TTVH Online

Không phải Italy, có thể người Tây Ban Nha sẽ tự đánh bại mình

27/06/2016 14:31 GMT+7

Nếu xét về tiềm lực và đẳng cấp thì Italy có rất ít cửa đánh bại Tây Ban Nha, nhưng có thể chính người Tây Ban Nha đã và đang làm họ suy yếu.

(Thethaovanhoa.vn)- Nếu xét về tiềm lực và đẳng cấp thì Italy có rất ít cửa đánh bại Tây Ban Nha, nhưng có thể chính người Tây Ban Nha đã và đang làm họ suy yếu.

Tây Ban Nha vẫn là ứng viên số 1 cho ngôi vô địch cho tới khi Sergio Ramos bước lên chấm phạt đền và sút như một cầu thủ hạng hai vào tay thủ môn Croatia và ít phút sau đó, thủ môn De Gea bất lực khi cản một cú sút ở góc gần. Tây Ban Nha thua 1-2, không còn thể sánh ngang với những Anh, Pháp và Đức, những đội bóng bất bại sau vòng bảng. Và hậu quả đáng nói nhất, là họ phải gặp Italy ở vòng 1/8.

4 năm trước, Italy đã thảm bại trước Tây Ban Nha trong trận chung kết mà cả hai cùng quyết chơi cởi mở, sòng phẳng và người Italy nhận ra rằng họ không còn đủ khả năng để sắm vai một đội bóng lớn.

Ba năm sau thời điểm đó, một đội bóng Italy với rất nhiều hảo thủ quốc tế cùng đứng trong đội hình cũng đã thử sức với một lối chơi sòng phẳng là Juventus cũng đã thua thuyết phục trước một đại diện của Tây Ban Nha, là Barca. Barca không chỉ cung cấp nhiều tuyển thủ cho Tây Ban Nha mà còn nắm phần hồn của La Roja (đoàn quân màu đỏ) với lối chơi kiểm soát bóng.

Giờ thì Tây Ban Nha đã yếu hơn nhưng vẫn là một trong những đội bóng giàu chất lượng bậc nhất. Italy thậm chí còn tệ hơn 4 năm trước xét về mặt con người. Những gì Italy thể hiện làm người ta bất ngờ (thắng hai trận đầu vòng bảng), và mang dấu ấn cá nhân của HLV Conte trước những đối thủ đang dần vươn lên như Bỉ, hoặc không quá đặc biệt của châu Âu, Thụy Điển.

Nhưng Tây Ban Nha lại đang bộc lộ những vấn đề mà nếu không giải quyết được nó sẽ phá hủy cả đội bóng.

Khi đồng đội tố đội trưởng “ăn trộm penalty”  

Hình ảnh Pique có một ngón tay giữa hướng về phía Ramos trong lúc hát quốc ca có thể là hiểu nhầm. Pique ước muốn một điều nào đó chỉ có anh mới hiểu, nhưng vắt chéo ngón tay trỏ với ngón tay giữa với nhiều người châu Âu là thể hiện một ước muốn nào đó, một ngôn ngữ cơ thể tương đối phổ biến.

Nhưng Ramos không phải là người đội trưởng có thể làm cầu nối giữa các cầu thủ Real với Barca giống như đội trưởng Iker Casillas đã từng làm.

Năm 2013, Casillas bất chấp những cấm đoán của Mourinho đã gọi điện cho Xavi để giảng hòa sau trận siêu kinh điển. Kết quả của nó là mối quan hệ giữa các cầu thủ ở hai đội bóng thù địch và đại diện cho hai thành phố có những quan điểm chính trị khác nhau vẫn ổn. Hệ quả của nó chỉ Casillas lĩnh đủ: như cái gai trong mắt Mourinho.


Pique chĩa ngón tay thối về phía Ramos

Năm 2014,  cũng sau một trận siêu kinh điển khác, trong nội bộ ban cán sự Real có một tranh luận nhỏ: Casillas với tư cách đội trưởng không muốn công khai chỉ trích trọng tài, nhưng Ramos và Ronaldo với tư cách đội phó cùng “bỏ phiếu”. Những lên án nếu suy diễn giống như một sự chỉ trích gián tiếp đối với Barca, hoặc giản đơn hơn, không thể lấy được sự tôn trọng từ đối thủ.

Quả thực là Ramos là một trong số các cầu thủ của Real mà Barca ít tôn trọng nhất. Một phần vì chuyện ở CLB, và phần khác vì đóng góp ở đội tuyển.

Casillas là đội trưởng chưa ai phải lăn tăn. Sau Casillas có những người đóng góp hàng đầu cho tuyển Tây Ban Nha như Xavi cũng thuộc dạng thủ lĩnh bẩm sinh và đẳng cấp vượt trội, là người có tiếng nói đầy trọng lượng trong lòng đội tuyển.

Sau hai người này, tuyển Tây Ban Nha còn nhiều tài năng nhưng “thống nhất” được cả một tập thể thì không có ai. Iniesta quá lành. Busquet thì thuộc diện hơi “Barcamania”. Pique thì quá “Barcamania”, nếu được chọn thì cũng giống như Ramos. Tây Ban Nha lúc này đã bớt phần là Barca + Real vì có Nolito, Morata, Silva, Juanfran, De Gea, nhưng thật khó để tin rằng truyền thống chiếc băng đội trưởng thuộc về người của hai ông lớn này lại kết thúc sau khi nó đã được duy trì suốt từ sau khi đội trưởng Luis Arconada nhường lại nó năm 1984 cho Jose Camacho.

Chỉ có người Barca nói

Nếu xét trên khía cạnh những tuyên bố mang tính về nội bộ đội bóng thì vấn đề đầu tiên là của một người cũ của Barca, tiền đạo Pedro, một phàn nàn vì việc không được đá chính. Pique lên tiếng bảo vệ quyền được mở lời của đồng đội cũ ở CLB Barca.

Và đến vấn đề thứ ba thì cũng chỉ là của người Barca, tiền vệ Xavi hé lộ về việc Ramos thực hiện cú đá phạt đền hỏng trước Croatia chỉ là một sự “đánh cướp” vì không ai giao nhiệm vụ đó cho Ramos mà chính trung vệ này bước lên và là người đầu tiên giành lấy quả bóng.


Iniesta đáng ra là người đá penalty thay Ramos

Sự bảo vệ của HLV Del Bosque là tương đối yếu ớt, ông chỉ cho rằng đá penalty là vấn đề của sự tự tin, người bước lên nhận cú sút là người tự tin. Nhưng ai dám bảo là chỉ Ramos tự tin trong khi chỉ có vẻ anh là người nhanh nhất tiến tới quả bóng.

Đây rõ ràng là một hình ảnh trái ngược của Tây Ban Nha so với Italy, đội bóng thiếu tài năng nhưng thừa đoàn kết và lòng quyết tâm.

Cứ nhìn cái ảnh họ hát quốc ca là thấy. Không có những ngón tay xấu xí hay ngón tay đan chéo nhau mà chỉ có cảnh cả đội trưởng Buffon lẫn các tuyển thủ ít tên tuổi khác hát quốc ca như chưa bao giờ được hát. Đó là một trong hai niềm hy vọng của người Italy, điều còn lại là khả năng tính toán của Conte.

Phạm Tấn

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN