TTVH Online

Khoảnh khắc đưa Whitney Houston vào lịch sử Olympic

02/09/2016 06:44 GMT+7

Có bao nhiêu bài hát Olympic vượt qua được khoảng thời gian ngắn ngủi của mỗi kỳ Thế vận hội để được lưu danh vào lịch sử?

(Thethaovanhoa.vn) - Có bao nhiêu bài hát Olympic vượt qua được khoảng thời gian ngắn ngủi của mỗi kỳ Thế vận hội để được lưu danh vào lịch sử? Đã có rất nhiều giọng ca cố gắng thực hiện điều này nhưng để bắt được cảm xúc và thể hiện đúng tinh thần Olympic trong một ca khúc không phải là dễ dàng.

>>> Nghe những nhạc phẩm bất hủ tại đây

Nó cần một sự kiện đặc biệt, một bài hát đặc biệt, một giọng ca đặc biệt và cả sự may mắn để có thể bước ra khỏi cái bóng của ngọn đuốc Olympic. Năm 1988, điều ấy đã xảy ra với One Moment In Time (Một giây phút trong đời) qua giọng hát trứ danh của Whitney Houston.

Sáng tác bằng điện thoại

Mùa thu năm 1987, nhạc sĩ Albert Hammond, người được xem là hit-maker (tạo hit) với rất nhiều bài hát nổi tiếng, nhận được một cuộc gọi từ kênh NBC. Theo đó, phía BTC Thế vận hội Seoul 1988 (Hàn Quốc) muốn đặt ông viết một bài hát chính thức cho họ và bài hát sẽ được hát mở màn cũng như sẽ được sử dụng chính thức trong chương trình trực tiếp của NBC.

Đổi lại, Albert Hammond sẽ nhận được một món tiền kha khá, được toàn quyền chọn bất cứ chủ đề nào về Olympic để sáng tác. Và đặc biệt, ông được quyết định luôn ca giọng ca thể hiện.

Với Albert Hammond, việc sáng tác ra một bài hát với giai điệu đẹp không phải là chuyện khó nhưng một bài hát Olympic thì lại là vấn đề khác bởi chưa bao giờ ông viết một bài hát nào về thể thao.


Whitney Houston và single “One moment in time”

Dù nhận lời nhưng Hammond vẫn đắn đo. Bất giác ông nhớ tới người bạn thân của mình, John Bettis, một tay sáng tác cự phách, người từng có rất nhiều bài hit cho Carpenters, Madonna, Michael Jackson… và đặc biệt là Bettis rất mê Olympic, chưa một kỳ thế vận hội nào mà ông bỏ qua, không theo dõi.

Hammond gọi ngay cho Bettis và ở đầu dây bên kia là một giọng thảng thốt “Thật à? Chúng ta sẽ sáng tác một bài cho Thế vận hội Seoul sao? Được đấy, sáng mai tôi sẽ ghé sang ông ngay”.

Nhưng chẳng đợi được đến sáng mai, tối hôm ấy, khi đang ăn tối thì Hammond nhận được cuộc gọi của Bettis nói rằng “ông hãy ngồi vào ngay piano đi, tôi nghĩ ra được một số ý tưởng rồi”. Hammond hỏi lại, có cần thiết không, chuyện gì thì để mai cho thênh thời gian để cùng làm nhưng Bettis không chịu, ông sợ những ý tưởng của mình trôi mất.

Và thế là Hammond bỏ dở bữa ăn tối, ngồi vào piano và bật loa ngoài chiếc điện thoại để bàn và cùng sáng tác với Bettis.

Cả hai cùng bàn bạc với nhau là sẽ không lấy chủ đề cụ thể mà hướng vào tinh thần Olympic. “Bài hát này phải sao truyền được cảm hứng cho người xem và đặc biệt là các vận động viên. Âm nhạc là điều duy nhất trên hành tinh này đủ khiến con người vượt qua mọi trở ngại để chiến thắng, ai vượt qua được thì họ sẽ là nhà vô địch” - Bettis nói với Hammond.

Hammond đồng ý và nói thêm “Đúng, âm nhạc là duy nhất. Chúng ta cần truyền cảm hứng cho họ nhưng làm thế nào để truyền được điều ấy? Chính là tình yêu. Họ cần gì? Họ cần sự khuyến khích. Vậy khuyến khích là gì? Là tình yêu. Tự tin là gì? Cũng là tình yêu. Vậy âm nhạc của chúng ta phải nói về tình yêu”.

Và tối tối hôm ấy, hai gã nhạc sĩ trung niên ngồi say sưa soạn lời và lắp giai điệu. Một người chơi nhạc, người kia lắp lời qua chiếc điện thoại. Họ gần như quên đi thời gian và mỉm cười với những ý tưởng cứ dào dạt trôi ra.

Hammond chọn hướng sáng tác nghiêng về ballad, pop nhẹ nhàng. Ngay phần đầu bài hát, họ đã gửi gắm một tâm sự của một nhà thể thao chuyên nghiệp, rằng chiến thắng là ở phía xa và là tấm gương phản chiếu của những nỗ lực không ngừng của quá khứ và hiện tại.

“Mỗi ngày tôi sống là mỗi ngày tôi muốn được cống hiến hết mình. Tôi là duy nhất, nhưng không hề đơn độc. Ngày tươi sáng nhất vẫn còn chưa đến. Để nếm vị ngọt thì phải trải qua bao niềm đau. Tôi cứ tiến lên rồi lại gục ngã để rồi những điều ấy luôn đọng lại trong tôi”.

Ở điệp khúc, họ nhấn mạnh “Hãy cho tôi một giây phút trong cuộc đời này khi tôi đang chạy đua cùng định mệnh. Rồi trong cái khoảnh khắc ấy tôi sẽ cảm nhận được sự vĩnh hằng”.

Chất tình yêu được gửi gắm vào bài hát là một tình yêu cao cả, một nghị lực vươn lên, vượt qua mọi thử thách để vượt qua cả những cực hạn.

Họ vào phòng thu, hát demo trên cây piano cũ và gửi nó sang cho ông trùm của hãng đĩa Arista là Clive Davis. Sáng hôm sau, Davis gọi cho Hammond và nói rằng đây sẽ là một bài hát tuyệt nhất trên đời và người lĩnh xướng nó sẽ là Whitney Houston.

Đi vào lịch sử

Nếu Albert Hammond tin rằng một giọng ca nam trầm kiểu Elvis Presley sẽ làm bài hát trở thành vinh quang thì chính giọng cao chót vót đầy nội lực của Whitney Houston mới biến bài hát này trở thành lịch sử.

Tháng 5/1988, Whitney Houston bước vào phòng thu ở London. Và khi Whitney Houston bắt đầu cất tiếng hát, như ông trùm Clive Davis nhớ lại, “cả phòng thu bỗng im phăng phắc”. Lúc ấy, giọng hát của Whitney như xâm chiếm tất cả. Cả một bầu trời cảm xúc xâm chiếm xung quanh. Đó là chất giọng của một nữ thần, vừa ngọt ngào mà lại vừa dâng trào.

Ở những đoạn cao Whitney xử lý vừa chắc, vang, khỏe mà lại vừa da diết, nhẹ như không, như thể diễn tả trọn vẹn thần thái của một nhà vô địch, những khoảnh khắc cố gắng vượt qua rồi thăng hoa tới tột đỉnh.

Tiếng hát Whitney Houston vừa chấm dứt thì người ta thấy những giọt nước mắt lăn trên má của Albert Hammond. Ông vừa chứng kiến khoảnh khắc lịch sử vừa được chào đời. Ông trùm Clive Davis ngoái sang Hammond và nhận xét “Cô ấy đúng là ca sĩ vĩ đại nhất của thế hệ mình”.

Phải nói rằng One moment in time là một bài hát đẹp và phần lời rất ý nghĩa nhưng để đưa lên được tầm vĩ đại thì chỉ có thể là Whitney Houston. Cô đã biến tất cả những cảm xúc của bài hát thành của mình và đưa nó lên một tầm cao thượng hạng.

Rất nhiều vận động viên thể thao tham dự thế vận hội Seoul năm 1988 nói rằng họ đã phấn chấn hơn rất nhiều khi nghe được bài hát này bởi nó cổ vũ tinh thần họ ghê gớm. Vận động viên điền kinh huyền thoại của Mỹ năm ấy, Carl Lewis, nói rằng anh vừa chạy với những ám ảnh của tiếng hát của Whitney trong đầu.

Tháng 8/1988 One moment in time phát hành single và đạt thứ hạng khá cao nhưng phải đến tháng 11 cùng năm bài hát này mới đạt vị trí quán quân và đưa Whitney Houston trở thành một trong 3 giọng ca nữ xuất sắc nhất lịch sử pop có đến 3 bài ở quán quân Billboard. Và năm sau, bài hát này cũng giúp cô có thêm một mâm vàng Grammy.

Nhưng cái đáng nói hơn là suốt bao nhiêu năm qua không còn một bài hát Olympic nào có thể sánh ngang được với One Moment In Time chứ đừng nói là làm cho công chúng quên đi được nó. One Moment In Time đã vượt qua cái bóng của ngọn đuốc Olympic và trở thành bài hát thường ngày được yêu mến khắp nơi.

Cùng nghe lại ca khúc One Moment In Time:


One Moment In Time là bài hát của mọi kỳ Olympic?

One moment in time trở thành bài hát Olympic được yêu mến nhất mọi thời. Chẳng thế mà suốt mấy năm nay nhạc sĩ Albert Hammond rất chịu khó đi vận động để đưa bài hát này trở thành bài hát chính thức của tất cả các kỳ thế vận hội bởi ông chẳng thấy bài nào hay hơn bài này và cũng chẳng có giọng ca nào toát ra được tinh thần Olympic hơn Whitney Houston.

Nhưng đó là một công việc chẳng dễ dàng gì và trong khi chờ đợi thì One Moment In Time vẫn là bài hát được nghe nhiều nhất dù là ở bất kỳ mùa thế vận hội nào.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN