TTVH Online

Tầm nhìn và phán quyết

12/05/2017 07:44 GMT+7

Tôi nhớ vào khoảng năm 1956 hay 1957 gì đó ở ta có xảy ra một cuộc tranh luận lớn về làm ăn kinh tế của hai nhóm khoa học, mà hồi đó tôi thấy người ta gọi là hai phái. Đó là phái cây chè và phái cây sắn.

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi nhớ vào khoảng năm 1956 hay 1957 gì đó ở ta có xảy ra một cuộc tranh luận lớn về làm ăn kinh tế của hai nhóm khoa học, mà hồi đó tôi thấy người ta gọi là hai phái. Đó là phái cây chè và phái cây sắn.

Phái cây chè do vị quan chức học ở Nga về, ông tuyên dương cây chè. Ông phân tích giá trị thương phẩm của chè xuất khẩu và lợi nhuận 1 hecta chè so với 1 hecta sắn thì giá trị gấp vài chục lần. Cho nên đất đồi nên chọn chè.

Phái cây sắn tưởng sẽ thua lấm lưng trắng bụng, ngồi ngẩn ngơ vì khó có thể chứng minh giá trị kinh tế của nó với chè.

Trong cơn hấp hối thì một vị trong phái cây sắn không phải nhà khoa học hay kinh tế gì cả, đĩnh đạc đứng lên. Ông không dại nói về tiền nong của sắn với phái chè, vì vấn đề đã quá rõ. Ông dùng võ mềm, bảo: Đúng là chè giá trị kinh tế cao không thể chối cãi, nhưng xin đặt vấn đề, nếu bên đối phương họ dừng nhập khẩu thì chè có mang ăn được không? Khi có hai phe, họ dễ chơi khó cho ta lắm. Trong khi củ sắn thì bảo đảm an ninh lương thực, vừa ăn lại vừa làm dự trữ được. Trong tình thế hiện nay tốt nhất là trồng cây sắn. Kết quả có thể rất thấp về kinh tế nhưng an toàn lương thực, an ninh xã hội được bảo đảm.

Cây sắn đã trở thành cây thoát nghèo của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Ảnh: TTXVN

Phái chè ớ người. Không ngờ sự phản biện của một nhà chính trị chay chẳng cân đo đong đếm lại sắc sảo có sức chèn lấn lớn đến như vậy nên phái chè không nói vào đâu được.

Tất nhiên, sau đó kết cục thế nào thì mọi người đã rõ. Phái cây chè chịu thua và còn suýt bị quy vào thiếu cảnh giác cách mạng, lại vấn đề quan điểm!

(Tuy nhiên cây sắn chỉ được hai, ba vụ rồi đất bạc màu, đá ong hóa, cuối cùng phải nhường chỗ cho cây chè. Vùng chè bạt ngàn Đại Từ, Thái Nguyên có được là một phần trong câu chuyện này).

Quyết định của người đứng đầu trong các cuộc tranh luận khoa học quan trong thế đấy: một là mở ra, hai là khép lại tùy ở tầm nhìn chiến lược của con người đó!

Nửa thế kỷ rồi, đất nước nhiều thay đổi, thế giới cũng chuyển biến mạnh, nhưng phải nói Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp. Chúng ta chưa có tí nền tảng công nghiệp nào nhưng cách nghĩ cách làm lại khác hẳn.

400 cây chè Shan cổ thụ Suối Giàng trở thành Cây di sản Việt Nam

400 cây chè Shan cổ thụ Suối Giàng trở thành Cây di sản Việt Nam

Ngày 16/2, tại xã Suối Giàng, UBND huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) tổ chức đón bằng công nhận quần thể 400 cây chè Shan tại xã Suối Giàng là Cây di sản Việt Nam.

Nông nghiệp không được đầu tư phát triển vì giá trị thương phẩm thấp, mặc dù nhiều loại cây ăn trái và lúa đã từng có thương hiệu trong nước. Nếu nhìn nhận  nông nghiệp là mấu chốt khuyến khích đầu tư lâu dài thì chắc gương mặt kinh tế nông sản hôm nay đã khác trước xa.

Chúng ta gần như quên nông thôn và ngược lại với thời cây sắn, lao vào những dự án khủng, xây những tập đoàn kinh tế. Chỉ trên chục năm trời bao nhiêu dự án đổ vỡ vì ý chí chính trị không thay thế được khoa học. Cái xây lên chưa có nền móng vững chắc thì sao vững được.

Với những số tiền thất thoát khủng kia, chỉ cần một phần đầu tư vào nông nghiệp và đất rừng thì hôm nay chắc nước ta cũng có tấm có miếng. Hàng hóa từ đất ruộng, đất rừng chắc cũng nổi lên những thương hiệu cho thế giới nghiêng mình. Đi vào nông nghiệp thì chắc chắn vì có nền tảng tốt.

Chỉ có hết sức tỉnh táo và dũng cảm, bỏ thói kiêu ngạo, quan liêu, tụ lại được đội ngũ tinh hoa, kỹ lưỡng với định hướng thì mới có thể có thay đổi.

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN