TTVH Online

Tonosi, vùng đất gọi bàn tay con người

05/04/2017 14:30 GMT+7

Những ngày đầu tháng Tư này, tôi cùng một số bạn bè người Việt Nam và Panama đã về thăm huyện Tonosi, thuộc tỉnh Santos, cách thủ đô Panama chừng 500 km.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong hai ngày đầu tháng Tư này, tôi cùng một số bạn bè người Việt Nam và Panama đã về thăm huyện Tonosi, thuộc tỉnh Santos, cách thủ đô Panama chừng 500 km. Đó là một vùng đất đẹp hoang sơ, giàu có, như một nàng tiên đang ngủ, chưa được đánh thức.

Gọi là huyện nhưng số dân ở đây chỉ có gần 10 nghìn người, bình quân 7 người trên một km2, do đó nhà nào cũng có chí ít vài héc ta đất vườn và đất nông nghiệp, có nhà sở hữu tới cả ngàn héc ta như gia đình anh Mario, người mời chúng tôi tới nhà chơi trong chuyến đi này với mục đích “khảo sát xem liệu có nuôi trồng thủy sản được không trên vùng biển ở đây”.

Đảo Canas, du lịch và thủy sản là thế mạnh

Nằm ở Tonosi, đảo Canas có 13 km bờ biển tuyệt đẹp, cát phẳng lỳ, nước xanh trong bên bờ Thái Bình Dương. Nhưng ở đây tất cả vẫn còn rất hoang sơ, đến mức người ta phải nhớ tới câu hát “ngày xưa biển chưa có cát như bây giờ”. Cả một bãi biển dài tít tắp, sóng vỗ ầm ào, mà giữa trưa không một bóng người. 

Chỉ có ở trên bờ, dưới những lùm cây bàng, phượng hồng hay dừa nước, là có những quán bia, mỗi quán vài khách, ngồi lai rai để hưởng cái vị mặn mòi và làn gió mát từ đại dương thổi vào. Giá một chai bia Soberana ở đây khá rẻ, chỉ 75 xen, khoảng 15.000 đồng Việt Nam, chưa bằng một chai nước lọc Aquafina, giá một đô la (20.000 đồng)..


Nhà báo Lưu Vạn Kha (bìa phải) trong chuyến thăm huyện Tonosi

Điều thú vị là phần lớn các quán bia ở đây mang hình nhà Rông, giống như ở Tây Nguyên, lợp bằng lá cọ, xung quanh đầy hoa giấy, một loài hoa đa sắc luôn rực rỡ khi trời nắng gắt. Vừa tợp một hớp bia, vừa ăn “cerviche” (một loại gỏi cá, mực, ngao hỗn hợp ngâm trong dấm, hành tây và dầu ô liu), anh Mario nói với chúng tôi: “Các anh thấy đấy, cả một bờ biển dài và đẹp như thế này nhưng vẫn bỏ hoang, phí vô cùng”.

Ở phần cuối đảo, nước rất sâu và lặng gió, rất thích hợp cho việc xây dựng một cảng nước sâu. Bữa trưa ở đây khá đơn giản, chỉ là một con cá hồng (pargo) nhỏ bằng nửa bàn tay và chục lát chuối thực phẩm rán giòn cộng một chai Soberana, nhưng rất ngon.

Không chỉ có thế, với một hệ sinh thái đa dạng bao gồm gần một nghìn hecta rừng đước và rất nhiều loại động thực vật khác nhau, năm 1994 Đảo Canas  và các khu vực lân cận lên tới 254,3 km2, được công nhận là Khu bảo tồn Đời sống Hoang dã. Đây là nơi trú ngụ của các loài rùa biển của Panama bên Thái Bình Dương, như Canal, Cahuama, Mulato... Nếu du khách đến thăm đảo Canas vào thời gian từ tháng Sáu đến tháng 12, họ có thể may mắn được xem cảnh hàng ngàn con rùa bò lên bãi biển để đẻ trứng.


Để tận mắt chứng kiến rùa đẻ trứng cũng khá kỳ công

Theo thống kê, riêng ở Đảo Canas có 10.000 con rùa. Để xem rùa đẻ, cần phải đi vào ban đêm, không được chụp ảnh bằng flash vì rùa có đôi mắt cực thính. Mỗi con rùa có thể đẻ từ 85 tới 95 quả trứng chỉ trong một đêm. Những người trông coi rùa sẽ nhặt trứng ở bãi biển và đem nó về các trại giống tại Trung tâm PachaMama, nhờ vậy nhiều loại rùa biển ở Isla Canas được bảo vệ tốt.

Ngoài 13 km bãi biển phía trước, đằng sau đảo là rừng đước mênh mông, với những bờ cát đầy bùn, nơi sinh sống của nhiều loại nhuyễn thể như nghêu, sò, ốc, hến, móng tay…Ở đây, độ sâu của nước chỉ từ 3 đến 6 mét tùy theo thủy triều. Chúng tôi đã đi bộ một lạch bùn cát dài dọc theo rừng đước, nơi có rất nhiều loại nhuyễn thể nhưng chả ai khai thác. 

Anh Chung, ông chủ một nhà hàng vừa mới mở tại thành phố Panama, liên tục quay video, chụp ảnh. Anh bảo khi về Việt Nam sẽ nói với bạn bè làm trong nghề thủy sản sang tận nơi xem xét khả năng nuôi trồng thủy sản ở đây, đặc biệt là nuôi cá lồng và các loại ngao, sò huyết, móng tay, cua biển vv.


Bãi biển đẹp và hoang sơ là điểm đến lý tưởng

Thăm Nhà máy đóng gói dưa xuất khẩu

Không chỉ có thủy sản, Tonosi còn là vùng đất phù hợp cho việc trồng các loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là dưa. Trên đường trở về từ đảo Canas, Mario dẫn chúng tôi đến thăm Nhà máy đóng gói dưa xuất khẩu do anh làm giám đốc. Ngay từ cổng vào chúng tôi đã nhìn thấy vài chiếc xe chở đầy các loại dưa đang xếp hàng chờ được đưa lên dây chuyền phân loại, cân, rửa, lau khô và đóng gói. Anh Mario cho biết một vụ dưa chỉ kéo dài trong ba tháng sau khi trồng, trong đó sau hai tháng đã có thể thu hoạch, còn lại là thời gian đóng gói và xuất khẩu.


Dưa ở đây được xuất sang các nước châu Âu là chủ yếu, như Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan, với giá xuất xưởng là một đô la/1 kilogam dưa lòng trắng, da ngoài như dưa hấu nhưng cực ngọt và giòn. Anh Elias, một người Tây Ban Nha đi trong đoàn chúng tôi nói thêm  ở châu Âu, giá một kg dưa này lên tới 3,5 euro/1 kg. Mario còn tiết lộ bình quân một vụ ông xuất được 3 triệu đô-la, trừ các loại chi phí còn 600.000 đô-la tiền lãi. Đất đai nhiều, nhân công ít nên xí nghiệp của Mario chỉ làm được có vậy.


Tonosi cũng là một trong những trồng lúa chính của Panama, sau tỉnh Chiquiri, nơi có tới trên 250.000 héc-ta lúa. Dọc đường đi, chúng tôi nhìn thấy bạt ngàn những cánh đồng lúa đã thu hoạch chỉ còn trơ các gốc rạ trắng xóa. Mario và Elias đã rất ngạc nhiên khi tôi cho biết trong những năm tháng khó khăn, nông dân Việt Nam phải dùng rạ để nấu cơm, vì đến củi cũng không có, còn bây giờ thì chẳng còn ai phải dùng thứ nhiên liệu bất đắc dĩ này nữa.Do Panama chỉ có hai mùa: mùa khô và mùa mưa nên các vùng lúa chỉ làm được một vụ. Tuy nhiên, năng suất lúa khá cao, như ở Tonosi lên tới 6 tấn một hecta/vụ. Diện tích trồng lúa ở huyện này giữ ở mức ổn định 900 héc-ta trong những năm gần đây.

Những người nông dân thân thiện

Đi thăm Tonosi, chúng tôi có cảm giác được trở về nông thôn Việt Nam trong những năm 60 và 70, thật thanh bình và gần gũi, với các ngôi nhà một tầng giản dị, chỉ khác là bao quanh không phải là lũy tre xanh mà là các loại cây ăn quả như xoài, hồng xiêm, cam cùng rất nhiều hoa giấy. Rất ít nhà kín cổng cao tường, phần lớn chỉ rào dậu qua loa, cửa lúc nào cũng mở, ai đi qua cũng chào hỏi như đã quen từ lâu. Vào nhà nào chơi cũng được mời ăn hoa quả các loại, thậm chí bảo cứ lấy mang về thỏa thích. Xoài rụng đỏ vườn, dưa không đủ điều kiện để xuất khẩu thì làm thức ăn cho lợn, bò, gà và các vật nuôi trong nhà.

Thú vị nhất là khi chúng tôi trở về từ đảo Canas, thấy một gia đình vừa đi câu cá về, được cả chục con cá thu. Hỏi mua thì họ bảo để gia đình ăn, không bán, nhưng lúc chúng tôi định lui bước thì họ tặng luôn một con cá thu nặng tới bốn kg, nhất quyết không lấy tiền. Một ngạc nhiên nữa, hôm sau, chúng tôi đến trung tâm thu mua cá để tìm mua cá chim (chim, thu, gụ, đé các cụ bảo thế mà), thì giá cá chim rẻ nhất, chưa đến một đô la/một kg.

Anh Mario cho biết dân ở đây không biết ăn cá chim, nên họ thường không bắt, con nào to lắm họ mới mang về. Con trai tôi mua một con Corvina (cá biển hình giống cá măng, một loại cá ưa thích của người Panama) và một con cá chim thì họ tặng thêm cho thêm ba con nữa. Hai hôm sau, khi chúng tôi mời hai anh Mario và Elias đến ăn ở nhà hàng Sen Việt Nam, các anh đã rất ngỡ ngàng khi thấy món cá chim rán và sò lông nướng, luôn mồm khen ngon và ca thán “ tuyệt vời thế này mà dân chúng tôi chả biết ăn, thật dại quá”. Mario còn mang biếu chúng tôi cả chục quả dưa xuất khẩu.

Một chuyến thăm ngắn, chỉ có hai ngày, nhưng đầy thú vị, khiến tôi không thể không viết bài báo này để chia sẻ cùng bạn đọc.

Một số hình ảnh từ chuyến thăm Tonosi của nhà báo Lưu Vạn Kha:

Lưu Vạn Kha (Từ Panama)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN