TTVH Online

4 vấn đề 'nóng' trong cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình

07/04/2017 11:42 GMT+7

Cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump được nhận định là thử thách lớn nhất của ông Trump khi trở thành nhà lãnh đạo thế giới.

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump được nhận định là thử thách lớn nhất của ông Trump khi trở thành nhà lãnh đạo thế giới.

Cuộc họp thượng đỉnh được trông đợi sẽ đặt chiều hướng chung cho mối quan hệ đối ngoại có thể xem là quan trọng nhất của Mỹ. Hai nhà lãnh đạo sẽ rất vất vả để tìm ra điểm chung trong những vấn đề khác biệt chính giữa hai bên trong cuộc gặp diễn ra vào ngày 6-7/4 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida.

Ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự lần này tại Florida sẽ là vấn đề Triều Tiên, thương mại Mỹ-Trung, và an ninh khu vực bao gồm Biển Đông, những vấn đề có bất đồng lớn giữa Bắc Kinh và Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở West Palm Beach, bang Florida ngày 6/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Phép thử Triều Tiên

Đây được xem là thách thức lớn nhất đối với ông Trump về an ninh quốc gia. Triều Tiên đã và vẫn đang tìm cách phát triển tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới Mỹ. Dự kiến, ông Trump sẽ lặp lại lời kêu gọi Trung Quốc phải làm nhiều hơn nữa để kiềm chế đồng minh và láng giềng của Bắc Kinh. Trước đó, ông Trump cảnh báo Washington có thể sẽ giải quyết các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng một mình nếu cần.

Trong khi đó, phía Trung Quốc nói họ đang làm tất cả những gì có thể và sẵn sàng cùng với Mỹ giảm bớt tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Bản đánh giá chiến lược của Nhà Trắng hiện tập trung vào những cách thức gây áp lực lên Bình Nhưỡng về mặt kinh tế và quân sự. Một trong số các biện pháp đang được cân nhắc là “các biện pháp trừng phạt thứ yếu” đối với các ngân hàng và công ty Trung Quốc có trao đổi nhiều nhất với Bình Nhưỡng.

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết một lựa chọn dài hạn cho việc trừng phạt vẫn đang được thảo luận, nhưng bản đánh giá “không nhấn mạnh đến hành động quân sự trực tiếp”. Bất kỳ hành động quân sự nào cũng có thể khiến cho Triều Tiên trả đũa dữ dội và có thể gây ra số thương vong lớn tại Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như tại các căn cứ của Mỹ ở đây.

Vấn đề thương mại

Thương mại là một trong những vấn đề nóng nhất trong quan hệ Mỹ - Trung hiện nay. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã lên án các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cho rằng các hoạt động này đang làm giảm công ăn việc làm của Mỹ. Ông đã cam kết sẽ áp thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dù chưa có hành động gì trong lĩnh vực thuế quan nhưng chính quyền của ông Donald Trump đang nhắm mục tiêu cắt giảm mức nhập siêu lên đến 347 tỷ USD từ Trung Quốc thông qua thực thi luật thương mại chặt chẽ hơn và áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Một quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên phát biểu với Reuters: “Tôi không cho rằng sẽ có một thỏa thuận lớn về thương mại được đưa ra. Tôi cho rằng Tổng thống Trump sẽ nõi rõ với ông Tập Cận Bình về những gì chúng tôi đang trông chờ trong lĩnh vực thương mại”.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái). Ảnh: TTXVN

Giới phân tích cho rằng gặp nhau lần này, hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ có những phàn nàn qua lại về các vấn đề kinh tế nhưng chắc chắn không bên nào đưa ra mối đe dọa chiến tranh thương mại, và sẽ không thương lượng hiệu quả. Với những “than phiền” của ông Trump về chính sách thương mại cạnh tranh không công bằng của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ đề xuất các phương thức bổ sung để mở rộng hợp tác và tạo thêm công ăn việc làm cho dân Mỹ qua các hiệp ước đầu tư song phương, cho phép Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng Mỹ và thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc ở châu Á.

Các nhà quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình nên quảng bá sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” để vực dậy thương mại dọc theo các tuyến đường truyền thống. Theo nhận định của ông Gal Luft, đồng Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu tại Washington, ông Trump sẽ quan tâm đến việc này vì ông rất muốn nâng cấp cơ sở hạ tầng và tìm kiếm cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ.

Vấn đề Biển Đông

Biển Đông là vấn đề bao trùm trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Bắc Kinh đang xây dựng các đảo nhân tạo và thiết lập các cơ sở quân sự trong vùng biển có nhiều tranh chấp. Giới chức Mỹ xem đây là một phần trong kế hoạch lâu dài của Bắc Kinh nhằm loại bỏ việc các lực lượng Mỹ tiếp cận với tuyến giao thương chính trên biển.

Theo giới chức Mỹ, Washington có kế hoạch hoạt động hải quân mạnh hơn nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định quyền tự do hàng hải, dù đã nhiều tháng trôi qua kể từ hoạt động cuối cùng của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump.

Tình hình ở Triều Tiên có lẽ sẽ đẩy vấn đề Biển Đông nóng trở lại vào lúc này. Ông Trump dự kiến sẽ nêu ra những quan ngại của Mỹ trong cuộc gặp tại Florida.

“Một Trung Quốc” và vấn đề Đài Loan

Cuộc họp thượng đỉnh sẽ không diễn ra nếu như ông Trump không tái khẳng định về chính sách “Một Trung Quốc”, vốn đã được áp dụng nhiều thập niên qua trong quan hệ Mỹ-Trung. Ông Trump từng khiến Bắc Kinh phẫn nộ khi nhận cuộc gọi của Tổng thống Đài Loan và nói rằng ông có thể sẽ không tuân theo chính sách này. Ông Trump đã không rút lại tuyên bố trên trong cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình.

Theo tiết lộ của giới chức Mỹ với hãng tin Reuters, có thể ông Tập Cận Bình sẽ tìm cách tác động xóa bỏ gói vũ khí mới mà Mỹ đang chuẩn bị bán cho Đài Loan. Về phía Đài Loan, hòn đảo này chắc chắn sẽ hồi hộp theo dõi xem có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Trump đang sử dụng Đài Loan như một “con tốt” để thương lượng với Bắc Kinh hay không.

TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN