TTVH Online

'Chợ chiều' V-League

03/03/2017 06:18 GMT+7

Cánh phóng viên vừa xem trận cầu giữa Sài Gòn FC- Hà Nội vừa đếm nhẩm khán giả lèo tèo vài trăm mà ngán ngẩm. Ai đó bảo đi xem ông “Hải Quận 1” dỡ bỏ vỉa hè còn vui hơn.

(Thethaovanhoa.vn) - Cánh phóng viên vừa xem trận cầu giữa Sài Gòn FC- Hà Nội vừa đếm nhẩm khán giả  lèo tèo vài trăm mà ngán ngẩm. Ai đó bảo đi xem ông “Hải Quận 1” dỡ bỏ vỉa hè còn vui hơn.  Quả thật, cảnh tượng trên sân Thống Nhất làm liên tưởng đến câu thơ: "Lom khom dưới núi tiều vài chú/ Lác đác bên sông chợ mấy nhà", trong Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

Có ý cho rằng, trận đấu diễn ra vào buổi chiều giữa tuần, nên khó tránh khỏi cảnh đìu hiu chợ chiều. Nhưng không hẳn, bóng lăn đúng khung giờ đẹp: 18h00, khi công sở và trường học đều đã tan. Nếu là người hâm mộ môn túc cầu, chắc sẽ không bỏ qua trận đấu rất đáng chú ý tại Thống Nhất. Người Sài Gòn phóng túng, hào sảng, lại hiếu khách và TP.HCM vẫn được xem là dễ bao dung, đồng hóa. Họ cũng từng rất máu bóng đá.

Nhưng, tình yêu bóng đá ở mảnh đất này dường như đương nguội. Có cả yếu tố lịch sử, đến vùng miền và cả các vấn đề thời đại: Sài Gòn FC vẫn chưa được thừa nhận như một phần của bóng đá TP.HCM, dù đã vắt qua năm thứ 2 đội bóng có xuất xứ Hà Nội vào đây định cư. Quả có phần chua xót cho bao nỗ lực của Sài Gòn FC, nhưng lịch sử không thể tẩy rửa và tình yêu (nhất là tình yêu bóng đá), miễn cưỡng không mang lại hạnh phúc.

Vì nhiều lý do khách quan, Hà Nội FC (tiền thân là Hà Nội T&T) và Sài Gòn FC (tên gọi cũ là CLB Hà Nội) là 2 trong số các đội bóng chinh chiến V-League 2017 có ít CĐV nhất. Hoặc thậm chí ngay cả khi có thể quân bình số lượng khán giả với đối thủ, chủ yếu trên sân nhà của mình, thì màu sắc cổ vũ - cổ động cũng thiếu lửa, thiếu sự đồng bộ. Phải nói thêm, đây là 2 đội bóng có quan điểm khá rõ ràng về lối chơi mang tính bản sắc, đẹp mắt. Hà Nội FC từ hơn nửa thập niên qua được cho là đội bóng hay nhất nhì ở V-League cơ đấy.

Như chia sẻ của chủ tịch Sài Gòn FC - Nguyễn Giang Đông, với Thể thao & Văn hóa thì, làm bóng đá không thể vội được. Và làm bóng đá trước hết phải nghĩ tới bóng đá, phải hướng tới một sản phẩm bóng đá tốt để phục vụ người hâm mộ. Chỉ là tại Thống Nhất chiều qua (2/3), cả đội chủ nhà Sài Gòn FC đến các vị lữ khách Hà Nội FC, đều không thể mang đến một trận cầu mãn nhãn, nếu không muốn nói là chất lượng chuyên môn dưới mức trung bình.

Lịch TRỰC TIẾP vòng 8 Toyota V.League 2017

Lịch TRỰC TIẾP vòng 8 Toyota V.League 2017

Vòng 8 Toyota V.League 2017 trải đều ra 4 ngày cuối tuần này, sớm nhất là cuộc đối đầu Sài Gòn FC - Hà Nội chiều 2/3 trên sân Thống Nhất.

V-League 2017, tính đến sau lượt trận thứ 7, có quá nhiều những trận đấu chất lượng thấp. Cách đây vài ngày, một đại diện khác của TP.HCM là CLB TP.HCM của "bầu" Công Vinh cũng đã chỉ có một trận cầu nghèo nàn về chuyên môn trước XSKT Cần Thơ, dù 3 điểm trọn vẹn vẫn được giữ lại ở Thống Nhất. Khách quan mà nói, với mặt cỏ xấu như sân Thống Nhất, muốn có một trận đấu chất lượng hay một sản phẩm bóng đá chất lượng, e là rất khó. Người trong cuộc đừng vì bị chê mà tự ái.

Từ chất lượng chuyên môn (thấp hoặc chưa đáp ứng được thị hiếu người xem), đến chuỗi những hạt sạn và cả màn tung hứng, "động tác giả" ở thượng tầng kiến trúc nền bóng đá, cũng như BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trong việc bưng bít - bao che và thoái thác trách nhiệm..., khiến cho giới mộ điệu càng thêm khủng hoảng niềm tin. Cách đây chừng 1 tháng, U23 Việt Nam từng phủ kín 4 khán đài sân Thống Nhất, dù quân xanh chỉ là đội bóng trẻ loại 2 của U23 Malaysia, cho thấy sự khác biệt quá lớn.

Có thể thấy, những hiện tượng như Than Quảng Ninh, FLC Thanh Hóa hay "đám trẻ nhà bầu Đức" là quá hiếm hoi và không đủ để vực dậy cả giải đấu 14 đội. Cuối tuần này, HAGL dự sẽ tiếp tục mở hội ở Pleiku, khi tiếp tân binh TP.HCM, song e rằng, trên khán đài cũng chỉ một điệu cổ vũ của khán giả nhà. Tìm đối trọng dưới sân đã khó, trên khán đài còn khó hơn, dù về lý, khán giả (hay tốt hơn là CĐV) mới là những người nuôi sống bóng đá, chứ không phải các ông bầu hay BTC các giải đấu, càng chưa phải tiền bản quyền truyền hình.

Lại nhớ mô hình chuẩn chuyên nghiệp của AFC, trong đó truyền thông và CĐV đá cặp tiền đạo (trong sơ đồ 4-4-2 kiểu mẫu), bao giờ mới đạt đây?!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN