TTVH Online

Sài Gòn FC và 'ân oán' với Hà Nội T&T

26/08/2016 10:28 GMT+7

Ở lượt trận cuối cùng của V-League 2012, Hà Nội T&T tự lượng sức, biết không thể chủ chiến với chủ nhà Sài Gòn XT nên quyết đặt chiếc xe buýt 2 tầng trước cầu môn Dương Hồng Sơn, hòng níu chân đội chủ nhà.

(Thethaovanhoa.vn) - Ở lượt trận cuối cùng của V-League 2012, Hà Nội T&T tự lượng sức, biết không thể chủ chiến với chủ nhà Sài Gòn XT (còn có phiên hiệu khác là XMXT Sài Gòn, Sài Gòn FC…), nên quyết đặt chiếc xe buýt 2 tầng trước cầu môn Dương Hồng Sơn, hòng níu chân đội chủ nhà, gián tiếp giúp người anh em SHB Đà Nẵng lên ngôi.

Trước vòng đấu cuối mùa đó, Hà Nội T&T sẽ vô địch, nếu giành chiến thắng ở Thống Nhất, mà không quan tâm đến diễn biến tại Ninh Bình, khi SHB Đà Nẵng hành quân ra Hoa Lư và ngược lại, vương miện sẽ thuộc về Sài Gòn XT, nếu họ có 3 điểm.

1. Vài năm đã qua đi, cái tên Sài Gòn XT cũng không còn tồn tại trên bản đồ V-League, khi họ bỏ giải trước 2 lượt trận cuối V-League 2013, chấp nhận bị giáng xuống hạng Ba và đi đến quyết định giải thể luôn…, nhưng ký ức vẫn còn nguyên vẹn với một bộ phận đáng kể người của Hà Nội T&T. Họ không chủ chiến, cũng không cầu bại, mà vào vai “kỳ đà cản mũi”, ngăn không cho Sài Gòn XT lên ngôi.

Về thế và lực, Hà Nội T&T vào thời điểm đó quả khó so với dàn sao ở sân Thống Nhất trong màu áo Sài Gòn XT. Và không phải đợi lâu, tất cả đã có câu trả lời ở trận chung kết Cúp QG diễn ra sau cuộc đối đầu ở Thống Nhất vài ngày, khi Hà Nội T&T đã nhanh chóng vỡ vụn với tỷ số 1-4 trên sân Chi Lăng, khi thầy trò HLV Phan Thanh Hùng quyết chơi canh bạc được ăn Cúp, ngã về tay không với đối phương.

Cuối tuần này, Hà Nội T&T sẽ lại hành quân vào Thống Nhất, gặp Sài Gòn FC, nhưng không phải đội bóng cũ của bầu Thuỵ (ông Nguyễn Đức Thuỵ), mà là người em ruột cùng huyết thống, CLB Hà Nội (cũ). Trận đấu nghiễm nhiên là cuộc dạo chơi của nội bộ các đội bóng nhà bầu Hiển, và trong tình huống này, đội khách dễ có 3 điểm, hòng nuôi tiếp mộng bá vương, trong khi Sài Gòn FC đã không còn mục tiêu.

Trận lượt đi, Hà Nội T&T sau khi bất ngờ thay tướng (HLV Phạm Minh Đức thế vai HLV Phan Thanh Hùng khi mùa giải mới chỉ còn vài ngày nữa là khởi tranh), chơi bóng như ma làm, để tân binh CLB Hà Nội (Sài Gòn FC bây giờ) cầm chân với tỷ số 1-1. Đấy được xem là thất bại với cả 2, khi đánh rơi điểm số. Điều này sẽ không được phép lặp lại. Hà Nội T&T cần chiến thắng để đảm bảo thế gọng kìm với SHB Đà Nẵng.

Chủ tịch Hà Nội T&T: 'Không muốn vô địch thì nên nghỉ'

Chủ tịch Hà Nội T&T: 'Không muốn vô địch thì nên nghỉ'

Cuộc đua vô địch V-League đã có những bất ngờ khi Hải Phòng vẫn tràn trề cơ hội vô địch chứ không phải SHB Đà Nẵng, đội bóng từng được cho là có lợi thế khi gặp những đội bóng anh em là HN T&T và QNK Quảng Nam.





2. Trong số các đội bóng có mối quan hệ hữu cơ của bầu Hiển, Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng được xem là những anh cả. Con người của CLB Sài Gòn lúc này, từ BHL đến đội ngũ cầu thủ, thậm chí cả BLĐ, đều là của Hà Nội T&T, chính xác hơn đều là thuộc cấp của bầu Hiển, làm thuê cho bầu Hiển. Nổi bật trong số này có bộ đôi “cán bộ” Ngọc Duy và Quốc Long, những công thần của Hà Nội T&T trước đây.

Trong một bữa cơm thân mật ở Sài Gòn cách đây không lâu, Quốc Long đã nửa đùa nửa thật với BLĐ Hà Nội T&T rằng, anh (và Duy) bị đày mới phải vào TP.HCM, phải sống xa gia đình và chơi bóng trong màu áo một CLB ít tham vọng. “Phận con ghẻ nó khổ thế”, Long cười. “Nếu còn Quốc Long và Ngọc Duy, Hà Nội T&T đâu phải ngụp lặn ở nửa đầu mùa giải năm nay, thua nhiều hơn thắng”, Long là người đùa dai.

Khác với Ngọc Duy, Quốc Long và một bộ phận các cầu thủ đã lập gia đình ở Sài Gòn FC, thậm chí cả BHL đội bóng, không đưa vợ con vào TP.HCM sinh sống. Có thể hiểu, tất cả họ đều đang nghe ngóng tương lai của đội bóng mới có thể tính chuyện lâu dài. Sân Thống Nhất vì thế vẫn bị xem là gác trọ với người của Sài Gòn FC và đó là lý do cơ bản, khiến tình cảm của người hâm mộ dành cho đội bóng còn dè dặt lắm.

Sau tất cả, ngày mai cũng chưa hẳn là một ngày mới!

Ở lượt đi mùa bóng năm nay, trận đấu Hà Nội T&T – CLB Hà Nội (tiền thân của CLB Sài Gòn) còn được xem như trận derby Hà Nội đúng nghĩa, vì 2 đội sở hữu rất nhiều cầu thủ đang sinh sống hoặc có gốc gác ở Hà Nội. Tuy nhiên, đến lượt về thì trận đấu này lại trở thành cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng ở 2 đầu đất nước, cho dù thành phần nhân sự hầu như không có nhiều thay đổi.

Với đa số cầu thủ CLB Sài Gòn, trở về Hà Nội vẫn là mong ước và nguyện vọng của họ, và tương lai của CLB Sài Gòn ở mùa bóng năm sau vẫn còn là dấu hỏi, nhất là sau khi CLB TP.HCM đã giành quyền thăng hạng V-League, và cho đến hiện tại, CLB Sài Gòn vẫn chưa được người hâm mộ bóng đá TP.HCM coi như là đội bóng thực thụ của Sài thành.

7 Số trận giành chiến thắng của Sài Gòn ở Toyota V-League 2016 tính đến thời điểm hiện tại.

3 Là khoảng cách điểm số giữa Hà Nội T&T (xếp thứ 4, 38 điểm) với đội đầu bảng Hải Phòng (41 điểm).

2 Hà Nội T&T đã sử dụng tổng cộng 2 HLV ở mùa bóng năm nay là các ông Phạm Minh Đức (đã nghỉ) và Chu Đình Nghiêm (hiện tại).


Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN