TTVH Online

Cả đời giữ 'kho vàng' của đất Thăng Long

17/08/2016 20:31 GMT+7

Nói đến tranh dân gian Hàng Trống, các chuyên gia văn hóa Hà Nội không thể bỏ qua ông, người đã dành cả đời để theo đuổi nghiên cứu 'kho vàng' của đất Thăng Long cũ. Ông là họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê.

(Thethaovanhoa.vn) - Nói đến tranh dân gian Hàng Trống, các chuyên gia văn hóa Hà Nội không thể bỏ qua ông, người đã dành cả đời để theo đuổi nghiên cứu "kho vàng" của đất Thăng Long cũ. Ông là họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê.

Sinh năm 1937, "kết tinh" cả đời nghiên cứu của họa sĩ Phan Ngọc Khuê là cuốn sách Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội dày gần 600 trang, với 476 bức tranh được in kèm.

Như muối bỏ bể

“Gần 30 năm nghiên cứu, sưu tầm, tôi  mới viết ra cuốn sách này"- họa sĩ Phan Ngọc Khuê nói - "Trước khi cuốn sách ra mắt, tôi đã viết hàng trăm bài báo. Nhưng việc làm đó như muối bỏ bể. Vì ngay cả những họa sĩ, người làm nghiên cứu cũng không phân biệt được tranh Hàng Trống khác tranh Đông Hồ và những dòng tranh khác thế nào...”.


 Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê

Yêu tranh Hàng Trống, họa sĩ 79 tuổi này kể rằng cách đây vài tháng, ông được mời đến một bảo tàng để giới thiệu về tranh Hàng Trống.Vài hôm sau, một đài truyền hình phát lại bài giới thiệu của ông, sau đó mời khán giả xem tranh. Nhưng, những hình ảnh được đưa vào lại là... tranh Đông Hồ, chứ không phải Hàng Trống.

"Giới trẻ ngày nay nhầm lẫn hết cả” – ông lắc đầu. "Ngay cuốn sách của tôi, bìa cũng vẫn nhầm. Khi NXB mang sách tới nhà, tôi vừa đứng dậy pha trà xong, nhìn thấy bìa sách thì... sốc luôn. Tôi bảo: đây là tranh Đông Hồ, các anh làm như thế này là giết tôi rồi. Anh họa sĩ trình bày, chắc chắn cũng chỉ đọc tên sách vẽ minh họa, chứ cũng chẳng biết tác giả viết gì bên trong".

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê sinh năm 1937 tại Thanh Hóa, từng nhiều năm công tác trong Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu như Mỹ thuật dân tộc Thái ở Việt Nam; Tranh đạo giáo ở Bắc Việt Nam; Tranh dân gian Kim Hoàng ...

Ông Khuê lắc đầu, yêu cầu NXB... vứt bìa bọc của cuốn sách đi. Bởi thế, bộ sách Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội có ngoại hình rất lạ, với một tấm bìa cứng trần xì. "Chẳng thà xấu vậy còn hơn. Thời gian khó khăn về kinh tế qua lâu rồi, vậy mà chúng ta vẫn không biết di sản của mình có những cái gì, quý như thế nào, không phân biệt các loại hình nghệ thuật khác nhau ra sao thì buồn quá".

Theo họa sĩ Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống xuất hiện từ khoảng 400 năm trước, là một trong những thể loại tranh dân gian tiêu biểu ở Việt Nam.Tranh Hàng Trống gồm nhiều loại: tranh chơi Tết, tranh thờ, thanh tôn giáo, tranh chúc tụng, tranh truyện...

Trong đó, tranh Tết Hàng Trống đóng góp cho người thưởng ngoạn những bức nổi tiếng: Tùng cúc trúc mai, Lý ngư vọng nguyệt, Chợ quê, Tố nữ... Còn với loại tranh thờ Hàng Trống, thường mang màu sắc mạnh mẽ và cách tạo hình đầy tính tôn giáo, gắn bó mật thiết với sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, nên đem lại hiệu ứng cả về thị giác và cảm xúc đối với người xem.


Cuốn sách "Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội"

Hồn bây giờ ở đây

Bởi vậy, trong quá trình biên soạn và giới thiệu cuốn sách, họa sĩ Phan Ngọc Khuê đã nhiền lần sử dụng từ "không có" khi so sánh các dòng tranh dân gian khác với tranh Hàng Trống.

Chẳng hạn, như lời ông, bộ tranh Tố nữ Hàng Trống đã thoát khỏi cảm quan thẩm mỹ cũ, với đừng nét mới mẻ, thanh thoát, nhẹ nhàng. Bề rộng của bức tranh gần bằng 1/5 chiều cao, tạo nên một sự khác lạ cho bố cục. Trọng điểm của tranh vẽ hình người, đặt vào phần nửa dưới của bức tranh, khoảng trống “mênh mông” ở phía trên như muốn kéo vút lên cao dư cảm thẩm mỹ của nghệ thuật hội họa và dư âm của nghệ thuật nhạc.


Bức "Tố nữ" Hàng Trống

Ông kể, bây giờ người ta vẽ bộ tranh Tố nữ này chỉ lấy trọng điểm hình các cô tố nữ của tranh. Còn bố cục lại thường có chiều cao và chiều rộng mang tỉ lệ xấp xỉ ngang nhau. Trông thì rộng rãi, nhưng “lắc nhẹ” một cái thì hình các cô tố nữ sẽ nghiêng bên nọ, đảo bên kia, bởi bố cục lỏng lẻo một cách thảm hại.

Có ông họa sĩ vẽ bộ tranh Tố nữ vào 4 bức tranh gốm làm mặt hàng chào khách. Ông ta vẽ 4 cô tố nữ bằng nhau chằn chặn. Ông hỏi: sao lại vẽ vậy. Họa sĩ trả lời: Các cụ ngày xưa vẽ không đúng, cô thì cao, cô thì thấp, không cân đối hài hòa, tôi sửa lại cho đẹp.

Rồi họa sĩ Phan Ngọc Khuê lại lắc đầu: "tôi không thể thưa chuyện với ông rằng: ấy là bởi vì ông chưa hiểu hết thâm ý và tài năng nghệ thuật của người xưa”. Với câu chuyện “những người muôn năm cũ” đang mất đi, chúng ta đừng đặt câu hỏi "Hồn ở đâu bây giờ" nữa. Hãy xác định rằng hồn bây giờ ở đây, ở trong ký ức và trong những nỗ lực để lưu lại của chúng ta"...

Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội

Từ năm 2008, báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phối hợp với gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái khởi xướng và tổ chức giải thưởng thường niên mang tên “Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội"  nhằm tôn vinh các Tác giả - Tác phẩm – Ý tưởng – Việc làm có những đóng góp tích cực cho Hà Nội, thấm đượm tình yêu Hà Nội và được công chúng hoan nghênh. Đến nay, giải thưởng đã bước sang mùa thứ 9 và tiếp tục có ảnh hưởng rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Dự kiến, lễ trao giải sẽ diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 tới.

Các đề cử chính thức cho hạng mục Giải Tác phẩm năm nay bao gồm:

- Bài hát Hà Nội (tác giả: La Grande Sophie, Pháp) với các ca từ rất đẹp, miêu tả rõ nét văn hóa, hình ảnh của thủ đô Hà Nội và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả quốc tế

- Cuốn sách Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội của Họa sĩ Phan Ngọc Khuê (chủ biên) giúp người đọc cảm nhận sự tinh tế về nghệ thuật của cha ông và hiểu được cơ sở tâm hồn của cư dân Thăng Long - Hà Nội.

- Những cuốn sách về Hà Nội (nổi bật là Thương thế ngày xưa) của nhà văn Việt kiều Lê Minh Hà, với bút pháp tinh tế và sự thương nhớ đong đầy về Hà Nội.

An Như
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN