TTVH Online

Bất ngờ khi VĐV Trung Quốc được yêu thích nhất

13/08/2016 06:41 GMT+7

Trong 2 ngày liên tiếp, kình ngư người Trung Quốc Fu Yuanhui đều bước ra khỏi bể bơi ở Olympic Rio mà không hề ý thức được rằng mình vừa thực hiện một màn thi đấu mang tính đột phá: Tự phá vỡ kỷ lục cá nhân và giành Huy chương Đồng.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong 2 ngày liên tiếp, kình ngư người Trung Quốc Fu Yuanhui đều bước ra khỏi bể bơi ở Olympic Rio mà không hề ý thức được rằng mình vừa thực hiện một màn thi đấu mang tính đột phá: Tự phá vỡ kỷ lục cá nhân và giành Huy chương Đồng.

“Cô gái nguyên sơ”

Cả 2 lần đó, phóng viên đều phải nói cho nữ kình ngư này biết về thành tích của cô. Fu Yuanhui đã bày tỏ sự ngạc nhiên cực kỳ đáng yêu và những hình ảnh này đang được lan truyền rộng khắp mạng xã hội, đặc biệt là ở Trung Quốc.

“Tôi đã bơi rất nhanh! Tôi thực sự hài lòng! Tôi đã tiến bộ hơn!”, Fu Yuanhui diễn tả cảm xúc của mình sau khi hoàn thành vòng bơi bán kết 100 mét trong 58 giây 95, một kỷ lục cá nhân của cô. Sau đó, tại vòng Chung kết hôm thứ Ba, khi được cho biết mình vừa để tuột huy chương vàng trong gang tấc với chỉ 0,01 giây, Yuanhui chỉ đáp lại hồn nhiên: “Có thể là vì cánh tay của tôi quá ngắn”.

Sự thẳng thắn, ngây thơ mà vẫn hân hoan của cô đã khiến cho dân cư mạng trầm trồ khen ngợi và nồng nhiệt chia vui. Người ta gọi cô là “Cô gái nguyên sơ” và chia sẻ liên tục những đoạn phim về biểu cảm của cô. Tài khoản Weibo cá nhân của Yuanhui sau đó tăng số lượng người theo dõi từ 50 nghìn lên 3,8 triệu.

Vậy là Trung Quốc bây giờ có một  ngôi sao thể thao mới, người thậm chí còn chẳng bận tâm khi cô không phải vận động viên về nhất. Với một đất nước luôn bị ám ảnh bởi danh hiệu, huy chương vàng như Trung Quốc thì sự nổi tiếng của Yuanhui là một dấu hiệu cho thấy có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức trong thể thao của người dân cũng như cả xã hội.

“‘Cô gái nguyên sơ’ và cộng đồng mạng những người đang yêu mến cô đã dạy tất cả chúng ta một bài học mới quý báu mà tưởng như ai cũng biết: Thể thao là một chặng đường của những khó khăn, thử thách nhưng điều đặc biệt của nó chính là khi các vận động viên vượt qua những thứ ấy để tìm được niềm vui cho mình, vượt qua chính mình chứ không phải chỉ là những danh hiệu, thành tích. Sự cổ vũ nhiệt thành của dân cư mạng đã cho thấy thái độ đẹp của công chúng đối với các môn thể thao và Olympic đã được đưa lên một tầng cao mới”, đó chính là những gì mà tờ Nhân dân nhật báo viết.

Còn những người hâm mộ của Yuanhui thì hết lời khen ngợi thái độ chân thật của cô, vốn trái ngược hoàn toàn với những gì người ta biết về các vận động viên Trung Quốc. “Chúng tôi yêu sự vui vẻ, lạc quan và cũng rất mạnh mẽ của bạn”, một người dùng Weibo chia sẻ lên trang của Yuanhui. “Đó mới là thái độ của một vận động viên đích thực”.

Ít huy chương hơn lại… tốt hơn

Chiến thắng vốn được coi là tất cả đối với những vận động viên Trung Quốc tham gia ở Olympic, gần như là tất cả với những người phải trải qua một chế độ thể thao mỏi mệt chỉ nhăm nhăm thành tích. Những vận động viên từng giành huy chương vàng mới có thể có danh tiếng và sự yêu mến, còn những ai không có thì thường bị bỏ bê và thậm chí là sỉ nhục.

Liu Xiang, vận động viên chạy vượt rào từng đem về tấm huy chương vàng đầu tiên cho Trung Quốc ở môn điền kinh tại Olympic Athens năm 2004, đã từng nếm trải từ ngọt ngào đến cay đắng. Bởi chỉ 4 năm sau đó tại Olympic Bắc Kinh trên quê hương, chấn thương khiến anh buộc phải xin rút lui trước lượt chạy đầu tiên của mình đã khiến người dân Trung Quốc rất tức giận và phẫn nộ. Năm đó, Trung Quốc đứng đầu bảng tổng sắp huy chương vàng lần đầu tiên trong lịch sử với cả thảy 51 huy chương. Tại Olympic London 2012, con số chỉ còn là 38 nhưng họ vẫn xếp thứ 2. Còn năm nay ở Rio, con số có thể còn thấp hơn, chỉ ở khoảng 30 đến 36 theo dự đoán. Các phương tiện truyền thông nhà nước, về phần mình, đã cố gắng để giảm kỳ vọng của công chúng về việc giành huy chương vàng của các vận động viên.

“Khi tâm lý của chúng ta trưởng thành và biết tìm hiểu làm thế nào để đánh giá cao sự cạnh tranh trong thể thao, và có thể bình tĩnh hoan nghênh các đối thủ của chúng ta, đó là một cách giới thiệu đẹp đẽ hơn cho bạn bè quốc tế về sự tự tin và lòng khoan dung của đất nước ta”, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc chia sẻ trên trang Weibo của họ sau một ngày thi đấu đầu tiên không hề có huy chương vàng.

“Chúng ta vẫn cần huy chương vàng đầu tiên để khích lệ tinh thần thi đấu các vận động viên nhưng thứ chúng ta thực sự cần là sự thách thức bản thân, chiến thắng chính mình ở họ”, kênh CCTV chia sẻ. Và ngay trong ngày thứ 3, các vận động viên Trung Quốc đã mang về 8 HCV, 3 HCB và 6 HCĐ. Thông điệp này dường như đã hiệu nghiệm với nhiều fan hâm mộ Trung Quốc tỏ ra dễ dàng hơn, khoan dung hơn với những vận động viên thi đấu không tốt.

Ví dụ trường hợp của Ning Zetao, một kình ngư đã lên ngôi vô địch thế giới năm ngoái ở nội dung 100 mét tự do nhưng lại không thể vào đến chung kết tại Rio năm nay. Anh đã không hề bị nhiếc mắng mà thậm chí còn nhận được những lời động viên như: “Đây là lần đầu tiên Ning Zetao thi đấu ở Olympic. Đừng gây quá nhiều áp lực cho cậu ấy”. Còn bản thân Ning Zetao thì chia sẻ: “Tôi đã làm những gì tốt nhất có thể”.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN