TTVH Online

Nỗi buồn của 'người lái đò'

17/11/2016 06:39 GMT+7

Gần ngày 20/11, Quốc hội 'nóng' bởi các chất vấn về vấn đề các cô giáo Hồng Lĩnh, đồng lương giáo viên, số cử nhân thất nghiệp... Điều này cũng nhắc nhớ chúng ta nhìn lại những khó khăn của nghề giáo trong môi trường hiện tại.

(Thethaovanhoa.vn) - Gần ngày 20/11, Quốc hội "nóng" bởi các chất vấn về vấn đề các cô giáo Hồng Lĩnh, đồng lương giáo viên, số cử nhân thất nghiệp... Điều này cũng nhắc nhớ chúng ta nhìn lại những khó khăn của nghề giáo trong môi trường hiện tại.  

Vừa qua, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã điều động 21 giáo viên tham gia Liên hoan Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Tại sự kiện này, các giáo viên sẽ làm vai trò tiếp khách. Theo một số nguồn tin, nhiều giáo viên đã phải miễn cưỡng đi uống rượu cùng khách sau sự kiện. Và lãnh đạo Hồng Lĩnh đã gián tiếp khẳng định thông tin này bằng việc gọi chuyện này là... bình thường.

Ai đó đã nói, nếu các cô không muốn thì không ai có thể ép. Ai đó đã nói, việc giáo viên đi làm "lễ tân" là vinh dự, là niềm tự hào. Ai đó đã nói, bản chất câu chuyện là trong sáng, còn những hành động không đẹp phát sinh là vấn đề bình thường của cuộc sống.

Rõ ràng, câu chuyện linh hoạt huy động viên chức cho sự kiện lớn ở địa phương là điều có thể thông cảm phần nào. Còn chuyện vinh dự, tự hào khi tham gia các hoạt động địa phương, chỉ có các giáo viên trực tiếp tham gia mới có quyền bày tỏ. Kể cả việc, các cô không muốn thì không ai có thể ép cũng không sai, về lý thuyết.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về vụ việc điều giáo viên đi tiếp khách xảy ra ở Hà Tĩnh. Ảnh: cắt từ clip

Thực tế, câu chuyện nghề giáo ngoài đời sống khốc liệt hơn rất nhiều. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2014, cả nước hiện đang thừa khoảng 35.000 giáo viên bậc THCS và THPT. Trong khi đó, hiện tại, cả nước có 14 trường ĐH Sư phạm, 23 trường ĐH đa ngành có khoa sư phạm, 45 trường cao đẳng sư phạm, 4 trường cao đẳng có khoa sư phạm và 7 trường trung cấp sư phạm. Từ các "lò" này, hàng vạn giáo viên tốt nghiệp, bổ sung vào lực lượng lao động, hàng năm.

Việc số lượng giáo viên đã gần đủ, số lượng về hưu không cao, cùng giáo viên thừa mỗi lúc một bổ sung, khiến giáo dục trở thành ngành nghề mức độ cạnh tranh bậc nhất. Và, theo tính toán, cứ với đà tăng như này, năm 2020, cả nước sẽ thừa 70.000 giáo viên.

Đồng nghĩa, các giáo viên ở Hà Tĩnh và các tỉnh thành không dễ "nói không" với các chỉ đạo từ cấp trên như người ta hình dung. Các cô cũng không dễ thể hiện quan điểm của mình khi dư luận đang xôn xao. Các cô thực sự không có nhiều lựa chọn.

Nhìn rộng hơn, nghề giáo hiện thời không chỉ chịu sức ép từ cấp trên. Các thầy cô còn phải đối mặt với bộn bề vấn đề lương không đủ sống, vấn đề thành tích thi đua, vấn đề biên chế, và chuyện phải bắt kịp những đổi thay xoành xoạch của các "trận đánh lớn"...

***

"Người lái đò". Đó là hình ảnh ví von phổ biến về nghề giáo đưa nhiều thế hệ học sinh tới các bến bờ tri thức. Đó cũng là tên của nhiều tờ báo tường đang được các em học sinh cả nước gấp rút hoàn thiện để chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Song, hiện nay, giáo viên đang gặp khó trăm bề. Họ khó khăn giữa dòng xoáy sinh nhai với đồng lương ít ỏi, giữa những công việc rườm rà ngoài chuyên môn với ma trận lập luận. Thậm chí nhiều người bơ vơ ngay khi cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành sư phạm ra trường.

Gần ngày 20/11, lúc nghề giáo đang làm nóng nghị trường, nhắc tới các khó khăn của các thầy cô mà ngậm ngùi. Song, đó là điều phải làm để những quyết sách thượng tầng hỗ trợ hợp lý hơn với nghề cao quý; để những người liên hệ trực tiếp tới giáo dục phát ngôn thận trọng hơn, tránh làm tổn thương các thầy cô; và để dư luận thêm cảm thông với những người đang đứng trên bục giảng.


Cuộc chất vấn về việc điều động giáo viên phục vụ hội nghị ở Hà Tĩnh. Nguồn clip: TT

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN