TTVH Online

Chuyện một cánh hạc lẻ loi

05/01/2017 07:58 GMT+7

Tuần qua, sân khấu Kịch Hồng Hạc (155Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM) tròn một tuổi. Chưa thể gọi là thuận buồm xuôi gió sau một năm hoạt động, nhưng nhiều người vẫn hi vọng sân khấu này sẽ vững tâm đi tiếp.

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, sân khấu Kịch Hồng Hạc (155Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM) tròn một tuổi. Chưa thể gọi là thuận buồm xuôi gió sau một năm hoạt động, nhưng nhiều người vẫn hi vọng sân khấu này sẽ vững tâm đi tiếp con đường đặc biệt: chuyên khai thác những vở diễn chuyển thể từ tác phẩm văn học.

1. Một năm qua, sân khấu này đã có những vở chuyển thể hoặc phóng tác từ truyện của Vũ Hồi Nguyên, Tăng Song Nam, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Catherine Arley, Hải Miên, Y Ban… Và mới nhất là I am đàn bà (đạo diễn: NSƯT Hạnh Thúy), lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của Y Ban, nhưng được Nam bộ hóa về bối cảnh. Giữ linh hồn của sân khấu này là đạo diễn Việt Linh, người của những bộ phim có dấu ấn và vài cuốn sách có cảnh tiếp cận vấn đề khá tinh tế.

Đáng nói, Kịch Hồng Hạc có sức chứa hơn 160 ghế, lớn hơn các kịch cà phê (phổ biến chừng 80 - 100 ghế), nhưng chỉ bằng khoảng 40 - 50% số ghế của các sân khấu còn lại, như Kịch IDECAF, Kịch Hồng Vân, Kịch Hoàng Thái Thanh, Kịch Sài Gòn… Vậy nhưng, giá vé của Kịch Hồng Hạc đang cao nhất tại khu vực TP.HCM, - khi vị trí ngồi tốt có giá đến 300 ngàn hoặc 400 ngàn đồng/1 vé.


Cảnh trong vở "I am đàn bà", vở vừa công diễn của Kịch Hồng Hạc. Ảnh: Lữ Đắc Long

Nhìn vào hướng đi và mô hình của Kịch Hồng Hạc, nhiều người nghĩ về sân khấu Kịch 5B giai đoạn đầu, cũng với sân khấu nhỏ và giàu tính thể nghiệm, cũng tập trung vào các vở chuyển thể từ văn học.

Trong bối cảnh mà các sân khấu tại TP.HCM phải đặt nặng tính giải trí và chiêu trò để tồn tại (trừ Kịch Hoàng Thái Thanh), hướng đi của Kịch Hồng Hạc tuy lẻ loi, chấp chới, nhưng rất đáng để quan tâm.

Tuy nhiên, Kịch 5B ra đời trong bối cảnh mà kịch nói đang có đất sống tốt hơn hiện nay, lại có nhiều nghệ sĩ trẻ và tài năng sẵn sàng xả thân vì sân khấu. Những Thành Lộc, Hữu Châu, Thành Hội, Ái Như, Việt Anh, Thanh Hoàng, Thanh Thủy, Hồng Vân… (và còn rất nhiều nữa) thời ấy, rõ ràng bây giờ làm gì có được.

Và thời ấy lại ít sự kiện, phim ảnh và truyền hình còn nghèo nàn, nên đa số các nghệ sĩ bám trụ sân khấu bền hơn. Còn bây giờ, xếp lịch diễn cho họ đã khó, chứ đừng nói giữ chân các nghệ sĩ lâu dài. Vở Giờ của quỷ (đạo diễn: Hồng Ánh) của Kịch Hồng Hạc chỉ là một trong nhiều ví dụ: từ suất diễn đầu tiên đến nay, sự ổn định của diễn viên rất thấp.

2. Chọn hướng đi nghiêm túc giống Kịch Hoàng Thái Thanh, tuy cách thể hiện có nét khác biệt, nhưng Kịch Hồng Hạc chưa có được những vở như Hãy khóc đi em, Thử yêu lần nữa, Rau răm ở lại, Nửa đời hương phấn… - nơi có thể khiến nhiều khán giả độc lập quay trở lại xem lần 3, lần 4. Họ cũng không có kịch mục đa diện như Kịch IDECAF để khán giả có thể chọn lựa từ thể nghiệm, lịch sử, chuyển thể văn học…, cho đến kinh dị, giải trí, thiếu nhi.

Kịch Hồng Hạc đang có dự định sẽ dành khoảng 60% suất cho kịch nói, còn lại sẽ chiếu phim tuyển lựa, trình diễn múa, nhạc kịch, giao hưởng, cải lương… Có thể trong tương lai gần là vở cải lương thể nghiệm Hà Nội gió mùa của Nhà hát Cải lương Việt Nam.

“Sân khấu Hồng Hạc bằng sức vóc của mình mong muốn mang lại cho giới trẻ cơ hội thể nghiệm những tư duy sáng tạo mới trong hoạt động nghệ thuật sân khấu" – đạo diễn Việt Linh chia sẻ trong một phát biểu của mình. "Đây sẽ là cái nôi đào tạo và bồi dưỡng những nhân tố trẻ ở các vai trò khác nhau như: đạo diễn, diễn viên, biên kịch".

Nhìn vào lượng vé bán ra của vài suất bình thường (không phải đêm công diễn), có thể thấy người trong cuộc đã rất cố gắng và hi sinh để có thể duy trì được Kịch Hồng Hạc trong một năm qua là cả sự cố gắng, hi sinh rất lớn. Hy vọng họ sẽ đi dài hơi. Bởi biết đâu trong tương lai không xa, khán giả TP.HCM lại thật sự cần một mô hình như vậy.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN