hồn’ người đọc như lời quảng cáo ở những tập đầu tiên được ấn hành bằng tiếng Việt phù hợp với bạn đọc từ 8 đến 88 tuổi vào cuối những năm 1990.

Chị Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ là người đưa Harry Potter đến với độc giả Việt Nam đã có cuộc trò chuyện sau đây.

* Những đứa trẻ ngày nào đọc Harry Potter bản đầu tiên, chắc giờ đã thành... các phụ huynh rồi. Mỗi lần nghĩ về cậu bé phù thủy Harry Potter thì cảm xúc nào đến với chị mạnh mẽ nhất?

- Đó là hành trình xuyên việt “TPHCM - Đà Nẵng - Hà Nội” để đưa Harry Porter đến với bạn đọc trong cả nước. Một chương trình sân khấu hoành tráng với các nhân vật, câu chuyện, trò chơi được NXB Trẻ đầu tư bài bản cho chiến dịch marketing sách Harry Porter được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam vào năm 2000.

Chú thích ảnh
Chị Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ là người đưa Harry Potter đến Việt Nam

Chương trình được dàn dựng công phu bởi đạo diễn Tất Mi Ly và họa sĩ Trí Đức cùng dàn diễn viên kịch nói của Nhà thiếu nhi Quận 1 và Đội rối của Nhà Thiếu Nhi TP.HCM. Ở cả ba nơi, chương trình đều diễn ra tưng bừng, ngập tràn cảm xúc.

Các em và phụ huynh được sống và hòa cùng các nhân vật, hào hứng với các trò chơi phép thuật, các màn đấu trí, các cuộc thi đố nhận quà thưởngSân khấu chính ở Hội Sách TP.HCM , Quảng trường 29/3 Đà Nẵng, Rạp xiếc Trung ương ở Hà Nội bổng chốc chật chội, nóng hẵn lên với sự hưởng ứng quá nhiệt tình của công chúng nhí.

Còn nhớ, tại Đà Nẵng, khi kết thúc chương trình, dọn dẹp xong đã hơn 24g, mọi người kéo nhau đi ăn khuya. Mặc dầu ai cũng mệt nhoài, nhưng do phấn khích vì sự thành công vượt ngoài mong đợi, thay vì về khách sạn nghỉ ngơi để hôm sau chuẩn bị lên đường ra Hà Nội, tất cả rủ rê nhau ra cầu sông Hàn hóng mát.

Đêm khuya, đường phố vắng tanh, mọi người nằm lăn ra giữa cầu sông Hàn múa may, hát hò, vui ơi là vui. Tiếc là bấy giờ chưa có Facebook để mọi người... selfie cho sướng!

* Có nhiều câu chuyện về bản quyền Harry Potter và những nỗ lực của NXB Trẻ, nơi mà chị nắm cương vị Giám Đốc trong giai đoạn đàm phán mua bản quyền Harry Potter cũng như in ấn, phát hành ra thị trường. Đến nay, bài học nào vẫn khiến chị nhớ mãi về Harry Potter?

- Nhiều bài học được rút ra từ câu chuyện bản quyền và xuất bản Harry Porter tại Việt Nam. Đó là: Đón đầu hội nhập bằng cách tiếp cận thị trường xuất bản thế giới để học hỏi nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp.

Cuối những năm 90, nhận thấy nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở rộng cửa cho các quan hệ hợp tác với nước ngoài, NXB Trẻ thường kết hợp du lịch với việc đi các nhà sách lớn ở nước bạn hoặc tham quan các Hội chợ xuất bản các nước.

Mục đích là để xem đồng nghiệp quốc tế họ hoạt động ra sao, thị trường, xu hướng xuất bản các nước như thế nào... Hầu như chuyến đi nào, anh chị em NXB Trẻ cũng khệ nệ mang sách về để thẩm định xem tác phẩm nào hay thì chuyển ngữ xuất bản tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Nhà văn Lý Lan được nhà văn Rowling ký hợp đồng chuyển ngữ Harry Potter sang tiếng Việt

Nên nhớ, phải đến năm 2004, Việt Nam mới chính thức tham gia Công ước Berne, trước đó việc mua bản quyền các tác phẩm nước ngoài là việc làm… xa xỉ. Chính vậy mà năm 1999, khi đưa chị Lý Lan dịch tập 1 Harry Porter, theo lệ thường, ta cứ thoải mái dịch, thoải mái in, thoải mái phát hành kinh doanh. NXB Trẻ bấy giờ cũng không ngoại lệ.

Chỉ khi biết rằng, cùng lúc còn có 2 bản dịch của đối tác khác đang tranh đua với NXB Trẻ, tâm lý đón đầu, đi trước đã thúc đẩy lãnh đạo NXB Trẻ có ngay quyết định: giao dịch để mua bản quyền chuyển ngữ sang tiếng Việt Harry Porter tại Việt Nam. Và đó là một bài học thành công. Trong kinh doanh phải biết đón đầu, quyết đoán để có thể vượt qua đối thủ cạnh tranh.

* Thời gian đầu, mỗi tập nguyên bản Harry Potter được NXN Trẻ chẻ nhỏ thành nhiều tập, đối tác có ý kiến thế nào thưa chị?

- Việc kiên trì thương thảo với đối tác nhằm chẻ nhỏ thành nhiều tập mỏng để phát hành hàng tuần theo kênh phát hành truyện tranh từ tập 1 - 4 (Từ tập 5 - 7 đơn vị giữ bản quyền không đồng ý cho NXB Trẻ tiếp tục chẻ nhỏ nữa, nhưng lúc ấy NXB Trẻ có một lượng fan hâm mộ quá khủng luôn chực chờ để đón đọc những tập tiếp theo), thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo của NXBTrẻ. Bởi cuối năm 90 đầu năm 2000, truyện tranh vẫn chiếm lĩnh thị phần khá lớn của toàn ngành xuất bản.

Quyết định chẻ nhỏ thành nhiều tập mỏng và theo kênh phát hành truyện tranh hàng tuần cho thấy sự nhạy bén nắm được cơn khát của bạn đọc để đáp ứng nhanh, kịp thời. Mặt khác việc tận dụng kênh phát hành theo truyện tranh giúp độ phủ rộng và sách lan tỏa nhanh đến tay bạn đọc, hơn thế đồng vốn tiền mặt được xoay vòng nhanh, hạn chế việc ký gửi bị chiếm dụng vốn.

Có lẽ Harry Potter là bộ sách duy nhất từ trước đến nay có phương thức phát hành độc đáo khi mà các đơn vị phát hành muốn được phân phối phải đăng kí trước và phải ứng tiền mặt mới được ưu tiên nhận sách.

* Dù NXB Trẻ đã linh động mua bản quyền nhưng Harry Potter vẫn bị các đơn vị khác ấn hành tại Việt Nam?

- Chính vì Harry Porter quá “hot”, nên đã xảy ra những điều không mong đợi, nhưng NXB Trẻ đã bình tĩnh có những đối sách trong ứng xử thể hiện hình ảnh một đơn vị làm sách đàng hoàng, cư xử đàng hoàng.

Chú thích ảnh
Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nguyên cán bộ NXB Trẻ: Dù xuất hiện từ năm 1997 nhưng mãi đến năm 2000 sau sự kiện Y2K, Harry Potter mới được thế giới chú ý trong đó có bạn đọc Việt Nam

Đó là việc ứng xử với các đồng nghiệp trong việc “hồn nhiên” in và xuất bản Harry Porter, mặc dầu biết rằng Nxb Trẻ là đơn vị giữ quyền chuyển ngữ tác phẩm. Đó là việc ứng xử với các cộng đồng dịch thuật trên mạng, vốn là fan cuồng của Harry Porter, các em vô tư dịch và chia sẻ với cộng đồng fan của mình ngay khi bản dịch của đơn vị sở hữu quyền chuyển ngữ chưa xuất bản...

Nhà văn Việt nghĩ gì về Harry Potter?

Nhà văn Việt nghĩ gì về Harry Potter?

Trước hiện tượng 'Harry Potter' hơn 15 năm thu hút lượng lớn độc giả Việt Nam, Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đặt ra các câu hỏi với các nhà văn Việt Nam xung quanh hiện tượng này.

* Chị là người rất tâm huyết với xuất bản, từ những câu chuyện của Harry Potter, chị có kỳ vọng gì cho việc sáng tác văn học thiếu nhi trong nước? Chẳng hạn, ngay cả bản thảo Harry Potter cũng từng bị từ chối bởi rất nhiều NXB tại Anh Quốc nhưng không ngăn cản được Rowling thành công. Còn nhiều tác giả ở Việt Nam lại dường như không mặn mà lắm trong việc viết những bản thảo dài cho thiếu nhi?

- Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, các tác giả không như ngày xưa vác bản thảo đi năn nỉ khắp nơi, mà thông qua mạng xã hội, tác giả có thể tiếp thị tác phẩm của mình để lọt được vào “mắt xanh” của nhà làm sách và có thể thăm dò, đo sức hấp dẫn của tác phẩm đối với bạn đọc.

Thực tế đã có nhiều tác giả trẻ thành công bằng cách này. Riêng với sách thiếu nhi và thị trường sách trong nước dành cho thiếu nhi tuy vẫn còn “gập ghềnh” nhưng tôi nghĩ không có nghĩa là không có những con đường bằng phng để chinh phục bạn đọc nhỏ tuổi. Nhất là thị trường sách thiếu nhi hiện nay vốn còn đầy tiềm năng và dường như cả xã hội đều nhận thức rõ vai trò, giá trị của sách đối với thế hệ măng non.

Vẫn còn đó một lớp nhà văn viết cho thiếu nhi đã và đang ấp ủ những tác phẩm mang dấu ấn của mình, vẫn còn đó những đơn vị xuất bản miệt mài kiếm tìm những nhân tố mới, tác phẩm mới thỏa mãn thị hiếu và nhu cầu đọc của các em.

Hòa An (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN