TTVH Online

Những kỷ vật, tư liệu vô giá được hiến tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa

03/07/2016 20:55 GMT+7

Chiều ngày 3/7 tại Bảo tàng Đà Nẵng, lễ phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa đặt tại TP. Đà Nẵng đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo trí thức, người dân trong và ngoài nước tham dự.

(Thethaovanhoa.vn) – Chiều ngày 3/7 tại Bảo tàng Đà Nẵng, lễ phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà trưng bày Hoàng Sa đặt tại TP. Đà Nẵng đã được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo trí thức, người dân trong và ngoài nước tham dự.

Tại lễ phát động, rất nhiều tư liệu, hiện vật quý giá, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị pháp lý đã được trao tặng cho UBND huyện Hoàng Sa. Đây là những hành động tiên phong cho cuộc vận động hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa.

Tư liệu được mang về từ Mỹ

Tại buổi lễ phát động, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng đã hiến tặng bộ bản đồ Atlas cổ được sưu tầm tại Mỹ, do ông vừa mang về Việt Nam ngay trong ngày 3/7 hiến tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa.


Bà Nguyễn Thị Lựa và anh Nguyễn Hoàng Sa trao tặng hiện vật cho UBND Hoàng Sa

TS. Trần Đức Anh Sơn cho biết, quá trình nghiên cứu tư liệu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được thực hiện từ năm 2009 đến nay với chủ đề “Những tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, đề tài này đã được nghiệm thu, được công bố trên rất nhiều phương tiện khác nhau. Đây cũng là nguồn của bộ tư liệu chính mà hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang sử dụng tại các cuộc triển lãm toàn quốc, trong các Quân khu, Hải quân từ năm 2013 đến nay.

“Trong quá trình thực hiện nghiên cứu sinh về đề tài nói trên tại Mỹ, thông qua các thư viện tại Mỹ và các trang mạng, kho tư liệu mà họ cung cấp (công khai và hạn chế), chúng tôi đã tìm thấy một số tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi đã xin quyền scan, sao chép các tư liệu này về lưu trữ để phục vụ cho công trình nghiên cứu của cá nhân chúng tôi đồng thời cũng để trao tặng cho các cơ quan nhà nước của Việt Nam trong quá trình xác lập chủ quyền của đất nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục phiên dịch, xử lý các tư liệu mà chúng tôi đã được sưu tập được một cách cẩn thận, hợp lý và tiếp tục trao tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa trong thời gian sắp tới” – TS. Trần Đức Anh Sơn chia sẻ.


TS. Trần Đức Anh Sơn giành nhiều năm nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lựa cùng con trai Nguyễn Hoàng Sa (Cần Thơ) có mặt tại TP. Đà Nẵng để trao tặng lại những kỉ vật gia đình về  người chồng, người cha mình. Đó là giấy báo tử nạn và tấm ảnh duy nhất của tử sĩ Nguyễn Thành Trọng – chồng bà Lựa - người đã tử trận trên Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 ngày 19/1/1974.

Bà Lựa tâm sự: "Hôm nay, chúng tôi quyết định hiến tặng hiện vật là những di vật, kỉ niệm, tư liệu gốc có giá trị lịch sử, pháp lý còn lưu giữ nhằm đóng góp cho Nhà trưng bày Hoàng Sa, góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”.

Phát động hiến tặng ra tầm quốc tế

Tại buổi lễ, ngoài hai bộ tư liệu nói trên của TS. Trần Đức Anh Sơn và gia đình bà Nguyễn Thị Lựa, còn có 3 bộ tư liệu do các cá nhân và tổ chức hiến tặng cho Nhà trưng bày Hoàng Sa, cụ thể: Mô hình Tàu Cảnh sát biển của Tổng Công ty Sông Thu; Bản đồ xã Hòa Long (nay là huyện Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng) do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng hiến tặng và Phim tư liệu “Nhớ Đảo” của tác giả Huỳnh Hùng và Chí Trung – Trung tâm Đài truyền hình Việt Nam tại TP. Đà Nẵng.


Các tư liệu, hiện vật được hiến tặng tại buổi lễ phát động

Trong khuôn khổ cuộc vận động, lễ phát động được cắm mốc thời gian bắt đầu từ ngày 3/7/2016 - 19/1/2017, tuy nhiên việc hiến tặng các tư liệu, hiện vật sẽ kéo dài cả khi cuộc vận động kết thúc.

Đối tượng của cuộc vận động là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có sở hữu các loại hình tư liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Các tư liệu, hiện vật có thể là các kỷ vật của nhân chứng và thân nhân từng sống trên quần đảo Hoàng Sa, các văn bản, thư tịch của Nhà nước Việt Nam và các quốc gia khác thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Những bản đồ trong nước và của nước ngoài khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, những hình ảnh, hiện vật khác thể hiện hoạt động của người dân Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ lịch Hội Khoa học lịch sử TP. Đà Nẵng chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, không ít tập thể, cá nhân người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã tự nguyện hiến tặng cho UBND huyện Hoàng Sa nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm, tiêu biểu như anh Trần Thắng Sa (đang định cư ở Hoa Kỳ) đã hiến tặng một bộ sưu tập gồm 150 bản đồ cổ và hai cuốn sách Atlas, các nhân chứng từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa trước năm 1974 đã trao tặng nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến Hoàng Sa, vừa có giá trị lịch sử và tính pháp lý. Những tư liệu ấy đều được chính quyền thành phố bảo quản vô cùng cẩn mật và sẽ được trưng bày một cách trang trọng tại Nhà trưng bày Hoàng Sa”.


Bản đồ Atlas cổ do TS. Trần Đức Anh Sơn sưu tầm tại Mỹ trao tặng

Khi Nhà trưng bày Hoàng Sa hoàn thành (dự kiến cuối năm 2016), đây sẽ là công trình mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, là nơi trưng bày, giới thiệu, tuyên truyền những thông tin tư, tư liệu, hình ảnh sinh động, giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Đây còn là nơi minh chứng về sự thật trong cuộc đấu tranh bảo vệ và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những tư liệu thu thập được trong quá trình vận động cũng sẽ được trưng bày tại đây.

Các cá nhân, tổ chức có tư liệu, hiện vật hiến tặng liên hệ UBND huyện Hoàng Sa qua SĐT: 0511.3822291 – 0905323445 (ông Lê Phú Nguyện – Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa. Hoặc Email: hoangsa@danang.gov.vn để được hướng dẫn, hỗ trợ và tiếp đón.


Hoàng Yến

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN