TTVH Online

Sứ mệnh của những cầu thủ mang dòng máu Việt

17/04/2017 05:58 GMT+7

Đã từ lâu, Thể thao Việt Nam đã không còn xa lạ với việc tăng cường nhiều hơn sự xuất hiện của các VĐV mang dòng máu Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên...

(Thethaovanhoa.vn) - Đã từ lâu, Thể thao Việt Nam đã không còn xa lạ với việc tăng cường nhiều hơn sự xuất hiện của các VĐV mang dòng máu Việt ở nước ngoài. Và tất cả VĐV Việt kiều quay trở về quê hương cũng mang trong mình một sứ mệnh nâng tầm và phát triển nền thể thao nước nhà. Tuy nhiên, không phải chuyến trở về nào cũng thành công nếu không có sự đầu tư cùng tầm nhìn đúng đắn của các nhà quản lý chuyên môn.

Ước mơ đầy thử thách

Có một sự thật là tất cả các VĐV Việt kiều trở về Việt Nam thi đấu dù thành công hay không đều để lại dấu ấn rất lớn về truyền thông. Những cái tên như Lee Nguyễn, Mạc Hồng Quân (bóng đá), Nguyễn Tienna Katelyn (thể dục dụng cụ), Paul Nguyễn Lê (bơi lội)… đã nhận được sự chú ý, quan tâm và kỳ vọng của tất cả các CĐV quê nhà.

Không thể phủ nhận rằng điều đó cũng tạo ra áp lực rất lớn đối với họ. Tuy nhiên, bài toán thành công của các VĐV gốc Việt không chỉ được giải bằng tài năng cùng bản lĩnh của chính bản thân họ, mà còn nằm ở kế hoạch dài hơi của các nhà quản lý nhằm tạo điều kiện để các cầu thủ Việt kiều hòa nhập vào môi trường thi đấu tại Việt Nam.

Có thể thấy trong chục năm trở lại đây, những tài năng thể thao xuất sắc mang dòng máu Việt ở khắp nơi trên thế giới là không thiếu. Chúng ta đã có điều kiện cần, nhưng vẫn đang thiếu những điều kiện đủ từ các nhà quản lý thể thao.

Điển hình lớn nhất là trường hợp của cầu thủ bóng đá Lee Nguyễn, chia tay giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam 7 năm trước nhưng đang là một trong những cầu thủ châu Á thành công nhất trong giải bóng đá nhà nghề MLS của Mỹ.

VBA – Nơi các tài năng gốc Việt được tỏa sáng

Trong bối cảnh “nhân tài gốc Việt” ngày càng trở nên quan trọng, bóng rổ đã trở thành môn thể thao “thức thời” khi đón bắt và tận dụng rất tốt xu hướng cho tới thời điểm này. Ông Đặng Hà Việt, Tổng thư ký Liên đoàn bóng rổ Việt Nam (VBF), nhấn mạnh: “Để có tuyển thủ tốt cho ĐTQG, mỗi năm các CLB cần thi đấu từ 40-50 trận đỉnh cao, trong khi chúng ta chưa làm được. Hiện nay, mỗi năm các VĐV chỉ đấu chừng 4-5 trận thực sự đỉnh cao. Thiếu những trận đấu chất lượng cao tức là thiếu tính cạnh tranh để phát triển.

Vì vậy, VBF sẽ nỗ lực trong thời gian tới để phát triển môn bóng rổ sớm trở thành một môn trọng điểm của thể thao Việt Nam. Hy vọng rằng bóng rổ trong tương lai gần sẽ thực sự khởi sắc khi chuyển mình theo chiến lược mới”.

Và VBA, Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam, là bước tiến dài nhằm hiện thực hoá mục tiêu của bóng rổ Việt Nam. Để đáp ứng được nhu cầu đưa bóng rổ phát triển nhanh và rộng khắp cả nước, trở thành môn thể thao phổ biến thứ 2 tại Việt Nam sau bóng đá, những cầu thủ gốc Việt đầy tài năng sẽ là nhân tố chính để tăng tính cạnh tranh chuyên môn, mang lại những trận đấu với trình độ chuẩn quốc tế.

5000 trẻ em Việt Nam được chuyên gia NBA rèn luyện bóng rổ

5000 trẻ em Việt Nam được chuyên gia NBA rèn luyện bóng rổ

Nằm trong chương trình Jr. NBA 2017 có sự trợ giúp của sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Hội trại huấn luyện miễn phí và tuyển chọn tài năng bóng rổ trẻ Việt Nam đã trợ giúp cho hàng ngàn em nhỏ đam mê môn thể thao này.

Những người làm chuyên môn của VBA đã ra sức khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các cầu thủ Việt kiều trở về quê hương thi đấu. Những cái tên như Việt Arnold, Horace Nguyễn Tâm Phúc, Justin Young, Tâm Đinh… đã thổi một làn gió mới đến với nền bóng rổ Việt Nam.

Bóng rổ từ đó không còn đơn giản là nơi thi đấu cạnh tranh thành tích, mà đáng kể hơn, các VĐV thực sự đã toả sáng và thành công khi trở về đóng góp cho thể thao quê nhà. VBA đã chứng minh tầm nhìn đúng đắn của mình khi chỉ trong một thời gian rất ngắn đã nâng tầm phát triển sự cạnh tranh chuyên môn trong bóng rổ lên một tầm cao mới.

Và năm nay, VBA vẫn đang tiếp tục với nhiệm vụ của mình khi quay trở lại với đợt tuyển chọn cầu thủ gốc Việt vào ngày 6 và 7 tháng 5 tại Los Angeles, Mỹ. Đây sẽ lại là dịp để nhiều cầu thủ mang dòng máu Việt khác được quay trở về quê hương cống hiến cho bóng rổ Việt Nam, cho nền thể thao nước nhà.

Từ VBA, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để hướng đến một hy vọng, một mục tiêu cao hơn chính là bóng rổ sẽ trở thành bộ môn cạnh tranh huy chương trong các kỳ SEA Games hoặc thậm chí là Olympic. Dĩ nhiên, đối với hướng đi hiện nay của bóng rổ Việt Nam, mục tiêu đó không phải là hoàn toàn bất khả thi.

Trung Võ
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN