TTVH Online

Ngẫm ngợi cuối tuần: Thân phận đào

06/01/2017 07:06 GMT+7

Lại sắp Tết rồi.Năm nay nóng đến tận mùa Đông. Vài ngày rét đi thoáng qua như khách thăm vội, còn lại là những ngày oi nồng, nên hoa đào nở sớm.

(Thethaovanhoa.vn) - Lại sắp Tết rồi.

Năm nay nóng đến tận mùa Đông. Vài ngày rét đi thoáng qua như khách thăm vội, còn lại là những ngày oi nồng, nên hoa đào nở sớm. Có người lo rồi Tết sẽ không có đào, Tết đào sẽ đắt.

Tôi ở làng đào Nhật Tân mấy chục năm lẻ. Đúng là có năm đào nở rộ trước Tết, có năm rét qua tháng Giêng đào mới rực rỡ… nhưng rồi chẳng năm nào Tết thiếu đào. Chiều 30 Tết nào cũng vẫn còn những cây đào không bán được, trở lại vườn cho Tết năm sau.


Người dân đưa những đào hoa nở đỏ rực rỡ vào các tuyến phố

Người Hà Nội mâm cao cỗ đầy nhưng thiếu cành đào là chưa có Tết. Đào đã thành truyền thống chơi Xuân của đất Hà thành. Nên việc Hà Nội sau năm 2000, người ta cho xóa sổ dinh đào và vườn đào chính Phú Thượng để cho dự án địa ốc quả là sự “xúc phạm” rất lớn đến tình cảm người dân và phá đi một di sản bao đời mới thành tên, đánh mất vĩnh viễn cái di sản đào mang tên Nhật Tân. Dù sau này có vớt vát, đăng ký thương hiệu “Đào Nhật Tân” nhưng chỉ vuốt đuôi chứ sao lấy lại được nghề thâm hậu trên vùng đất gốc.

Tính ra, trong trào lưu mở cửa, phát triển đô thị, chúng ta đã để mất làng hoa Ngọc Hà, mất làng cốm Vòng, còn Đào Nhật Tân là giá trị văn hóa thứ ba đi vào ngõ cụt.

Tết đến nói chuyện cũ, chuyện được ít mất nhiều, tóm lại đều là những chuyện buồn. Nhưng có lẽ vẫn cần những câu chuyện như thế để khỏi tiếp tục tha hóa, đánh mất thêm những giá trị mà trăm năm, ngàn năm mới thành tên thành tuổi.

Tôi chạnh lòng nhớ đến tác phẩm “Một ngày dài hơn thế kỷ” nói về con người vùng đất khô khan thảo nguyên Sarozech. Tại nhà ga Edigej - Bão tuyết, ông thợ đường tàu Kazangap người ít chữ đã gửi con lên tỉnh học tập mong sau này có chữ nghĩa sẽ có cuộc sống khá hơn. Nhưng cuối cùng thằng con nhiều chữ nghĩa Shabitzhan ấy, khi bố chết được gọi về, nó về một mình và thay vì làm theo di nguyện của bố khi chết được chôn ở nghĩa địa thiêng liêng có tên Ana-Bejit “Lòng mẹ” thì anh ta chỉ muốn “chôn ở đâu cũng được, miễn là nhanh để còn về thành phố làm việc”.

Đứa con trai Shabitzhan có chút kiến thức nhưng mất gốc về lịch sử văn hóa nên mới có suy nghĩ như vậy. Đến nỗi người đồng nghiệp ở nhà ga phải kêu lên: nó muốn chôn bố nó như chôn một con vật chết đi như thế sao!

Câu chuyện Hà Nội mất những làng nghề tên tuổi và chuyện gia đình Kazangap là khác nhau nhưng bản chất thì là một. Sự phát triển nóng vội, thói hám tiền tệ hại và gốc gác là các giá trị văn hóa không được cấy sâu trong đời sống tinh thần của mọi người, và nhất là sự thiếu hụt trong những người làm quản lý thì sẽ tệ hại như thế nào với những kế sách họ đưa ra. Phải làm sao, vừa phát triển mà vẫn giữ được văn hóa, đó mới là tinh thần thời đại.

Tết đến, là người Nhật Tân thì không thể không nghĩ về thân phận đào…

Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN