TTVH Online

Vĩnh biệt NSND Thanh Tòng: Cây đại thụ của sân khấu cải lương tuồng cổ

23/09/2016 06:45 GMT+7

NSND Thanh Tòng ra đi vào 10h sáng ngày 22/9 tại nhà riêng ở tuổi 68 thực sự làm giới sân khấu và công chúng mộ điệu cải lương bàng hoàng.

(Thethaovanhoa.vn) - NSND Thanh Tòng ra đi vào 10h sáng ngày 22/9 tại nhà riêng ở tuổi 68 thực sự làm giới sân khấu và công chúng mộ điệu cải lương bàng hoàng. Từ đây, sân khấu cải lương mất đi một cây đại thụ, nghệ thuật cải lương tuồng cổ không còn người thống lĩnh tài ba đã gây dựng và phát triển loại hình nghệ thuật này đến đỉnh cao.

NSND Thanh Tòng tên thật là Nguyễn Thanh Tòng, sinh năm 1948 tại Sài Gòn, là con thứ tư của đôi nghệ sĩ tài danh Minh Tơ - Bảy Sự, thuộc thế hệ thứ ba của gia tộc hát bội - cải lương nức tiếng miền Nam: Vĩnh Xuân - Bầu Thắng - Minh Tơ.

Năm 3 tuổi, Thanh Tòng đã bước lên sân khấu hát bội của gia đình, đóng tại đình Cầu Quan (đường Yersin, Quận 1, TP.HCM hiện nay), với vai con Hoàng Phi Hổ trong vở Hoàng Phi Hổ quy Châu. Được cha là nghệ sĩ Minh Tơ trui rèn ca diễn, vũ đạo, làm quen đủ các dạng vai độc, lẳng, mùi, trung, nịnh, vai kép lẫn vai đào trong đoàn Đồng Ấu Minh Tơ nên hơn 10 tuổi Thanh Tòng đã nức tiếng là “thần đồng sân khấu”.


NSND Thanh Tòng

Với sự tích cực truyền nghề từ cha, từ các cậu là nghệ sĩ Khánh Hồng, Đức Phú… từ dì và dượng là nghệ sĩ Huỳnh Mai và NSND Thành Tôn (thân sinh NSƯT Thành Lộc), từ các nhạc sĩ tài hoa Sáu Tửng, Năm Bửu, Năm Cơ, Văn Vỹ… mà Thanh Tòng đã trở thành một anh kép sáng giá, thành công ở đa dạng các loại vai khi mới 17 tuổi và cũng tập tành công việc viết tuồng, dàn dựng vở diễn và quản lý đoàn hát.

Năm 20 tuổi, Thanh Tòng dàn dựng những tác phẩm đầu tiên là Bao Công vô lò gạch, Bao Công tra án Quách Hòe trên sân khấu Khánh Hồng - Minh Tơ, khởi đầu cho công việc đạo diễn về sau.

Những năm 50 thế kỷ XX, sân khấu cải lương phát triển mạnh, nghệ thuật hát bội lâm vào cảnh lao đao. Nắm bắt xu thế tất yếu của thị hiếu khán giả, gánh Minh Tơ đã có những thay đổi táo bạo để giữ nghề của gia đình khi đưa cải lương vào hát bội, đơn giản các vũ đạo, giảm tính ước lệ của hát bội và sản sinh ra lối hát bội pha cải lương. Tiếp tục tiếp thu và “Việt hóa” các ca khúc nhạc Quảng, nhạc Đài Loan - vốn được khán giả đương thời rất yêu thích - vào tuồng để hình thành nên cải lương hồ quảng.     

Sau năm 1975, để phù hợp với xã hội mới, đoàn Minh Tơ cũng chuyển sang hát các tác phẩm đề tài sử Việt, tiếp tục đơn giản vũ đạo, đưa thêm nhiều bài bản, điệu lý của dân tộc vào tuồng mà dần hình thành một phong cách biểu diễn rất riêng, gọi là cải lương tuồng cổ.

Vai trò người thủ lĩnh lèo lái cả gia tộc tìm hướng phát triển nghệ thuật phù hợp, tránh bị đào thải, của NSND Thanh Tòng được khẳng định rõ nét trong giai đoạn này. Ông là người “đứng mũi chịu sào”, kiên trì bền bỉ đưa cải lương tuồng cổ vượt bao định kiến “lai căng, mất gốc” mà chinh phục công chúng lẫn thuyết phục các cấp quản lý.

NSND Thanh Tòng ra đi để lại nhiều dự định dang dở trong đó có việc thành lập Câu lạc bộ Cải lương tuồng cổ cho các diễn viên trẻ đã từng đạt Huy chương Vàng Trần Hữu Trang.

Tang lễ của NSND Thanh Tòng được tổ chức tại tư gia: số 12 đường 26 Khu Dân cư Him Lam - Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Lễ viếng bắt đầu lúc 21h ngày 22/9, lễ động quan vào 6h ngày 24/9, sau đó an táng tại Nghĩa trang Gò Đen (Long An).

Ninh Lộc
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN