TTVH Online

Khi các hoa hậu 'đánh cược' vương miện vào... người phiên dịch

12/11/2016 07:09 GMT+7

Việc Hoa khôi Nam Em không lọt được vào top 4 Hoa hậu Trái đất 2016 'vì lỗi của phiên dịch viên' đã để lại rất nhiều điều đáng tiếc.

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Hoa khôi Nam Em không lọt được vào top 4 Hoa hậu Trái đất 2016 "vì lỗi của phiên dịch viên" đã để lại rất nhiều điều đáng tiếc. Giá như Nam Em không cần người phiên dịch mà trả lời trực tiếp câu hỏi ứng xử bằng tiếng Anh thì sao? Đấy chính là điều mà "đàn chị" của cô là Thúy Vân đã từng làm tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015.

Làm chủ ngôn ngữ tiếng Anh không có nghĩa là đã có thể làm chủ sân khấu sắc đẹp, nhưng chí ít cũng không phải đánh cược cả tấm vương miện của mình vào người phiên dịch. Nhưng tiếng Anh có phải là bảo bối?

Nếu may mắn lọt vào những vòng top cuối cùng trong đêm chung kết, phần thi ứng xử lại trở thành thử thách khó nhằn nhất mà các thí sinh hoa hậu phải vượt qua.

Câu hỏi cuối và phần trả lời sẽ có thể quyết định số phận “đi hay ở” của thí sinh, bởi đây là nơi giám khảo cũng như khán giả được tiếp xúc một cách “trực tiếp” nhất với hoa hậu, và còn được coi là nơi đánh giá, “mục sở thị” vẻ đẹp tâm hồn cũng như trí thông minh của các cô gái.

Những cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Trái đất đều cho phép thí sinh trả lời câu hỏi bằng tiếng bản địa và sử dụng phiên dịch viên trong phần thi ứng xử.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu rằng phiên dịch viên trong các cuộc thi sắc đẹp có giúp hoa hậu giành chiến thắng? Liệu họ có thực sự truyền tải tất cả những thông điệp hay suy nghĩ mà hoa hậu muốn thể hiện không? Các người đẹp nên trả lời bằng tiếng Anh hay tiếng bản địa?


Hoa hậu Trung Quốc Zilin thất bại trong chinh phục vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2011 vì phiên dịch viên bối rối với chủ đề nhạy cảm trong câu hỏi

Tiếng Anh đối với các thí sinh Hoa hậu

Nói gì thì nói, các cuộc thi sắc đẹp lớn nhất trên thế giới tựu chung lại cũng đều là thương hiệu, đứng đầu là các tỉ phú hay tổ chức lớn và được quản lý bởi đội ngũ chuyên nghiệp của họ.

Trong cuộc thi, người ta sẽ chọn ra được cô gái phù hợp nhất dựa trên nhiều tiêu chí – mà sau này sẽ trở thành đại diện cho thương hiệu của họ - thực hiện các hoạt động như phát ngôn, từ thiện, đại diện cho quốc gia,… và có một ảnh hưởng nhất định trên phạm vi toàn cầu.

Trong cuộc thi, các hoa hậu được tuyển chọn từ các nước sẽ tham gia vào nhiều hoạt động nhằm đánh giá năng lực, trí tuệ cũng như phẩm chất, từ đó chọn ra được cô gái “vừa có sắc - vừa có tài” đăng quang ngôi vị cao nhất.

Tiếng Anh trong cuộc thi đóng vai trò làm cầu nối giúp các người đẹp giao lưu, tạo hình ảnh trước truyền thông hay quan trọng hơn là trả lời câu hỏi trong phần thi ứng xử.

Nhưng nếu không nói được tiếng Anh cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng, vì bên cạnh các hoa hậu lúc này là các phiên dịch viên.

Sau khi trở thành hoa hậu, nếu cô gái đó nói tiếng Anh tốt và trôi chảy, điều đó sẽ thuận tiện hơn trong việc bàn bạc và trao đổi giữa hoa hậu và đội ngũ cố vấn, không cần thiết phải thông qua một bên thứ ba. Nhưng nếu hoa hậu không thể nói tốt tiếng Anh, lúc này phiên dịch viên sẽ đóng vai trò quan trọng trong các cuộc thảo luận công việc.

Và trong thời gian này, các hoa hậu cũng được trau dồi thêm tiếng Anh từ đội ngũ của ban tổ chức, minh chứng là hoa hậu Nhật Bản Ryo Mori và hoa hậu Venezuela Stefanía Fernández đã phải sử dụng phiên dịch viên trong cuộc thi, sau khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ đã được trau dồi thêm tiếng Anh bởi đội ngũ cố vấn. Tiếng Anh của họ đã tiến bộ rất nhanh sau đó.

Nỗ lực trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh

Có nhiều ví dụ cho thấy mặc dù phiên dịch viên đã được bố trí sẵn từ trước, các hoa hậu vẫn quyết định lựa chọn trả lời bằng tiếng Anh.

Hoa hậu Dayana Mendoza cần sự trợ giúp của phiên dịch viên để dịch câu hỏi sang tiếng Tây Ban Nha, nhưng sau đó lại trả lời bằng tiếng Anh. Mặc dù tiếng Anh của cô không hoàn hảo, cô vẫn có thể truyền tải được thông điệp của mình đến ban giám khảo và cuối cùng trở thành người sở hữu chiếc vương miện danh giá của Hoa hậu Hoàn vũ năm 2007.

Chung kết Hoa hậu trái đất 2016: Người đẹp Ecuador đăng quang, Nam Em trượt Top 4

Chung kết Hoa hậu trái đất 2016: Người đẹp Ecuador đăng quang, Nam Em trượt Top 4

Một sự cố nhỏ đã xảy là khi Nam Em nói tiếng Anh không tốt nên đã phải nhờ đến người phiên dịch và người này đã chuyển ngữ không tốt khiến nhiều khán giả ở dưới la ó.


Một ví dụ khác là hoa hậu Venezuela IreneEsser vào năm 2012, đã cố gắng “lặp lại lịch sử” mà người tiền nhiệm của mình đã làm được, đó là nhờ phiên dịch viên dịch câu hỏi sang tiếng Tây Ban Nha và trả lời lại bằng tiếng Anh. Đáng tiếc, cô không được may mắn như đàn chị của mình. Irene đã được hỏi nếu được quyền ban hành một đạo luật, đó sẽ là gì. Câu trả lời của cô bị đánh giá là vô nghĩa và cuối cùng đánh mất chiếc vương miện.

Khi không có phiên dịch viên

Trong một vài trường hợp,có lẽ các người đẹp thực sự cần đến phiên dịch viên nhưng nếu không có, họ vẫn phải tự xoay sở bằng khả năng của mình.

Trường hợp này xảy ra với Teresa Fajskova đến từ Cộng hòa Czech trong đêm chung kết Hoa hậu Trái Đất năm 2012. Thay vì trả lời câu hỏi tiếng Anh mà cô không hiểu rõ, cô chọn cách truyền tải đoạn thông điệp ngắn sử dụng một vài từ tiếng Anh mà cô biết, mặc dù có lẽ không đúng trọng tâm. May mắn thay, cô vẫn giành được vương miện. Điều tương tự cũng xảy ra với Tatyana Maksimova tới từ Nga trong cuộc thi Hoa hậu Du lịch Quốc tế năm 2012.

Nhưng sự thật là không phải ai cũng được may mắn như thế. Đây là lý do vì sao việc thất bại do không có người phiên dịch hoặc người phiên dịch mắc lỗi luôn luôn gây ra nhiều tranh cãi.

Những lợi thế của hoa hậu khi có phiên dịch viên

Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ cung cấp cho thí sinh đội ngũ phiên dịch viên đến từ các công ty về dịch vụ dịch thuật. Đó là lý do vì sao những người đẹp tiến sâu vào top 5 cuối cùng luôn chọn lựa phiên dịch viên như một giải pháp an toàn hơn là mạo hiểm số phận của mình trả lời câu hỏi bằng tiếng Anh.

Cũng phải nói rằng, có thể trở thành một hoa hậu hay không không dựa vào khả năng nói tiếng Anh giỏi hay kém. Theo Janine Tugonon, Hoa hậu Hoàn vũ năm 2011: “Miễn là bạn có một trái tim và có thể truyền cảm hứng cho mọi người, bạn có thể trở thành một Hoa hậu Hoàn Vũ”.

Rất nhiều người đẹp đã giành được chiếc vương miện danh giá nhờ câu trả lời được dịch lại một cách chuẩn xác và trôi chảy. Đó là trường hợp của hoa hậu Leila Lopes, người đã trả lời bằng tiếng Bồ Đào Nha vào năm 2011 và Zuleyka Rivera trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha vào năm 2006. Mặc dù họ có những tố chất của người chiến thắng, nhưng không thể phủ nhận chính câu trả lời tốt đã giúp họ đăng quang ngôi hoa hậu.

Theo những phân tích về các cuộc thi sắcđẹp, có phiên dịch viên đồng nghĩa với việc có được lợi thế để suy nghĩ tốt hơn về câu hỏi, so sánh với những người phải suy nghĩ và trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh.

Shamcey Supsup và Ariella Arida, hai người đẹp đến từ Philippines, lọt vào top 5 và là 2 người duy nhất không có phiên dịch viên. Mặc dù câu trả lời của họ là khá trọn vẹn và đầy đủ, họ đã không có lợi thế như những cô gái khác trong việc đầu tư và chăm chút cho câu trả lời, kết quả là không ai giành được vương miện.

Nhưng cũng có trường hợp phiên dịch viên thất bại

Không hiếm những tình huống xảy ra mà ở đó phiên dịch viên lại chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của thí sinh. Thành thử ra sử dụng phiên dịch viên cũng là một canh bạc mà các cô gái cần suy tính trong vòng thử thách quan trọng này.

Trường hợp không may đã xảy ra với Caroline Medina tới từ Venezuela. Trong đêm chung kết Hoa hậu Trái Đất năm 2011, cô đã cố gắng nhắc lại câu trả lời nhiều lần nhưng người phiên dịch vẫn không thể hoàn thành nhiệm vụ truyền tải một cách chính xác đến ban giám khảo. Điều đó đã đánh đổi bằng chiếc vương miện khi cô chỉ có thể dừng chân ở vị trí thứ 4.

Trường hợp tương tự cũng xảy ra với hoa hậu Trung Quốc Zilin trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ năm 2011. Khi được hỏi về chủ đề khỏa thân công cộng. Phiên dịch viên đã quá bối rối và lo lắng khi phải dịch một câu hỏi “tế nhị” và không phù hợp với thuần phong mỹ tục của một nước Châu Á. Sau đó Zilin đã thất bại trong việc trả lời và cuối cùng dừng chân ở top 5.

Không thể nghi ngờ là phiên dịch viên có thể làm nên vinh quang hay khiến hoa hậu thất bại.

Yến Nhi (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN