TTVH Online

Hiện đại hóa ngành công nghiệp in ấn và bao bì

21/09/2016 06:44 GMT+7

Mặc dù gần đây do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành sản xuất trong lĩnh vực bao bì và in nhãn bao bì, in ấn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu, vẫn có sự tăng trưởng.

(Thethaovanhoa.vn) - Theo đánh giá của Hiệp hội In Việt Nam, mặc dù gần đây do bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn của nền kinh tế trong nước, ngành sản xuất trong lĩnh vực bao bì và in nhãn bao bì, in ấn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu, vẫn có sự tăng trưởng.

Ngành công nghiệp bao bì và in ấn được coi là ngành phụ trợ không thể thiếu để hỗ trợ cho các ngành sản xuất khác. Tuy nhiên, trước sức ép của Internet và truyền thông kỹ thuật số, ngành in ấn và báo bì đang phải có những bước chuyển biến cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh.

In sách báo khó khăn, in bao bì phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, ngành công nghiệp in ấn tại Việt Nam trong thời gian qua có mức tăng trưởng lớn khoảng 10%/năm. Ngành này cũng được chia thành bốn phân ngành chính là sản phẩm sách, báo và tạp chí; in nhãn; in bao bì; in ấn tài liệu. Tuy nhiên, sự bùng nổ của Internet và truyền thông kỹ thuật số đã trở thành mối đe dọa lớn nhất cho ngành in.


Mẫu mã bao bì các sản phẩm tại Việt Nam ngày càng đa dạng và đẹp mắt

Có thể thấy, số lượng phát hành các báo và tạp chí trong thời gian qua đã giảm nhiều, nhất là sách tham khảo và từ điển giảm mạnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành in ấn phải đối mặt với các vấn đề về chi phí nguyên liệu và lãi suất cao nên giá thành cao. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến lượng cung ứng vượt quá nhu cầu dẫn đến cạnh tranh trong ngành rất lớn.   

Trong khi đó, theo nghiên cứu thị trường về sự phát triển tương lai của ngành công nghiệp bao bì, in ấn tại Việt Nam cho thấy, mảng công nghiệp bao bì và in ấn nhãn mác sẽ mang lại nhiều cơ hội tốt trong những năm tới. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra tiềm năng và cơ hội trong lĩnh vực này bắt đầu đầu tư hoặc hợp tác với các công ty Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Dòng cho biết thêm, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động thấp và nhu cầu nội địa cao, tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp lại có công nghệ thấp, lạc hậu, nhất là thiết kế chưa sáng tạo. Thực tế, hiện chỉ có vài công ty trong nước đủ khả năng đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất bao bì cao cấp vì chi phí đầu tư cao. Ngoài ra, doanh nghiệp ngành bao bì và in ấn trong nước bị cạnh tranh khá khốc liệt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần có một cơ chế hỗ trợ về tài chính nhằm giúp đầu tư công nghệ hiện đại để theo kịp với xu hướng toàn cầu, cũng như tăng cường bảo vệ môi trường.


Hiện nay, chỉ có vài công ty trong nước đủ khả năng đầu tư công nghệ để phát triển sản xuất bao bì cao cấp vì chi phí đầu tư cao

Cần đầu tư công nghệ hiện đại

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp ngành in ấn, bao bì trong nước muốn giữ được khách hàng tại thị trường cần chú ý đến chất lượng sản phẩm và tính ổn định của chất lượng. Xu hướng này được thể hiện rõ tại cuộc họp báo giới thiệu chuỗi triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy và thiết bị ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn (VietnamPack & Print 2016); triển lãm quốc tế về máy và thiết bị ngành công nghiệp in ấn và nhãn mác (VietnamPrint & Lable 2016) và triển lãm quốc tế về máy và thiết bị ngành công nghiệp chế biến thực phẩm (VietnamFoodtech 2016), sẽ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/10/2016 tới đây tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) Tp.HCM.

Trước nhu cầu hiện đại hóa ngành bao bì, in ấn tại Việt Nam, ông Phạm Đăng Khánh, Giám đốc chi nhánh Công ty Vinexad tại Tp.HCM, đơn vị tổ chức triển lãm, cho biết triển lãm lần này đã được mở rộng với gần 440 gian hàng của 250 đơn vị đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung tham gia trưng bày và giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới, dịch vụ tiên tiến, cho ngành bao bì đóng gói, in ấn và chế biến thực phẩm.


Nhiều thiết bị, công nghệ mới sẽ được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: P.Ngọc

Trong đó, dòng sản phẩm máy đóng gói bao bì gồm có hệ thống đóng gói bao bì, thiết bị làm hộp carton, thiết bị ngành bao bì giấy và công nghệ sau in; các dòng máy bế hộp, máy dán hộp, máy bồi giấy, máy khoan giấy bằng tay, đai bao bì, máy gấp dán hộp giấy, carton tự động tốc độ cao; máy móc đóng gói chuyên dùng cho ngành thực phẩm, thủy sản, dược phẩm...

Với mảng in ấn, triển lãm có hệ thống máy in số lượng lớn, máy in phun công nghiệp, máy có mạch in dòng, máy in quay serie, máy in nhãn serie, máy sơn khô, máy cán, máy in ống đồng, vật liệu ngành in, hóa chất cao cấp và các giải pháp in kỹ thuật số...  

Ông Nguyễn Văn Dòng nhận định, với quy mô được mở rộng và nội dung phong phú, đây sẽ là sân chơi nhằm tạo ra một diễn đàn giao thương tốt cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác và thiết lập các mối quan hệ kinh doanh. Đồng thời, qua đây cũng tăng cường hợp tác quốc tế giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm trao đổi công nghệ và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bao bì và in ấn Việt Nam.

Phước Ngọc
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN