TTVH Online

Chuyện 'cà kê'

20/01/2017 11:07 GMT+7

Năm gà mà bàn chuyện gà, tức là chuyện cà kê. Gà có tên gốc là 'ca', chữ Nôm viết âm 'ca' kèm với bộ 'điểu'/chim. Tại vùng Thanh Nghệ Tĩnh ngày nay, nhiều người vẫn còn gọi gà là con ca.

(Thethaovanhoa.vn) - Năm gà mà bàn chuyện gà, tức là chuyện cà kê. Gà có tên gốc là “ca”, chữ Nôm viết âm “ca” kèm với bộ “điểu”/chim. Tại vùng Thanh Nghệ Tĩnh ngày nay, nhiều người vẫn còn gọi gà là con ca.

Gà có xuất phát từ Đông Nam Á, đặc biệt ở Việt Nam, gà rất phong phú về chủng loại, hình dáng. Muốn biết cây hoặc con nào có gốc ở đâu, khoa học thường căn cứ vào hai đặc điểm: một là cây hoặc con đó còn sống trong tình trạng hoang dã không; hai là cây hoặc con đó có nhiều biến thiên tự nhiên và chủng loại ở đó không? Trong tiếng Việt, gà có rất nhiều tên, phong phú hơn nhiều dân tộc ở phương Bắc, chứng tỏ nguồn gốc xa xưa của nó ở nội địa, chứ không phải du nhập.

Tục ngữ có câu “Nôm na là cha mách qué”, mới nghe tưởng nghịch lý, nhưng lại rất hữu lý. Vì câu này có thể hiểu như sau: văn Nôm là chữ dùng để nói chuyện (mách: nói chuyện) nhà quê (qué). Qué còn là cách gọi xưa, cách gọi khác của gà: gà qué. Hồi tôi còn rất trẻ đã được nghe học giả Nguyễn Đức Quỳnh giải thích rằng “mách qué” cùng hệ thống với “giở quẻ”, tức là phản kháng, chống đối và tìm phương cách khác để độc lập.


Gà trong tranh Đông Hồ

Gà là một trong 6 vật nuôi thân thuộc (lục súc), gồm trâu (bò), ngựa, heo, dê, chó và gà. Truyện Nôm có Lục súc tranh công để nói về sinh hoạt của những loài được thuần hóa và thân thương với con người từ hàng chục ngàn năm nay. Gà có lẽ là con vật thân thương và dễ gần nhất, nên ngày nay số lượng trên trái đất cũng nhiều nhất, khoảng 24 tỷ cá thể (theo thống kê của Firefly Encyclopedia Of Birds năm 2003).

Người Việt phóng khoáng nên ít có cấm kỵ về thức ăn, khi thuần dưỡng lục súc, ngoài khía cạnh “sống cùng nhau”, thì chúng còn là thực phẩm và gà không là ngoại lệ. Thế nhưng, gà còn là biểu tượng của sức sống (như “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” - thơ Hoàng Cầm); là biểu tượng của tâm linh, sự linh thiêng, nên gần như mọi nghi thức thờ cúng xưa đều có liên quan đến gà.

Nó còn là đồng hồ sinh học, báo Mặt trời mọc, xua đuổi bóng tối (gà gáy sáng/kê minh); xua đuổi cả ma quỷ (tục gà mở cửa mả). Nói chung người Việt có quan niệm và triết lý đặc sắc về thuần dưỡng và thực dưỡng, không đơn giản, ngây ngô như quan niệm ăn hoặc không ăn vật nuôi của nhiều dân tộc khác.

Thành ngữ “Mẹ gà con vịt” (gà thường ấp trứng vịt) bàn về một đặc điểm, một tính cách khác của gà, đó là tình yêu thương không phân biệt của mẹ với con, dù khác giống nòi. Trong mấy ngàn năm xây dựng đất nước trên lãnh thổ có hơn 50 dân tộc, người mẹ Việt đã không ít lần bao dung, yêu thương không phân biệt như vậy. Mà người mẹ (đất mẹ, tiếng mẹ đẻ) đương nhiêu là biểu tượng cho nguồn cội, văn hóa, triết lý, nguồn sống… của một dân tộc, một quốc gia.

Nguyễn Tiến Văn
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN