TTVH Online

Giám đốc thể thao của Sevilla, Monchi: 'Bố già' mới của bóng đá châu Âu

03/08/2016 13:47 GMT+7

Nếu có ai khiến ông Monchi, người có tên đầy đủ là Ramon Rodriguez Verdejo phải ngả mũ, người đó chỉ có thể là Luciano Moggi, “bố già” một thời của Juventus và bóng đá châu Âu.

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu có ai khiến ông Monchi, người có tên đầy đủ là Ramon Rodriguez Verdejo phải ngả mũ, người đó chỉ có thể là Luciano Moggi, “bố già” một thời của Juventus và bóng đá châu Âu.

Giữa họ có những điểm chung cơ bản: Sự quyết đoán trong việc ra quyết định, sự tinh ranh trên thị trường chuyển nhượng và sự mát tay trong việc kinh doanh và phát triển tài năng cho Juventus và Sevilla. Nếu gọi họ là vua Midas của bóng đá thế giới, thì điều đó cũng chẳng quá lời, và thật sự họ xứng đáng được gọi như vậy vì trí thông minh của mình.

Từ kép phụ đến kép chính

Ban lãnh đạo Barcelona từng cố lôi kéo Monchi về Camp Nou cách đây hai mùa bóng, để tạo nền móng cho sự tái phát triển của đội bóng xứ Catalunya. Đó có thể là lời mời hấp dẫn và đầy danh tiếng, nhưng vị giám đốc 46 tuổi này đã ngoảnh mặt để ở lại Sevilla. Mùa Hè này, đến lượt Man United đánh tiếng với Monchi, sau khi có được Jose Mourinho, Ibrahimovic và có thể sẽ là Pogba, nhưng tiền bạc mà đội bóng áo đỏ có được không phải là mối bận tâm của ông.

“Ông ấy vào phòng làm việc của tôi cứ mỗi 20 phút một lần để nói về các kế hoạch, với tôi đó là sự đảm bảo, ông ấy sẽ tiếp tục công việc của mình và không đi đâu cả”, Chủ tịch Jose Castro tự tin nói về cánh tay phải của mình trong thời gian Man United ve vãn Monchi.

Điều duy nhất để giải thích cho lòng trung thành của Monchi là dòng máu Andalucia chảy trong huyết quản, và ông sẽ biến Sevilla thành đội bóng trọn đời mình, kể từ khi giải nghệ vào năm 2000. Có ai ngờ, một thủ môn dự bị có thể biến thành người có vai trò chính trong thành công của đội chủ sân Sanchez Pizjuan theo cách như vậy.

Từ bờ vực của khủng hoảng tài chính và xuống hạng, Monchi đã biến Sevilla thành một thế lực thật sự không chỉ ở Tây Ban Nha, mà còn ở châu Âu. Không chỉ thành công trên khía cạnh sân cỏ, mà còn trên khía cạnh tài chính. Đó không phải là phép màu, mà là sự cân nhắc, tính toán cẩn thận và một kế hoạch hoàn hảo cho sự phát triển của Sevilla.

 “Nếu chúng ta cứ tiếp tục với Unai Emery, sẽ không có danh hiệu nào đến với câu lạc bộ nữa, và sự xuất hiện của Sampaoli cũng không phải là đảm bảo cho thành công. Nhưng tương lai của Sevilla phụ thuộc vào cách HLV làm việc, cũng như khả năng và triết lý của người đó sẽ đưa câu lạc bộ lên tầm cao mới”, Monchi quả quyết về quyết định chọn Jorge Sampaoli và chia tay Unai Emery. Đó cũng là phẩm chất để Monchi tạo dựng thành công cho Sevilla.

Người gây dựng ngôi sao

Dani Alves có thể vỗ ngực mà nói rằng, anh là số 1 ở Brazil với nhiều danh hiệu hơn cả Pele. Từ kẻ vô danh ở xứ sở Samba đến hậu vệ đắt giá của thế giới và cùng Barcelona tạo dựng kỉ nguyên tiki-taka là nhờ bàn tay của Monchi. Sergio Ramos trở thành một trong những biểu tượng của Real Madrid và đội tuyển Tây Ban Nha, cũng nhờ bàn tay của Monchi.

Ngay sau khi biến Ivan Rakitic trở thành một trong những cầu thủ được yêu thích nhất vào mùa bóng 2014, vị giám đốc tài năng này lập tức kiếm lời từ Barcelona, khi bán tiền vệ người Croatia với giá 18 triệu euro, trong khi chỉ mua anh về với giá 2,5 triệu euro. Có rất nhiều cầu thủ như vậy trưởng thành và nổi tiếng toàn thế giới nhờ Monchi, nhưng vấn đề là đội bóng xứ Andalucia vẫn phát triển ổn định nhờ một nền tảng vững vàng từ đào tạo cầu thủ hợp lý, cũng như kế hoạch xây dựng một cách chi tiết trong nhiều năm qua.

5 Sevilla đã giành 5 danh hiệu UEFA Cup/Europa League trong vòng một thập kỉ qua, kể từ khi Monchi nhận chức Giám đốc thể thao vào năm 2000.

14 Cũng kể từ năm 2000 cho tới nay, Monchi đã góp phần giúp Sevilla tham dự 14 trận chung kết ở mọi giải đấu.

200 Cho đến thời điểm này, Monchi đã thực hiện 200 thương vụ mua bán cầu thủ khác nhau sau 16 năm làm việc ở Sanchez Pizjuan.

Monchi và những phi vụ bằng vàng

Dani Alves là người đã mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Sevilla. Khi đưa anh từ Brazil tới Tây Ban Nha, Monchi chỉ mất chưa đến một triệu euro, nhưng vài năm sau đã bán anh với giá 35,5 triệu euro cho Barcelona, và đó là phi vụ thành công nhất của vị giám đốc 46 tuổi này. Xếp ngay sau Alves về giá trị mang lại cho đội bóng là trung vệ Fazio, người chỉ tốn của đội bóng xứ Andalucia đúng 800 nghìn euro, nhưng đã thu lại 9,2 triệu euro khi chuyển tới chơi cho Tottenham. Xếp thứ 3 trong danh sách những thương vụ hời của Monchi là tiền vệ Rakitic. Anh đặt chân tới Sanchez Pizjuan chỉ với giá 2,5 triệu euro, nhưng chuyển sang Camp Nou với giá 18 triệu euro, giá trị lợi nhuận mang lại là 620%.


Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN