TTVH Online

Thu tác quyền karaoke từ quảng cáo: Nguy cơ bùng nổ 'cuộc chiến' mới

10/11/2016 07:20 GMT+7

Ngày 9/11 tại TP HCM, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Công ty Điện tử Hanet Việt Nam (Hanet) có buổi họp báo về việc khai thác bản quyền tại các cơ sở kinh doanh karaoke.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/11 tại TP HCM, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) và Công ty Điện tử Hanet Việt Nam (Hanet) có buổi họp báo về việc khai thác bản quyền tại các cơ sở kinh doanh karaoke.

Theo đó, RIAV ủy quyền cho Hanet trong thời hạn 5 năm (đến 2021) được toàn quyền làm việc với các cơ sở kinh doanh karaoke sử dụng sản phẩm của RIAV mà không xin phép.

Tạm tính mỗi hàng karaoke là 400 triệu đồng/năm

Ông Võ Đức Thọ, Tổng giám đốc Hanet cho biết: “Nếu theo quy định hiện hành, mỗi phòng kinh doanh karaoke phải đóng phí 2.000 đồng/bài hát/năm. Tạm tính mỗi thiết bị karaoke sử dụng 10.000 bài hát, như vậy cứ trung bình mỗi cơ sở kinh doanh karaoke có khoảng 20 phòng/20 đầu máy karaoke thì mỗi năm phải trả tiền tác quyền cho RIAV là 400 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ với một trung tâm/cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke nhưng Hanet đưa ra dự án sẽ giúp những nơi này không phải trả tiền lại còn được lợi”.


Karaoke là loại hình giải trí rất phổ biến hiện nay

Dự án đó, theo ông Võ Đức Thọ là khai thác quảng cáo trên các màn hình ở các phòng hát karaoke. Doanh thu từ quảng cáo sẽ được chia cho các bên liên quan, trong đó Hanet nhận về 35% để trả tác quyền cho RIAV và tái đầu tư xây dựng hệ thống, 25% cho chủ sở hữu bản quyền và 10% cho cơ sở kinh doanh karaoke.

Như thế, nếu các cơ sở kinh doanh karaoke hợp tác với Hanet, chẳng những không phải đóng 2.000 đồng/bài hát/năm mà còn được hưởng thêm 10% từ doanh thu quảng cáo.

Để các bên liên quan cùng kiểm soát được điều này, Hanet đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các phần mềm máy tính hiển thị lên các con số. Chẳng những thế, các nhãn hàng/thương hiệu cũng có thể thấy được quyền lợi của mình thông qua các bài hát được chọn hát nhiều hay ít, hát vào thời gian nào và ở địa điểm/vùng miền nào.

Ông Võ Đức Thọ cũng cho hay: “Khi trên thị trường có một bài hát “hit”, lập tức hệ thống karaoke của Hanet (được kết nối internet) sẽ cập nhật sau một hai ngày cho người dùng thay vì phải mất cả tháng như các mô hình hiện nay. Mỗi vùng miền sẽ có "gu" chọn bài hát khác nhau, Hanet có dữ liệu bài hát khác nhau. Đây cũng là những số liệu để các nhãn hàng cần biết chọn quảng cáo sản phẩm gì cho phù hợp”.

Nguy cơ “cuộc chiến” trong các đơn vị sản xuất các thiết bị karaoke

Số liệu từ ông Võ Đức Thọ cho biết, hiện nay có khoảng 20 ngàn phòng karaoke trên toàn quốc sử dụng các thiết bị của công ty này, ước chiếm 30% thị phần. Có thể hiểu, 30% cơ sở/trung tâm kinh doanh karaoke sử dụng các thiết bị của Hanet không phải đóng 2.000 đồng/bài hát/năm và sẽ được chia 10% lợi nhuận từ doanh thu quảng cáo trong thời gian tới.

Kinh doanh karaoke: Khi các nhà sản xuất vào cuộc cùng các hộ kinh doanh

Kinh doanh karaoke: Khi các nhà sản xuất vào cuộc cùng các hộ kinh doanh

Thị trường giải trí trên cả nước đang có dấu hiện sôi động để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân đặc biệt là thời điểm cuối năm.


Bởi Hanet ngoài được RIAV cho phép “Đại diện RIAV độc quyền thu phí bản quyền âm nhạc (quyền liên quan bản ghi âm) thuộc quyền sở hữu được sử dụng trái phép tại các Trung tâm kinh doanh dịch vụ karaoke; các tụ điểm kinh doanh ca hát có sử dụng karaoke”. Hanet cũng được nhạc sĩ Phó Đức Phương – đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam – chứng nhận đơn vị này đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả âm nhạc theo một hợp đồng đến hết năm 2017.

Như vậy, một cơ sở kinh doanh karaoke có khoảng 20 phòng hát không phải đóng 400 triệu/năm thì phải sử dụng các thiết bị của công ty trên để “kinh doanh thêm” dịch vụ quảng cáo và có thêm lợi nhuận được chia 10%.

Tuy nhiên, nhiều người trong giới cho rằng, việc RIAV hợp tác và ủy thác độc quyền sẽ tạo nên một “cuộc chiến” trong các đơn vị sản xuất các thiết bị karaoke tại Việt Nam. Và đơn vị này chia thêm 10% doanh thu quảng cáo sau khi đóng phí bản quyền cho các cơ sở kinh doanh karaoke sử dụng thiết bị của đơn vị là một “chiêu bài” bán hàng, bởi nếu dự án mà Hanet đưa ra không nhận được nhiều quảng cáo như mong muốn thì sao?

Liệu những đơn vị sản xuất thiết bị karaoke khác ở Việt Nam sẽ “ngồi yên” khi lợi ích của họ đang bị… đụng chạm? Phải chăng cuộc chiến giữa các nhà sản xuất thiết bị karaoke và cả các cơ sở kinh doanh karaoke đang bắt đầu?

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN