TTVH Online

Băn khoăn về từ ngữ 'nhạy cảm' trong truyện thiếu nhi

02/08/2016 06:50 GMT+7

Từng được dừng phát hành để chỉnh sửa nội dung vào năm 2015, vậy nhưng phiên bản vừa ra thị trường của 'Truyện cổ tích Việt Nam tập 1' (NXB Kim Đồng) vẫn mang một số chi tiết khiến người đọc băn khoăn.

(Thethaovanhoa.vn) - Từng được dừng phát hành để chỉnh sửa nội dung vào năm 2015, vậy nhưng phiên bản vừa ra thị trường của Truyện cổ tích Việt Nam tập 1 (NXB Kim Đồng) vẫn mang một số chi tiết khiến người đọc băn khoăn.

1. Dày hơn 300 trang và tuyển chọn 74 truyện cổ dân gian, bản sách mới này được phát hành vào tháng 6 vừa qua và hiện đang xuất hiện khá rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi mua Truyện cổ tích Việt Nam tập 1, một số phụ huynh đã liên lạc với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) chia sẻ băn khoăn với một số tình tiết trong sách.

Cụ thể, trong truyện Thạch Sanh, ở đoạn Thạch Sanh bắn Đại bàng, sách có viết: “Nó chính là con Xà tinh thường hóa làm chim Đại bàng dạo khắp nơi để bắt người: con trai thì ăn thịt, con gái thì cưỡng bức” (trang 52).


Chi tiết trong "Người đàn bà mất tích"

Hoặc, ở phần cuối truyện Người đàn bà mất tích, khi tường thuật lại vụ án đã xảy ra, sách viết: “Số là hôm ấy trời mới tờ mờ sáng, nhận thấy có người đàn bà đi qua trước cổng chùa, ba tên ác tăng xô ra bịt miệng đưa vào lùm cây thay phiên nhau hãm hiếp. Rồi sợ lộ chuyện, chúng bóp chết người đàn bà và chôn ở gần chùa, dần dần xây đá đè lên cho mất tích” (trang 214).

Những ý kiến chuyển tới Thể thao & Văn hóa đều cho rằng: việc phía biên tập “để lọt” những chi tiết mang màu sắc bạo lực (cảnh ba ác tăng bóp chết người đàn bà), hoặc gợi ra những khái niệm về “cưỡng bức”, “hãm hiếp” là điều không nên với truyện cổ tích - dòng sách hướng tới độc giả ở độ tuổi rất nhỏ và còn đang non nớt về nhận thức.


Chi tiết trong "Thạch Sanh"

Cách đây gần một năm, NXB Kim Đồng cũng từng dừng phát phiên bản Truyện cổ tích Việt Nam tập 1 (in năm 2014) để chỉnh sửa. Ở bản in này, một số chi tiết cũ trong Thạch Sanh đã bị dư luận phản ứng, như việc hai mẹ con chia nhau chiếc quần độc nhất, hoặc Thạch Sanh chém Trăn tinh "óc phọt ra chết tươi".

2. Thể thao & Văn hóa đã chuyển những ý kiến này tới nhà văn Nguyễn Thúy Loan (Trưởng ban biên tập sách Văn học, NXB Kim Đồng và cũng là người đứng tên biên tập cho cuốn sách). Theo lời bà Loan, phiên bản Truyện cổ tích Việt Nam tập 1 lần này đã được ban biên tập dành nhiều thời gian làm việc để chỉnh lý lại trước khi phát hành.


Bìa sách "Truyện cổ tích Việt Nam"

“Chúng ta đều hiểu, cổ tích không chỉ là những câu chuyện về người tốt theo kiểu ở hiền gặp lành. Đó còn là chuyện cái thiện đẩy lùi cái xấu, chuyện kẻ hung bạo bị trừng trị theo tinh thần “ác giả ác báo” - bà Loan cho biết. “Từ đó, tôi cũng mong các bậc phụ huynh có thêm sự chia sẻ, khi tác giả dân gian chỉ đích danh tội ác để lý giải việc chúng bị trừng phạt”.

Tuy nhiên, về góc độ dùng câu từ, bà Loan chia sẻ: “Những ý kiến của độc giả đã giúp chúng tôi có thêm nhận thức về sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội hiện nay đối với những cuốn sách dành cho độc giả nhỏ tuổi. Do vậy, bên cạnh lời cám ơn, chúng tôi xin chân thành tiếp thu những góp ý này”.

Theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, Người đàn bà mất tích được rút từ bộ Kho tàng truyện cổ tích VN, do cố học giả Nguyễn Đổng Chi biên soạn từ cách đây hơn 30 năm. Ở nguyên bản, các cụm từ "hãm hiếp" và câu chuyện ba ác tăng bóp chết người đàn bà cũng đã được cố học giả sử dụng (và từng được in lại trong nhiều bộ sách). Nhưng rõ ràng, nếu đặt trong yêu cầu hiện tại của phụ huynh về những chuyện cổ tích "chuẩn", việc biên tập một vài từ ngữ "nhạy cảm" là điều khả thi và nên làm.

Chẳng hạn, chi tiết “cưỡng bức” của đại bàng hoàn toàn có thể sửa thành “bắt con gái về làm tỳ thiếp”. Hoặc, trong Người đàn bà mất tích, hành động "hãm hiếp" và "bóp chết" nạn nhân cũng có thể được lược bỏ, để câu chuyện "lướt qua" một vụ giết người cướp của bình thường. Chỉnh sửa theo cách ấy, nội dung và tính giáo dục của 2 câu chuyện trên không hề thay đổi, đồng thời các phụ huynh cũng có thể yên tâm hơn trước ấn phẩm của một NXB  vốn có truyền thống về mảng sách thiếu nhi...

Vài năm trước, truyện tranh Muôn thủa nước non này của NXB Giáo dục cũng từng gây phản ứng bởi chi tiết mẹ Đinh Bộ Lĩnh “bị con rái cá cực lớn hãm hiếp”. Ở thời điểm ấy, nhiều nhà giáo dục đã cùng lên tiếng và khẳng định: nếu vẫn “tiếc” chi tiết mang tính truyền thuyết này, phía biên tập vẫn cần tìm một cách chỉnh sửa để câu chuyện trở nên nhẹ nhàng, hấp dẫn hơn mà không gây ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ em.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN