TTVH Online

Thai giáo: Dạy con từ thuở còn...trong bụng!

26/09/2016 10:00 GMT+7

Phương pháp dạy con ngay từ trong bụng mẹ được gọi là thai giáo. Thai giáo đúng cách sẽ giúp thai nhi phát triển tốt, đứa trẻ sau nay sẽ khoẻ mạnh và thông minh.

(Thethaovanhoa.vn) - Phương pháp dạy con ngay từ trong bụng mẹ được gọi là thai giáo. Thai giáo đúng cách sẽ giúp thai nhi phát triển tốt, đứa trẻ sau nay sẽ khoẻ mạnh và thông minh.

Việc áp dụng thai giáo đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện 5 giác quan. Dưới đây là một số cách thực hiện phương pháp thai giáo mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo.

Thai giáo thông qua xúc giác

Thai giáo thông qua xúc giác là việc thường xuyên thực hiện động tác massage bên ngoài bụng mẹ.

Massage trong thai kỳ được đánh giá là rất có ích cho sự phát triển của thai nhi. Thông qua cảm ứng da bằng những động tác massage nhẹ nhàng, có thể truyền tới đại não của thai nhi, thúc đẩy sự phát triển của cơ quan này, trẻ sẽ thông minh hơn.

Việc massage đúng cách còn giúp mẹ bầu thư giãn, thai nhi tăng cân nhiều hơn và quá trình sinh con trở nên thuận lợi hơn, giúp giảm bớt đau đớn cho mẹ bầu khi lâm bồn.


Thai giáo bằng thính giác

Với sự phát triển của khoa học hiện đại, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, thính giác là một trong những cơ quan phát triển rất sớm của thai nhi trong bụng mẹ. Đến khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ, tai bé đã hoàn thiện về cấu trúc giải phẫu, đến 22 tuần tuổi thai nhi đã có thể nghe được tiếng chảy của dòng máu, tiếng đập của tim, tiếng sôi bụng của mẹ. Bé có thể nghe được âm thanh bên ngoài tử cung và có thể đáp trả các tiếng động, vì vậy, đây cũng là thời kỳ các mẹ có thể triển khai các hoạt động thai giáo bằng âm thanh cho bé.

Thai giáo thông qua thính giác có thể thực hiện bằng cách dùng âm nhạc và giọng nói của bố mẹ.

Thai giáo bằng âm nhạc là sử dụng âm phách để kích thích cơ quan thính giác của thai nhi, giúp huấn luyện thính giác, sự hứng thú, trí nhớ cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ. Các nhà khoa học đã chứng minh âm nhạc với những giai điệu nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu mềm mại như nhạc cổ điển, nhạc giao hưởng có tác dụng rất tốt trong việc giúp mẹ và thai nhi cảm thấy dễ chịu hơn.

Lưu ý các mẹ không nên nghe nhạc quá nhiều, mỗi lần chỉ nên nghe không quá 20 phút và chỉ nên nghe từ 2-3 lần/ngày. Không nên nghe nhạc quá to vì có thể khiến thai nhi giật mình khó chịu. Các mẹ cũng cần chú ý đến thời điểm cho thai nhi nghe nhạc.


Thai giáo bằng giọng nói của bố, mẹ: Từ tháng thứ 6 trở đi, thai nhi đã biết phản ứng lại với các nguồn âm thanh từ bên ngoài, trong đó, có giọng nói của bố và mẹ. Bé có thể cử động mạnh hay đạp vào bụng mẹ khi mẹ cất cao giọng của mình. Tượng tự, vai trò của người bố trong giai đoạn này cũng rất quan trọng đối với bé. Nếu bé được bố chuyện trò ngay từ trong bụng mẹ thì sau khi chào đời, bé có thể nhận ra tiếng bố mình trong một phòng đông người và đáp ứng lại một cách đầy thiện cảm, biết lắng nghe khi bố nói chuyện… Do đó, bố mẹ nên thường xuyên nói chuyện, tâm sự hay hát cho bé nghe.

Thai giáo thông qua thị giác

Thị giác là một trong những yếu tố hình thành cảm xúc của mẹ, ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng. Do đó, thai giáo thông qua thị giác đòi hỏi người mẹ phải có cái nhìn tốt. Cái nhìn tốt ở đây không hoàn toàn có nghĩa là nhìn rõ mà phải biết cách nhìn, nhìn có “nghệ thuật”.


Giống như âm nhạc, màu sắc có sức mạnh huyền bí, có thể truyền đạt tình cảm và tác động đến suy nghĩ, hành động của con người, đặc biệt là với các bà bầu. Mỗi màu sắc có khả năng kích thích khác nhau tới trạng thái tinh thần, cảm giác, thúc đẩy quá trình sản sinh các loại hormone trong cơ thể. Vì vậy, các mẹ có thể tận dụng các “liệu pháp sắc màu” để giúp bé yêu có tinh thần thoải mái, thư giãn ngay từ trong bụng mẹ, từ đó kích thích phát triển năng khiếu hội họa và nâng cao chỉ số IQ.

Những phương pháp thai giáo bằng thị giác các mẹ có thể áp dụng: đi dạo ngoài trời, tắm nắng để bé cảm nhận ánh nắng mặt trời; ngắm nhìn những cảnh đẹp, hình vẽ đẹp, bức tranh đẹp…

Thai giáo bằng khứu giác

Khảo sát trường hợp những đứa trẻ sinh non, người ta nhận thấy chúng đã có phản ứng với mùi bạc hà ở tuần lễ thứ 29 trong bụng mẹ. Nói một cách rộng ra thì, những gì mẹ ngửi thấy khi mang thai, em bé cũng có thể cảm nhận được, dĩ nhiên ở mức độ thấp hơn.

Bước sang tuần lễ thứ 36, thai nhi đã có đáp ứng hoàn toàn với mùi. Thời điểm này, khi mẹ ngửi mùi hăng, nồng thì thai nhi sẽ lấy tay che mặt lại, mẹ ngửi hương hoa dễ chịu đứa bé nằm yên để cảm nhận mùi hương. Do đó, mẹ bầu nên đặt trong nhà, nơi làm việc những loại hoa tỏa hương thơm nhẹ nhàng, hay tinh dầu thơm để tạo cảm giác thư giãn và tâm trạng phấn chấn.


Thai giáo bằng vị giác

Các nhà khoa học nhận thấy, từ tuần thứ 13 thai kỳ, thai nhi đã phát triển khả năng về vị giác. Sang tuần thứ 16, gai lưỡi của bé đã phát triển mạnh để cảm nhận vị. Khi mẹ nếm những vị cay, nồng, mặn, đắng, đứa bé mở miệng ra, nhăn mặt lại. Khi đói, bé có thể đá vào bụng mẹ để báo hiệu mẹ: “Con đói rồi, cho con ăn đi”; còn khi mẹ ăn ngon miệng em bé cũng sẽ cảm nhận được. Do đó, việc mẹ sẽ lựa chọn những thức ăn như thế nào để giúp bé làm quen với mùi vị là điều khá quan trọng.

Ngọc Quỳnh
Tổng hợp


Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN