TTVH Online

Bày Tượng sáp nghệ sĩ Việt: Cuộc chơi 'triệu đô' với tiêu chí 'đại chúng'

12/04/2017 11:00 GMT+7

Ngày 11/4, tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM đã khai trương khu trưng bày Tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam. Có 100 bức tượng sáp nghệ sĩ các thuộc lĩnh vực: âm nhạc, đạo diễn, soạn giả, diễn viên… được Nhà hát Hòa Bình dành ra 3 tầng lầu để trưng bày.

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 11/4, tại Nhà hát Hòa Bình TP.HCM đã khai trương khu trưng bày Tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam. Có 100 bức tượng sáp nghệ sĩ các thuộc lĩnh vực: âm nhạc, đạo diễn, soạn giả, diễn viên… được Nhà hát Hòa Bình dành ra 3 tầng lầu để trưng bày.

Nhìn chung, 100 tượng sáp tạc các nghệ sĩ trưng bày lần này đều là người thường xuyên xuất hiện trước công chúng nên sự quen mặt của họ rất dễ dàng được người xem nhận ra. Tuy nhiên, không phải người xem nào cũng hài lòng nhìn thấy thần tượng của mình bằng… sáp.

Một thương vụ làm ăn… triệu đô?

Tạc tượng các nghệ sĩ bằng sáp và thực hiện nhà trưng bày này được Công ty Tượng sáp Việt của nhóm các nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình nghiên cứu và thực hiện trong 16 năm ròng. Đây là tấm lòng đáng quý nhằm tôn vinh các nghệ sĩ và muốn hình ảnh các nghệ sĩ đến gần hơn nữa với công chúng.

Thế nhưng, tiêu chí nào để nghệ sĩ này được tạc tượng sáp và người khác thì chưa? Nhà điêu khắc Thái Ngọc Bình, cho biết: “Tiêu chí là đại chúng. Những nghệ sĩ có đông công chúng mến mộ được chọn lựa trước tiên. Sau đó, các nhà chuyên môn trong từng lĩnh vực nghệ thuật sẽ tư vấn nên chọn ai và bỏ bớt ai. Cuối cùng chúng tôi mới thực hiện”.


Tượng sáp của GS Trần Văn Khê chưa giống với người thật

Được biết, mỗi tượng sáp nghệ sĩ khi hoàn thành có chi phí khoảng 200 triệu đồng. Như vậy, với 100 tượng sáp trưng bày lần này có giá 20 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí khác đã nâng con số lên hơn triệu USD. Thái Ngọc Bình cho hay: “Tất cả nguyên vật liệu đều được chúng tôi nhập khẩu chứ trong nước không có”.

Nói thế để thấy, số tiền Tượng sáp Việt bỏ ra không nhỏ cho nhà trưng bày này. Nhưng đây không phải là công việc từ thiện chỉ với mục đích đơn thuần tôn vinh các nghệ sĩ. Nhà trưng bày này sẽ bán vé cho khách tham quan và chụp hình lưu niệm với các tượng sáp. Khách tham quan nhà trưng bày chắc chắn phần lớn là người Việt, vì toàn tượng các nghệ sĩ Việt mà tầm “quốc tế” của các nghệ sĩ này không có mấy người.

Thử điểm danh một số nghệ sĩ nổi tiếng được dựng tượng tại đây: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Văn Khê, Viễn Châu, Bắc Sơn, Kim Cương, Hồng Vân, Út Bạch Lan, Thành Lộc, Mạc Can…; trẻ hơn có Trấn Thành, Nguyên Vũ, Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Đại Nghĩa… Người Việt thường đến xem những nhà trưng bày như thế này vì sự tò mò, đến một lần cho biết; vậy nếu đây là một thương vụ làm ăn, không biết sẽ duy trì được bao lâu?

Nghệ sĩ hài lòng, công chúng thì…

Dù trong ngày khai mạc, Nhà trưng bày vẫn chưa hoàn thiện trăm phần trăm, nhưng cách bài trí và bố cục xem như tạm ổn. Chẳng hạn, các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Trần Văn Khê… ở cùng một khu; giới nghệ sĩ cải lương ở riêng một tầng lầu; giới ca sĩ ngồi ở “chiếu” của mình…

Bên cạnh mỗi tượng sáp đều có lý lịch trích ngang của nghệ sĩ. Nhiều người cho rằng gắn thêm cái bảng lý lịch này là thừa, bởi đã lấy tiêu chí “đại chúng” thì người đó phải rất nổi tiếng cần gì chủ giải thêm? Ông Thái Ngọc Bình, cho rằng: “Chúng tôi cẩn trọng chứ không thừa. Người của công chúng nổi tiếng thật đấy nhưng mỗi người mỗi lĩnh vực và họ có fan của riêng họ. Fan mê cải lương chưa chắc biết một nghệ sĩ nổi tiếng trong giới điện ảnh, vì nếu họ không cần quan tâm sao mà biết?!”.

Vấn đề công chúng bỏ tiền mua vé vào Nhà trưng bày Tượng sáp nghệ sĩ Việt Nam là muốn xem thần tượng của mình được “nặn tượng” ra sao? Có nhiều lời phàn nàn vì tượng này tượng kia không giống như thần tượng của họ. Chẳng hạn, nghệ sĩ cải lương Lệ Thủy hay GS Trần Văn Khê có nét mặt chưa giống hoặc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sao mà mập thế?

Nhà điêu khắc Thái Ngọc Bình, lý giải: “Chúng tôi cố gắng để các tác phẩm toát lên được thần thái của nghệ sĩ. Tuy nhiên, tạc tượng giống như làm dâu và nghệ sĩ, gia đình nghệ sĩ đôi khi khó hơn mẹ chồng. Mỗi tác phẩm khi ra nhà trưng bày đều được các nghệ sĩ thông qua. Hôm nay chưa có tượng diễn viên Ngô Thanh Vân vì cô ấy bận đi đóng phim chưa thể tận mắt “duyệt”. Hay tượng của NSƯT Thanh Nam trưng xong phải đem xuống chờ ổng duyệt cái đã. Nhìn chung, các nghệ sĩ và gia đình đều “duyệt” và hài lòng với tượng sáp do chúng tôi thực hiện, còn công chúng như thế nào thì phải chờ thêm”.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN