TTVH Online

Hương Color: Việt Nam mới chỉ có thời trang lồng lộn, chưa có Haute Couture đúng nghĩa

01/07/2016 15:01 GMT+7

Thích màu đen, những thiết kế tối giản và thỉnh thoảng đi giày đế bệt, đây chỉ là ba đặc điểm bất ngờ thú vị mà bạn dễ nhận ra nhất ở Hương Color, người đàn bà “quyền lực” của làng thời trang Việt.

(Thethaovanhoa.vn) - Thích màu đen, những thiết kế tối giản và thỉnh thoảng đi giày đế bệt, đây chỉ là ba đặc điểm bất ngờ thú vị mà bạn dễ nhận ra nhất ở Hương Color, người đàn bà “quyền lực” của làng thời trang Việt.

Gặp Hương Color vào một buổi chiều muộn, chị xuất hiện với vẻ ngoài giản dị cùng phong thái nhẹ nhàng, từ tốn vốn có. Nếu chưa quen biết trước hoặc quan tâm đến thời trang, không có nhiều người nhận ra sự hiện diện của người phụ nữ đứng sau sự thành công của hàng loạt chương trình, sự kiện có sức ảnh hưởng đến sự phát triển của thời trang Việt, ở gần mình.


Hương Color, quyền lực của làng thời trang Việt

Hương Colour rất kiệm lời nói về mình, cô bảo cuộc sống của mình êm ả, nhẹ nhàng như bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam, không có nhiều điều thú vị để chia sẻ. Tuy nhiên, khi bàn đến chủ đề thời trang, chị như thay đổi hẳn, nhiệt huyết, tràn đầy năng lượng có thể bàn từ vấn đề này, sang câu chuyện khác.

“Ăn no mặc ấm” đã được thay đổi thành “Ăn ngon mặc đẹp”

* Chào chị, với một người có thâm niên hơn 10 năm làm việc trong ngành thời trang, chị nhận thấy làng mốt Việt đã có những bước phát triển đột phá nào? 

- Đã có hơn 10 năm bắt đầu chập chững vào nghề và làm việc trong ngành thời trang, tôi cảm thấy rất tự hào khi ngành công nghiệp thời trang nước ta đã có những chuyển biến tích cực.

Nếu bạn theo dõi sự chuyển mình của làng mốt Việt từ những bước đi đầu tiên cho đến hôm nay thì chắc chắn bạn sẽ rất bất ngờ. Ví như trước đây Việt Nam hay tổ chức các show thời trang trình diễn, nhưng thời gian qua các show thời trang ứng dụng đã dần thay thế.

Điều này cho thấy rằng quan niệm “ăn no mặc ấm” đã được thay đổi thành “ăn ngon mặc đẹp”. Tôi rất vui khi cảm nhận được đời sống tinh thần của người Việt ta đã được cải thiện nhiều, một dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp thời trang sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong tương lại.

Cụ thể như tại VDFW 2016, nhiều thiết kế của các nhà mốt đã được bán sạch ngay khi rời sàn diễn, ví như BST của Hà Linh Thư, các tín đồ thời trang đã tìm đến khách sạn cô ấy ở để mua hết các bộ trang phục ngay sau show. Tuy nhiên vì các nhà thiết kế Việt vẫn chưa quen với các show diễn như thế, nên một vài bạn đã không chuẩn bị đồ để bán, thế nên những ngày diễn ra festival, tuy có nhiều khách hàng đến nhưng lại không có đồ để họ mua, điều này làm tôi khá tiếc.


Giám đốc sáng tạo Hương Color tại chương trình mà cô cùng ê kíp tổ chức VDFW 2016, Tuần lễ Nhà thiết kế thời trang Việt Nam

* Đứng sau thành công của nhiều chương trình thời trang gây tiếng vang ở Việt Nam như Đẹp Show, Elle Show, Vietnam Designer Fashion Week… là giám đốc sáng tạo của các tạp chí thời trang danh tiếng, nhiều người nghĩ Hương Colour phải xuất hiện “lộng lẫy” trong những thiết kế hàng hiệu, được may riêng, thể hiện trào lưu xu hướng… như Anna Wintour của Vouge chứ không chỉ là những chiếc váy đen, tối giản và thỉnh thoảng còn mang giày bệt trong các chương trình mình tổ chức?

- Là một người yêu cái đẹp, đam mê thời trang, dĩ nhiên lúc nào tôi cũng muốn mình xuất hiện thật thời trang, thật đẹp trước mọi người. Tuy nhiên bản thân mình lại không có nhiều thời gian. Với vai trò giám sát tôi phải chạy từ team make up sang team model… nên mang giày cao gót hoặc mặc trang phục quá rườm rà thì không được. Thậm chí khi tôi ra nước ngoài làm việc, mỗi khi đang tất bật phía sau hậu trường, có một chuyên gia hay một nhà thiết kế nổi tiếng nào đó cần gặp mình tôi cũng mang giày bệt ra để tiếp chuyện.

Còn về trang phục màu đen, tôi quan niệm khi làm fashion show thì ê - kíp mặc màu đen trông sẽ chuyên nghiệp hơn. Đây cũng là điều tôi quan sát được tại các tuần lễ thời trang thế giới. Bởi vì công việc của họ là làm việc sau hậu trường, chứ không phải trên thảm đỏ, nên không cần phải nổi bật. Những người cần tỏa sáng là nhà thiết kế, model và các BST chứ không phải anh em trong ê - kíp chúng tôi.

Thời trang không nhất thiết lúc nào cũng phải quá “rườm rà”

* Hình ảnh của chị khi xuất hiện lại rất giản dị dường như bao nhiêu người phụ nữ khác, chị có nghĩ hình ảnh này sẽ khiến  mình trở nên “kém quyền lực” không?

- Tôi nghĩ thời trang không nhất thiết lúc nào cũng phải quá “rườm rà”, và đôi lúc chúng ta lại bị nhầm lẫn rằng sự rườm rà quá mức, hay “lồng lộn” như bạn nói thì mới được gọi là thời trang.

Ví như ở Việt Nam chúng ta, một vài thuật ngữ của ngành thời trang được sử dụng chưa chính xác, như Haute Couture chẳng hạn, sự nhầm lẫn này làm nhiều người nhầm tưởng trang phục chỉ cần bán với giá đắt và được làm thủ công tỉ mĩ thì được gọi là Haute Couture.

Thực chất, Haute Couture là một thuật ngữ tiếng Pháp để chỉ về nghệ thuật may mặc dựa trên hai tiêu chí là sang trọng và sự công phu. Mọi chi tiết trên trang phục đều phải được làm bằng tay để đảm bảo độ hoàn hảo và độc đáo nhất. Chứ không phải một bộ trang phục đính đá rườm rà mà không mang một ý nghĩa nghệ thuật nào cả. Do vậy ở Việt Nam chúng ta vẫn có nhiều thiết kế tuy “lồng lộn”, phức tạp nhưng không phải là Haute Couture.


Hương Color: Việt Nam chúng ta vẫn có nhiều thiết kế tuy “lồng lộn”, phức tạp nhưng không phải là Haute Couture

* Nói như chị thì việc đầu tư cho trang phục mỗi khi xuất hiện chỉ là một trong số những cách giúp người phụ nữ tỏa sáng?

- Mọi người hay nói “người đẹp vì lụa”. Tuy nhiên tôi lại nghĩ rằng người phụ nữ đẹp nhất là khi họ tự tin với bản thân mình chứ không phải khi họ khoác lên mình một bộ trang phục quá đắt tiền. Và ngược lại một người phụ nữ không có vẻ ngoài như mong muốn thì họ hoàn toàn có thể cải thiện bằng cách ăn mặc phù hợp.

Bên cạnh đó phong cách chính là thứ quyết định cái đẹp. Mỗi người đều có một phong cách khác nhau và điều đó góp phần tạo nên sự đa dạng và nhiều màu sắc cho thời trang. Mỗi cá nhân nên chọn cho mình một phong cách riêng và đó không nên là sự vay mượn hay sao chép của bất kì ai.

* Như chị chia sẻ từ nãy đến giờ, là một người làm trong ngành thời trang nhiều năm, am hiểu rõ các xu hướng, phong cách,… chắc hẳn chị cũng là người luôn cập nhật xu hướng, tư vấn cách ăn mặc cho các thành viên trong gia đình?

- Chắc là bùa nhà không thiêng. Tôi có hai đứa con gái, một đứa 12 tuổi và một đứa 16 tuổi. Cô con gái 12 tuổi thì hiện tại vẫn để mẹ hỗ trợ mix match trang phục. Riêng cô bé 16 tuổi thì từ ngày vào cấp 3, bắt đầu bộc lộ cá tính riêng, nên chỉ mong muốn tự do lựa chọn phong cách ăn mặc, thế là mẹ chuyển sang vai trò “stylist”, gợi ý cách mix match cho cô nàng mỗi khi ra phố mà thôi. Cũng từ đó tôi mới phát hiện bé ngày càng tiến bộ hơn trong việc lựa chọn gout ăn mặc. Suy cho cùng thời trang là sự sáng tạo vô bờ bến, vậy nên tôi sẽ để hai bé tự do thể hiện cá tính, miễn sao trong chừng mực của độ tuổi cho phép.

* Với công việc tất bật như thế chắc chị có rất ít thời gian dành cho gia đình?

 - Đúng vậy, có khi một show diễn nào đó được tổ chức ở nước ngoài hay Hà Nội thì xem như tôi vắng nhà suốt. Nếu sự kiện ở TPHCM thì sáng sớm tôi đi thì các con chưa dậy, tối mịt tôi trở về thì hai bé đã ngủ. Lắm lúc 1-2 tuần cả nhà mới được một hôm quay quần bên nhau. Vậy nên lúc nào có thời gian rảnh là tôi tranh thủ ở nhà với con, đưa chúng đi du lịch,… May mắn là các bé hiểu được công việc của mẹ nên rất cảm thông, luôn chủ động cho cuộc sống của mình mà không cần mẹ chăm từng chút. Nhưng biết sao được, công việc nào mà không khó khăn, miễn sao sự hi sinh của mình có ích là tôi vui rồi, tôi tin chắc con tôi sẽ rất tự hào về mẹ chúng.

* Cảm ơn chị về những chia sẻ

Khánh Thư (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN