TTVH Online

Lê Cát Trọng Lý sắp 'chạm' ngưỡng 30: Đang chờ một nhà sản xuất hợp với mình

21/08/2016 08:14 GMT+7

Gặp Lý ở tuổi sắp 'chạm' ngưỡng 30 mới thấy nhiều sự đổi thay ở cô. Không còn là mái tóc xoăn tít như thời mới nổi nhưng vẫn giản dị với áo sơ mi cách điệu và cặp kính mắt sành điệu.

(Thethaovanhoa.vn) - Gặp Lý ở tuổi sắp “chạm” ngưỡng 30 mới thấy nhiều sự đổi thay ở cô. Không còn là mái tóc xoăn tít như thời mới nổi nhưng vẫn giản dị với áo sơ mi cách điệu và cặp kính mắt sành điệu. Quả là Lý không phải là xinh hơn mà là Lý đã biết để cho mình đẹp hơn. Đẹp từ hình thức đến nội dung khi ngày một chín chắn, suy nghĩ cũng thực tế hơn không chỉ trong âm nhạc mà cả cuộc sống.

Dễ thấy điều đó qua việc Lý quyết định đi du học ở thời điểm này. Nói về con đường học tập của Lý sau bao năm, kể cũng “gian truân”. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện cũng từ dấu mốc mà Lý, đáng ra từ một cô sinh viên khoa tiếng Nga lại trở thành sinh viên Nhạc viện TP.HCM dù cuối cùng, Lý vẫn “dang dở”.

Làm gì là tận tâm, tận sức với nó

* Tôi muốn “ngược dòng” thời gian với chị một chút, để tìm câu trả lời cho bước ngoặt của Lý, khi đang từ sinh viên khoa tiếng Nga lại trở thành sinh viên nhạc viện?

- Nói ra thì hơi xấu hổ. Lúc đầu tôi định thi ĐH Ngoại thương mà thiếu điểm để đỗ nên tôi học ĐH Đà Nẵng, khoa tiếng Nga. Được một thời gian ngắn, thì tôi xin bố thi Nhạc viện TP.HCM, vì thấy không hợp với tiếng Nga cho lắm.


Lê Cát Trọng Lý

* Chị có nghĩ rằng nếu được học nhạc từ nhỏ, con đường để trở thành một nghệ sĩ hàn lâm sẽ đến với chị không?

- Với việc trở thành một nghệ sĩ hàn lâm thì không phải cứ học nhạc từ nhỏ là sẽ thành công. Để theo đuổi con đường cổ điển cần rất nhiều điều kiện, từ ý chí và lòng ham thích của bản thân đến môi trường xung quanh, đặc biệt là môi trường giảng dạy và thụ hưởng nghệ thuật có nền tảng.

Với điều kiện khách quan lẫn chủ quan thì có lẽ Lý rất khó để có thể theo đuổi con đường cổ điển, truyền thống.

* Nhưng sự nổi tiếng đã khiến chị rời xa việc học ở trường?

- Thực sự không phải như vậy. Mà chỉ đơn giản là sự lựa chọn. Lúc tôi chớm nổi tiếng là trong lĩnh vực hát những ca khúc của mình sáng tác. Còn việc học ở trường là học nhạc cụ cổ điển (viola). Mình kém nên không theo đuổi nổi việc học cho thực sự ra trò, nên tôi lựa chọn làm một thứ thôi. Song làm gì là tận tâm, tận sức với thứ đó. Và tôi lựa chọn con đường viết ca khúc và hát.

* Vậy cuộc sống bị “nổi tiếng” không chủ động khi ấy, có làm chị xáo trộn?

- Lúc mới đầu, tôi cũng bị xáo trộn. Thế giới hoàn toàn bỡ ngỡ với mình. Các hình tượng trên phim ảnh và TV làm mình mơ mộng rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian đó cũng không kéo dài lâu. Vì cuộc sống thực tế thì hơi khác.

Không phải cứ nổi tiếng trên báo chí hay internet thì là cuộc sống sẽ ổn định và tốt như cách độc giả nhìn thấy mình tươi vui qua truyền thông. Những vấn đề về mưu sinh và cả sáng tạo nghệ thuật vốn không thể tách rời nhau.

Cũng có lúc mình bị mâu thuẫn, bị cảm xúc tiêu cực với chính bản thân mình. Nhưng tôi gắng vượt qua với thái độ đúng đắn và thực tế hơn về nghề nghiệp mình đã chọn lựa. Tôi tập thói quen làm việc với lòng yêu thích và gắng cân bằng giữa yếu tố thực tế và mơ mộng của ngành nghề này.

Tôi có vẻ thuộc tuýp duy mỹ

* Còn bây giờ, mặc dù đã có những tour diễn, những album được đón nhận, nhưng để đi xa hơn trên con đường mình theo đuổi, chị có nghĩ mình vẫn còn thiếu một nhà sản xuất?

- Cho đến thời điểm hiện tại, sau 9 năm, tôi vẫn tự làm sản xuất cùng với các cộng sự của mình. Công việc hơi vất vả nhưng được sự tự do và bình an. Còn hỏi rằng mình có cần 1 nhà sản xuất không? Câu trả lời là “Có chứ”. Tôi có cần 1 nhà sản xuất chuyên nghiệp và hiểu rõ con đường mình chọn và nâng đỡ mình trên con đường đó. Hiện tại, tôi vẫn đang chờ đợi một nhà sản xuất phù hợp với mình.

* Tôi để ý, thời gian trước, chị thường chọn những sân khấu nhỏ để diễn. Phải chăng, đây là một giải pháp an toàn khi mà mình phải tự chủ mọi việc như chị đang làm?

- Mình làm sân khấu nhỏ là vì điều kiện của mình bé nhỏ, và vì khối lượng khán giả của mình cũng còn hạn chế. Tôi luôn tin vào tiến trình tự nhiên. Khả năng mình ở mức nào, thì sẽ biểu hiện ra bên ngoài như thế ấy.

Tôi nghĩ rằng, nếu mình không đủ năng lực làm mà phô trương, mình sẽ gây thất vọng lớn cho chính mình và khán giả. Mà thiệt hại về mặt tinh thần thì còn sâu đậm hơn nhiều so với thiệt hại kinh tế. Tôi sợ chứ!


Lê Cát Trọng Lý trong "Khù Khờ Tour" vừa diễn ra tháng 4/2016

Thời điểm tôi chọn hát ở những sân khấu nhỏ, vì khả năng của tôi chỉ có thể đáp ứng tốt được ở mức độ nhỏ vừa, để chất lượng chương trình có thể được đảm bảo và người nghe cảm thấy được quan tâm nhất có thể. Đó cũng là quãng thời gian rất quí giá để tôi cảm nhận và tương tác với khán giả sâu sắc hơn qua các tác phẩm của mình.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn tạo cơ hội và không gian để khan giả được dần trở nên quen thuộc với mình. Tôi không giỏi trong việc nhảy, hay ăn mặc hợp mốt, sexy. Cũng không có điều kiện để có ánh sáng hoành tráng.

Tôi chỉ làm mọi thứ ngoài âm nhạc hết sức căn bản, phần năng lượng còn lại thì tập trung vào bài vở cùng với các đồng nghiệp để chất lượng âm nhạc được tốt nhất có thể trong sức của mình thôi.

* Không phải bật đèn sân khấu, mỗi năm cũng chỉ làm hơn 1 show là nhiều. Vậy nhưng mỗi lần bán vé là một lần “cháy vé”. Chị có biết mình thuộc hàng “hiếm” có sức hút với khán giả như vậy không?

- Tôi không nghĩ nhiều về việc “hiếm” hay bình thường. Tôi chỉ đơn giản tập trung vào công việc của mình. Mọi người yêu mến và dành tình cảm cho mình, đó là món quà. Và tôi trân trọng và gìn giữ cẩn thận món quà ấy.

* Những ai yêu âm nhạc của chị, nếu  thích, sẽ thích cả giai điệu và ca từ. Còn không thích, người ta bảo nhạc thì giản dị, lời thì hoa mỹ. Chị đón nhận điều này thế nào?

- Tôi có vẻ thuộc tuýp duy mỹ. Thực sự, tôi rất thích cái đẹp. Và đặc biệt yêu vẻ đẹp của ngôn ngữ. Điều này không tránh khỏi khi sử dụng ngôn từ trong ca khúc. Đây có thể là điểm nhận dạng, cũng là điểm yếu của tôi.

Thực ra, càng về sau, tôi càng mong muốn mình viết những lời ca giản dị, dễ hiểu hơn; nhưng vẫn nên đẹp và mơ mộng. Vì tôi thích mơ mộng. Còn về giai điệu, tôi vốn thích lối đơn giản, gần như không có gì để thể hiện giọng hát qua giai điệu. Cũng nhiều người bảo “nhạt”. Mà tôi thích cái “nhạt” đó.

Tôi sẽ hát thử nhạc thiếu nhi    

* Vậy trong chương trình sắp tới, âm nhạc của Lý sẽ như thế nào?

- Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện chương trình với số lượng nghệ sĩ tham gia đông nhất: 13 người. Lần này, tôi hợp tác cùng nghệ sĩ cello Nguyễn Thanh Tú – cũng là người viết phối khí cho toàn bộ chương trình.

Rất may mắn cho tôi khi ước mơ từ thưở bé: được chơi nhạc với những nghệ sĩ rất giỏi, tinh tế, thanh lịch và dạt dào tình cảm nay đã thực hiện được. Các nghệ sĩ trong chương trình đã nâng đỡ giai điệu và lời ca cho các tác phẩm của tôi đến một tầng mức mà một mình tôi không thể nào chạm đến.

Chương trình lần này, phần âm nhạc sẽ có những “pha rùng rợn” với hiệu ứng phối khí dàn nhạc. Còn tôi sẽ hát thử nhạc thiếu nhi xem có ... buồn cười không!

* Ở tuổi của Lý, số đông có lẽ đang quan tâm đến chuyện yêu, gia đình. Nhưng chị thì lại bảo tôi: “chị ơi, em gần 30 rồi, em phải đi học thôi!”. Quả là một sự lựa chọn đặc biệt vào thời điểm này?

- Tôi sợ già, sợ ốm, sợ bệnh, sợ nhụt chí, sợ lười biếng, sợ mình dễ dãi với chính mình…. Vì rất nhiều nỗi sợ, nên tôi nghĩ mình hãy học ngay khi còn khỏe mạnh, còn vui vẻ, còn sức sống, còn ước mơ, còn ý chí, còn có thể cố gắng vượt qua được sự lười biếng…

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

“Ở đây, kia và khắp mọi nơi” - cảm hứng từ Beatles

Liveshow Ở đây, kia và khắp mọi nơi của Lê Cát Trọng Lý sẽ diễn ra vào ngày 19, 20/8 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội và 28, 29/9 tại Nhà hát TP.HCM.

Lê Cát Trọng Lý chia sẻ, cô lấy tên gọi Ở đây, kia và khắp mọi nơi từ cảm hứng với ca khúc Here, there and everywhere của nhóm Beatles. Những ca khúc trong chương trình với Lý sẽ có cả những ca khúc cũ và mới. Đặc biệt, cô muốn giới thiệu đến công chúng mảng âm nhạc thiếu nhi mà cô vừa có dịp thực hiện trong Khù Khờ Tour.

Nhưng với Ở đây, kia và khắp mọi nơi, những ca khúc thiếu nhi mà Lý sáng tác sẽ được biểu diễn ở hình thức của dàn nhạc giao hưởng khi được chuyển soạn và phối khí cho đàn dây, kèn gỗ, piano và bộ gõ.

An Yên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN