TTVH Online

Thư EURO: Đi tắm biển cùng dân Paris

04/07/2016 10:27 GMT+7

Người dân Paris tắm biển và ngắm biển có dễ dàng? Câu trả lời là không dễ. Thế mới biết, dân ta còn sướng chán.

(Thethaovanhoa.vn) - Người dân Paris tắm biển và ngắm biển có dễ dàng? Câu trả lời là không dễ. Thế mới biết, dân ta còn sướng chán.

Từ ngày 17/7 đến 27/8 tới đây, người ta sẽ chở hàng trăm tấn cát đến đặt bên bờ sông Seine, gần tháp Eiffel, để tạo một bãi biển nhân tạo khổng lồ. Kinh phí vô cùng tốn kém.

Dân thèm biển, chính quyền phải làm bãi biển nhân tạo

Động thái này có tính tiền lệ, năm nào cũng thế. Mục đích để những người dân, vì lý do nào đó không thể đi nghỉ hè, ngắm và tắm biển, có điều kiện tận hưởng không khí biển cả giữa lòng Paris. Thực tế, rất nhiều người dân và du khách ở Paris rất thích thú với bãi biển nhân tạo này. Ở đó, họ sẽ được nghịch cát, tắm nắng, chơi một số môn thể thao, và xem đua thuyền trên sông Seine.

Hiếm nơi nào trên thế giới có cách làm như chính quyền Paris. Tuy nhiên, chẳng có gì lạ bởi từ Paris đến các bãi biển không thuận lợi. Nếu dân Paris đến thành phố cảng Saint-Nazaire, phải mất 430km, thành phố này không có sân bay. Chạy xe hơi không đơn giản. Gần hơn, vùng Normandie, cũng xấp xỉ 200 km. Phải đâu như người Thủ đô, thèm biển vẫn có thể phi xe xuống Hải Phòng, Quảng Ninh, không mất nhiều thời gian như người Paris.

Nhưng điều quan trọng hơn, dù thời điểm này đã là mùa hè, nếu có đến hai vùng biển trên, người dân Paris cũng không thể tắm. Lý do, nước biển quá lạnh. Chỉ được ngắm và nghỉ dưỡng mà thôi.

Ở các bãi biển miền Nam nước Pháp, khí hậu có vẻ tốt hơn, nhưng thời gian có thể tắm trong năm cũng chỉ tầm hơn một tháng. Còn quanh năm nước đều cực lạnh. Do đó, người Paris và Pháp thường phải bay sang Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… để thỏa cơn khát vẫy vùng cùng biển cả, nắng vàng, cát trắng. Thế mới hiểu tại sao, khi dân Pháp sang ta, thường đánh giá vô cùng cao các bãi tắm Việt Nam, dưới góc độ tắm biển.

Chiếc cần cẩu khổng lồ này là biểu tượng tự hào của ngành đóng tàu thành phố.

Saint-Nazaire, thành phố cảng thân yêu

Thứ Bảy, cuối tuần, chúng tôi hòa vào dòng xe xuống thành phố cảng Saint-Nazaire. Người Pháp vô cùng trân trọng ngày nghỉ cuối tuần, để cùng gia đình hưởng thụ cuộc sống đúng nghĩa. Những chiếc xe cồng kềnh chở lỉnh kỉnh các vận dụng gia đình. Những chiếc xe đạp trẻ con chất trên mui xe, rất đáng yêu.

Đường xuống Saint-Nazaire, xe bon 130 km/giờ. Nếu mệt, có thể vào nghỉ ở các trạm. Nơi đó thực sự là công viên, có cả siêu thị, nhà hàng, nằm dưới các tán rừng xanh mát. Hai bên đường cao tốc, những cánh đồng nối dài như tít tận chân trời. Những ngôi nhà ẩn dưới các tàng cây xanh mát. Những đàn bò, cừu, tha thẩn gặm cỏ. Thật khó tìm ra bóng dáng các nông dân đang “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Nông nghiệp Pháp cơ bản tự động hóa, nông dân sống vô cùng sung túc. Hai vợ chồng già vẫn có thể nuôi cả trăm bầy lợn, cừu, và phụ trách hàng chục héc ta lúa mạch. Nông dân sở hữu quá nhiều đất, nên thấy nhiều nơi, khoảng cách nhà này đến nhà kia phải vài km. Thành ra, khi thanh niên ồ ạt lên thành phố lập nghiệp, sự cô đơn của người già ở nông thôn Pháp đang là vấn đề gây nhức nhối. Chính quyền nới lỏng cho dân nhập cư, cũng một phần để lực lượng này đổ về nông thôn, tăng sức lao động và tăng dân số nơi hẻo lánh. Nhưng, người nhập cư vẫn bám trụ vào các thành phố lớn, làm đau đầu chính phủ trong việc quản lý, áp dụng các chính sách xã hội.

Những ngày sang đây, mới nhận ra rằng người Pháp quý mến Việt Nam vô cùng. Chúng tôi đoan chắc, nếu có đất nước nào yêu Việt Nam bằng một tình cảm sâu lắng và chân phương, muốn giúp đỡ thật tâm, đấy phải là người Pháp.

Hai nước đã nâng tầm lên thành đối tác chiến lược. Sang năm, Tổng thống Pháp sẽ sang thăm Việt Nam. Đấy là những điều kiện thuận lợi trong quan hệ song phương, thúc đẩy tăng trưởng ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng tôi cảm nhận sự hợp tác giữa hai bên còn chưa tương xứng, chủ yếu ngoại giao, giáo dục, văn hóa, văn nghệ… là chính. Những lĩnh vực mũi nhọn thì còn chưa nhiều dấu ấn. Hãy nhìn ở ta, ngay Thủ đô, các doanh nghiệp Pháp còn quá ít. Trong khi đó, hàng loạt nước khác, trong đó có Trung Quốc, rất nhiều.

Người Pháp đã quy hoạch nhiều phố xá Hà Nội (cùng nhiều địa phương) từ rất lâu. Nếu mời họ sang giúp đỡ, trùng tu, quy hoạch lại mạng lưới giao thông, cũng là vấn đề ngành văn hóa, du lịch và giao thông cần tính tới.

Hay nông nghiệp. Dân mình hoàn toàn có thể học hỏi ở họ, kể cả cung ứng lao động đang rất thiếu cho các vùng nông thôn nước Pháp. Đà Lạt đã có cơ chế mới, thời tiết rất phù hợp với Pháp. Vậy mà, công nghệ làm rượu vang (niềm tự hào Việt) bao năm vẫn thế. Trồng nho, hoa, rau sạch, trên cả là bảo trì một Đà Lạt giữ được nét xưa cũ mà người Pháp đã tạo dựng, vẫn là thách thức đáng ngại.

Hữu Quý- Việt Sơn (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN