TTVH Online

HAGL chia tay một 'cuộc tình'

30/12/2016 08:28 GMT+7

Việc NutiFood kết thúc sớm 2 năm hợp đồng với HAGL đơn giản chỉ là khép lại một gói tài trợ, chứ không phải 'ngày tận thế'...

(Thethaovanhoa.vn) - Việc NutiFood kết thúc sớm 2 năm hợp đồng với HAGL đơn giản chỉ là khép lại một gói tài trợ, chứ không phải 'ngày tận thế'...

Không một ai, trừ chính người trong cuộc, biết rõ giá trị thực sự của bản hợp đồng kéo dài 5 năm (2014-2018), giữa hãng thực phẩm NutiFood và HAGL. Họ là khách hàng truyền thống của nhau, hỗ trợ nhau và cùng với thời gian, đấy là mối quan hệ khá tốt đẹp. Chính đại diện nhà tài trợ từng khẳng định, NutiFood thực sự làm ăn có lời kể từ khi bắt tay với đội bóng phố núi.

Cũng tựa như thế, cách đây đúng 10 năm, bên lề lễ khánh thành Học viện HAGL Arsenal JMG tại khách sạn Hoàng Anh Pleiku, ông chủ Đoàn Nguyên Đức đã khẳng định, doanh thu từ các sản phẩm của HAGL Group đã tăng lên nhiều chục lần, kể từ khi ông bắt tay với bóng đá, đi tiên phong trong việc mở ra mô hình bóng đá doanh nghiệp.

HAGL đau đầu với 'bài toán' tìm tài trợ mới

HAGL đau đầu với 'bài toán' tìm tài trợ mới

Chia tay NutiFood khi mùa giải 2017 đang cận kề chính là bài toán không dễ tìm lời giải với HAGL trong nỗ lực tìm kiếm nhà tài trợ mới.

Bóng đá Việt Nam xét về bản chất vẫn chưa thể trở thành một ngành công nghiệp không khói để nuôi sống bản thân. Nhưng thông qua kênh bóng đá, các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, tạo ra thu hút, gây sự chú ý. Số tiền tài trợ cho bóng đá thực ra chưa thấm vào đâu so với 20% tổng doanh thu của các tập đoàn hay doanh nghiệp đoàn lớn cho chi phí truyền thông - quảng cáo hàng năm.

Trở lại với chuyện của NutiFood, bóng đá (Học viện NutiFood) và bắt tay tài trợ cho bóng đá có thể là một địa hạt mới mẻ, không phải sở trường, nhưng sự thật là người tiêu dùng đã biết đến nhiều hơn các sản phẩm của hãng thực phẩm này, bắt đầu từ mà họ ngày tài trợ cho U19 HAGL với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn..., lứa cầu thủ được xuất xưởng đầu tiên của Học viện liên kết với Arsenal và JMG toàn cầu.

Nhưng một doanh nghiệp có cách tính của riêng họ, với chiến lược phát triển mà có thể người ngoại đạo không hiểu được. Khi thoáng thấy sự hiệu quả trong việc quảng bá bắt đầu manh mún, thì việc họ dừng lại là bình thường.

HAGL có thể chưa thành công trong khoảng 3-4 năm qua xét về biểu đồ thành tích, nhưng những ngôi sao mới, những thần tượng đương thời như Công Phượng, Văn Toàn... vẫn có lượng rating rất cao, sức hút truyền thông và khán giả rất lớn.

Bất luận thế nào, việc để vuột mất một khách hàng đầy tiềm lực trước thời hạn cũng sẽ khiến bầu Đức và thuộc cấp của ông có chút hụt hẫng. Kết thúc để bắt đầu một chương mới, với những khách hàng mới, đấy cũng là một kiểu kích cầu cho sự phát triển. Hãy cứ hiểu đơn giản như thế, bởi cuộc sống và mọi sự hợp tác có hợp thì có tan, hết tan lại hợp, lại đoàn viên.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN