TTVH Online

'Cha cõng con': Nhẫn nại, dịu dàng và nhiều thách thức

31/03/2017 11:48 GMT+7

Trong sự dịu dàng, nhẫn nại của 'Cha cõng con' còn kèm cả thử thách, thử thách cho lòng kiên nhẫn của khán giả.

(Thethaovanhoa.vn) - Sống ở nơi rừng núi, lúc nào cũng có thể chạm tay đến mây, nhưng Cá vẫn mong một lần được đến tòa nhà cao nhất thành phố để chạm tay vào bầu trời. Cá gửi gắm ước mơ trong sáng của mình vào những chiếc máy bay thi thoảng vẫn bay qua khung trời của cậu.

Cha cõng con đã ra mắt khán giả Hà Nội hôm qua (30/3) sau 10 năm “thai nghén”, sau một lần bị lũ cuốn sạch bối cảnh vào năm 2013 đến nỗi 2015 mới làm lại từ đầu.

Đây có thể coi là bộ phim của ê-kíp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, vì từ đạo diễn Lương Đình Dũng đến biên kịch Bùi Kim Quy và Giám đốc hình ảnh (DOP) Lý Thái Dũng đều từng học hoặc đang công tác ở môi trường này. 

Họ đã cùng nhau tạo nên một tác phẩm mang “chất” của điện ảnh miền Bắc với đề tài nhân văn, đối tượng là những con người ở các vùng thôn quê.

Đạo diễn 'Cha cõng con': 'Không làm xong phim chắc... phát điên'

Đạo diễn 'Cha cõng con': 'Không làm xong phim chắc... phát điên'

'Cha cõng con', dự án phim độc lập "thai nghén" trong suốt 10 năm của đạo diễn Lương Đình Dũng sẽ ra rạp tháng 4. Đạo diễn này đã quy tụ được một ê-kíp tài năng giúp cho mong muốn làm phim "điên rồ" của anh.

Cha cõng con do biên bịch Bùi Kim Quy và đạo diễn Lương Đình Dũng chấp bút, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Lương Đình Dũng viết cách đây 10 năm. 

Chuyện kể về cuộc sống của hai cha con người đánh cá nghèo bên một khúc sông. Cậu bé Cá sống trong tình yêu của cha, luôn mơ mộng một ngày nào đó được đến thành phố, leo lên tòa nhà cao nhất mà chú Mù kể, để được chạm tay vào bầu trời.

Phim được chia thành 2 phần rất rõ ràng, phần đầu là cuộc sống của cha con Cá ở quê nhà và phần sau là cuộc sống của hai cha con ở bệnh viện thành phố, nơi mà ngày ngày họ có thể chiêm ngưỡng tòa nhà cao nhất qua khung cửa sổ.


Vai người cha do Ngô Thế Quân, người từng đóng phim "Thời xa vắng" đảm nhiệm. Vai Cá do cậu bé Đỗ Trọng Tấn tại làng trẻ SOS Phú Thọ đóng

Biên kịch và đạo diễn dường như đã chủ đích ngay từ đầu lược bỏ kịch tính, để hướng tới một lối kể bằng hình ảnh hàm xúc, tác động trực tiếp cảm giác của người xem. Nên khi hai cha con bước vào đô thị, khi cuộc sống có nhiều xáo trộn nhất nhưng kịch tính đều được giảm nhẹ tối đa, tiết tấu phim vẫn chậm đều như phần đầu.






Thiên nhiên đầy chất thơ trong "Cha cõng con"

Thế mạnh của Cha cõng con chính là những khuôn hình thiên nhiên tuyệt đẹp, đầy chất thơ, hồn nhiên, trong trẻo như tâm hồn của cậu bé Cá. Điều đáng nói là đoàn làm phim đã rất chịu chơi khi quay phim vào mùa lũ, kì công để có được những khuôn hình đắt giá. 

Phim có cảnh mưa thật, có lũ ngập tận nóc nhà, có cảnh sấm sét rạch tan mây, có cảnh đàn chim bay ra từ trong núi, cảnh chuồn chuồn bay lượn trong không gian… Những hình ảnh tự nhiên đó không dễ có trong các bộ phim mưu cầu an toàn về sản xuất.

Những hình ảnh thiên nhiên đã được âm nhạc của Lee Dong-jung chắp cánh, tạo nên những hiệu quả cảm xúc rất tốt trong phần đầu.

Nhạc sĩ 'Điều kì diệu phòng giam số 7' khóc vì 'Cha cõng con'

Nhạc sĩ 'Điều kì diệu phòng giam số 7' khóc vì 'Cha cõng con'

Lee Dong-jun, nhà soạn nhạc cho những bộ phim điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc như 'Cờ bay phấp phới', 'Điều kỳ diệu phòng giam số 7' cũng chính là người làm nhạc phim cho bộ phim 'Cha cõng con' của đạo diễn Lương Đình Dũng.

Cha cõng con có cốt truyện tối giản, thiên về cảm xúc và cảm giác, nên để giữ được mạch cảm xúc của khán giả không dễ dàng. Nếu phim không có nhiều biến cố, kịch tính thì chính yếu tố lạ của bối cảnh, của hoạt động con người trong đó, hay nói chính xác là văn hóa của môi trường đó mới là thứ giữ khán giả. Núi, sông, cây cối xuất hiện mãi cũng nhàm, cái khán giả cần là xem thiên nhiên đó có gì lạ, hoạt động của con người trong thiên nhiên đó như thế nào.

Những ai đã từng xem phim Little Forest của Nhật Bản đều ngạc nhiên, không hiểu vì sao một bộ phim đơn giản lại có thể thu hút đến thế. Phim kể về một cô gái không hiểu vì lý do gì quyết định bỏ phố về quê sống. Cả bộ phim chỉ có hoạt động hàng ngày của cô: đi làm đồng, vào rừng hái quả, về nhà nấu ăn, giao lưu với hàng xóm. Những khuôn hình giàu chất thơ, đầy mĩ cảm, và văn hóa sống của nhân vật cuốn hút khán giả xem từ đầu đến cuối. Phim đã giữ một số bí mật nhỏ của cô gái, đến cuối mới mở dần ra.


Phim "Little Forest"

Little Forest truyền tới khán giả triết lý sống hài hòa với tự nhiên của người Nhật, giúp khán giả hiểu tự nhiên có khả năng chữa lành vết thương lòng cho con người. Một bộ phim như thế sẽ ở lại rất lâu trong lòng khán giả.

Cha cõng con mới chỉ có những khuôn hình thiên nhiên đẹp, còn văn hóa sống ở vùng quê chưa được đào sâu. Câu chuyện dẫu xúc động, nhưng dễ đoán, thiếu những bí mật nhỏ, chưa đẩy được cảm xúc khán giả đi xa hơn.

Lối diễn xuất của hai diễn viên đóng vai cha - con rất chân thật, giàu cảm xúc, nhưng rất tiếc đạo diễn chưa đào sâu khắc họa sâu tâm lý, chưa đẩy được cảm xúc của khán giả lên cao hơn. 

Khán giả cảm nhận được tình yêu tha thiết người cha dành cho người con, ước mơ trong sáng của một đứa trẻ, nhưng lại cảm thấy bức bối vì cảm xúc của họ không thể lên cao hơn ữa. Cảm xúc của người xem trong bộ phim này giống như chiếc tàu lượn đã đi gần tới đỉnh nhưng không thể vượt qua, mà từ từ trôi xuống. Đó là điều khá đáng tiếc, vì đề tài tình phụ tử, tình mẫu tử luôn có thể tạo nhiều cảm xúc cho khán giả xem phim.

Nên trong cái sự dịu dàng, nhẫn nại của Cha cõng con còn kèm cả thử thách. Ở một thị trường mà khán giả đã quá quen với phim gay cấn, không thể chịu nổi nếu 10 phút đầu chưa có gì đặc biệt xảy ra, Cha cõng con sẽ là một thử thách cho lòng kiên nhẫn của họ.

Ngọc Diệp

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN