TTVH Online

Nghệ An đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo

16/11/2016 16:56 GMT+7

Với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, môi trường trong lành, Nghệ An đã và đang khai thác để phát triển thành các điểm du lịch hấp dẫn.

(Thethaovanhoa.vn) - Phát triển du lịch biển đảo đang trở thành hướng đi thiết thực, hiệu quả với Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho đất nước, địa phương; đồng thời, góp phần củng cố, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những năm qua, nhờ thực hiện nhiều chính sách hợp lý và thu hút đầu tư, Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói này.

* Tài nguyên du lịch biển đảo phong phú

Nghệ An có tài nguyên du lịch biển đảo phong phú, ưu thế hơn so với nhiều tỉnh, thành phố có biển ở nước ta. Với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, môi trường trong lành, Nghệ An đã và đang khai thác để phát triển thành các điểm du lịch hấp dẫn.

Vùng biển Nghệ An có bờ biển trải dài trên 82 km, dọc bờ biển có 6 cửa lạch (lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thới, lạch Vạn, Cửa Lò, Cửa Hội) với độ sâu từ 1-3,5m thuận lợi cho tàu thuyền ra vào. Bờ biển Nghệ An dài, phẳng với nhiều bãi tắm đẹp, cát trắng, nước trong, có độ mặn vừa phải, môi trường trong lành, nhiệt độ bình quân nước biển trong cả năm là 20 độ C, số lượng giờ nắng nhiều, thuận tiện cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, chữa bệnh như Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Quỳnh Lập, Diễn Thành… Ngoài ra, còn có một số bãi biển đẹp, nguyên sơ chưa được khai thác như bãi biển Đông Hồi-Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu), Mũi Rồng-Nghi Thiết (Nghi Lộc), bãi biển Cửa Hiền…

Biển Nghệ An còn có các đảo Mắt, đảo Ngư, đảo Lan Châu với môi trường biển trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ động thực vật biển phong phú, với nhiều loài thủy sinh đặc hữu… cũng là nguồn tài nguyên tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch biển.

Bên cạnh đó, vùng ven biển Nghệ An có nhiều lễ hội dân gian, truyền thống. Các lễ hội còn lưu giữ được những nét văn hóa riêng, tái hiện lại những phong tục, tập quán và cuộc sống của nhân dân vùng biển, có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch như: lễ cầu ngư, lễ hội đền Cuông, lễ hội đền Cờ, lễ hội đền thờ Cương Quốc công Nguyễn Xí, lễ hội đền Vạn Lộc, lễ hội đền Hồng Sơn…

Vùng ven biển Nghệ An có nhiều thuận lợi về giao thông như: có tuyến đường sắt, đường bộ xuyên Việt chạy qua; có sân bay, cảng biển thuận lợi cho hợp tác và giao lưu kinh tế thương mại, du lịch. Đây còn là một trong những trung tâm phát triển kinh tế biển và hợp tác quốc tế của vùng Bắc Trung bộ.

* Du lịch biển đảo - mũi nhọn kinh tế của địa phương

Trong nhiều năm qua, du lịch biển đảo đã được tỉnh Nghệ An quan tâm phát triển, xem đây là mũi nhọn kinh tế của địa phương.

Thực tế cho thấy du lịch biển chiếm gần 70% các hoạt động của ngành du lịch tỉnh Nghệ An. Lượng khách đến các điểm du lịch vùng ven biển tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng trung bình là 22,08%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế có xu thế tăng đều hàng năm. Tỷ trọng khách du lịch vùng ven biển hàng năm chiếm từ 92-95% tổng lượt khách du lịch đến Nghệ An. Doanh thu du lịch biển có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 27%/ năm. Du lịch biển đã đóng góp nguồn thu lớn vào ngân sách của tỉnh.

Để có được kết quả trên, các cấp, các ngành của tỉnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả. Trong đó nhằm tạo điều kiện cho du lịch biển đảo phát triển, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển được quan tâm, chú trọng, nhất là về kết cấu hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống đường giao thông đến các khu điểm du lịch biển của Nghệ An đã được nâng cấp một bước: Vinh-Cửa Lò, đường Nam Cấm-Cửa Lò, đường ven biển Quỳnh Phương-Quỳnh Bảng... Sân bay Vinh, nhà ga, bến cảng tiếp tục được mở rộng. Nhờ đó vùng ven biển có hệ thống hạ tầng khá nhất trong toàn tỉnh. Từ quốc lộ 1A đã có các tuyến đường bộ dẫn đến các bãi biển của Nghệ An. Dọc ven biển còn có tuyến đường tỉnh lộ chạy suốt từ Quỳnh Lưu vào đến Nghi Lộc và nối với tuyến đường Nam Cấm-Cửa Lò.

Công tác tuyên truyền quảng bá của du lịch Nghệ An nói chung, du lịch biển nói riêng đã được tổ chức triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, chất lượng thông qua hoạt động chuyên đề, hội nghị, hội thảo được đổi mới đã tăng thêm sự hiểu biết của nhân dân trong nước và quốc tế đối với du lịch biển Nghệ An.

Để khai thác có hiệu quả những tiềm năng và lợi thế của vùng ven biển và hải đảo của tỉnh, Đề án “Phát triển du lịch biển, đảo Nghệ An đến năm 2020” đã được thông qua. Theo đó, tỉnh Nghệ An đã tích cực mở các tour du lịch đảo như đưa du khách ra thăm đảo Lan Châu, đảo Ngư, tham quan các di tích, khám phá hệ thủy sinh, khu sinh thái gắn với thiên nhiên, nuôi thả động vật...

Tại vùng biển các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, đã phát triển các loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, làng nghề để du khách được trực tiếp trải nghiệm các nét sinh hoạt độc đáo của địa phương. Các địa phương vùng ven biển của Nghệ An luôn chú trọng bảo tồn không gian cư trú của cư dân ven biển. Nhiều di sản vật thể liên quan đến văn hóa biển vẫn được lưu giữ, lễ tục truyền thống, làng nghề của cư dân miền biển vẫn được bảo tồn, duy trì và phát huy.

Với sự nỗ lực lớn, du lịch Nghệ An, trong đó có sự đóng góp phần lớn của du lịch biển đảo đã có sự phát triển khá tốt về lượng khách với những con số đầy ấn tượng. Năm 2004, du lịch Nghệ An vượt mốc 1 triệu khách. Năm 2015 lượng khách lưu trú đạt 3,65 triệu lượt, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 2.680 tỷ đồng. Tổng cộng 9 tháng đầu năm 2016, khách lưu trú tại Nghệ An ước đạt 2.723.000 lượt người. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.298.000 triệu đồng.

Định hướng phát triển du lịch từ nay đến năm 2020, tỉnh Nghệ An xác định tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch biển đảo làm hướng chủ đạo. Cụ thể, Nghệ An phấn đấu đón 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 235.000 lượt người, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng ven biển đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch; thu hút trên 30.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và tạo việc làm cho 70.000 lao động gián tiếp ngoài xã hội.

Để thực hiện hiệu quả định hướng này và hướng tới mục tiêu dài hơi là biến ngành công nghiệp không khói, nhất là du lịch biển đảo trở thành thế mạnh nổi bật của Nghệ An, chính quyền và cư dân vùng biển vẫn cần triển khai thực hiện nhiều dự án, chính sách và biện pháp hợp lý, hiệu quả. Để từ đó ngành du lịch biển đảo không chỉ mang lại nguồn thu lớn mà còn trở thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; đồng thời góp phần khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Kim Chung (tổng hợp)
[Nguồn: Tỉnh Nghệ An, TTXVN]

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN