TTVH Online

EURO 2016: Bóng đá có hàn gắn nổi một châu Âu quá chia rẽ

26/06/2016 10:08 GMT+7

Vào lúc giải đấu sắp kết thúc vòng bảng, Anh chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Nga và Ukraine vẫn bế tắc vì xung đột ở Đông Ukraine...

(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc giải đấu sắp kết thúc vòng bảng, Anh chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Nga và Ukraine vẫn bế tắc vì xung đột ở Đông Ukraine, quan hệ TNK-Nga đang ở mức tồi tệ, quan hệ TNK với Đức và các nước khác trong EU cũng đầy trục trặc… Liệu bóng đá có thể phần nào giúp hàn gắn những khác biệt đó?

Trong một thập kỷ qua, dự án mái nhà chung châu Âu đã thủng lỗ chỗ. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, những rối loạn của khu vực đồng tiền chung euro sau đó, tăng trưởng ì ạch, rồi cuộc chiến ở Syria, ở Ukraine, làn sóng người nhập cư, những vụ khủng bố đẫm máu, sự nổi lên của các đảng cực hữu… tất cả đẩy châu lục này vào tình trạng bế tắc chưa từng có, cùng lúc với việc Pháp tổ chức Euro 2016, kỳ giải lớn nhất trong lịch sử với nhiều đội tham dự nhất: 24.

Bóng đá, nhất là ở châu Âu, thực ra chưa bao giờ tách rời chính trị. UEFA thành lập vào năm 1954, một sáng kiến của những người Pháp, cũng là quốc gia đã đề đạt thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của EU, 3 năm sau đó. Năm 1973, khi Anh tham gia EEC, sự kiện này được đánh dấu bởi một trận bóng đá ở Wembley, với sự góp mặt của 3 nước thành viên mới (Anh, Ireland và Đan Mạch) cùng 6 nước EEC cũ.

Mới đây hơn, ngay sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định mở cửa biên giới cho người tị nạn, các CLB bóng đá là những nơi đầu tiên giương lên tấm băng-rôn chào mừng họ ở các sân bóng Bundesliga. Ngược lại, ở Ba Lan, các CĐV của CLB vùng Silesia, Wroclaw, lại giăng ra một tấm băng-rôn 20x30 mét với dòng chữ “Châu Âu đang bị tràn ngập bởi dịch Hồi giáo”, bên dưới là hình một hiệp sĩ thập tự chinh, cũng là biểu tượng của CLB, giơ cao một thanh gươm, còn phía xa là 3 chiếc tàu đang chuẩn bị cập bến châu Âu, với các dòng chữ ghi trên đó: USS Bin Laden, USS Hussein và USS ISIS.

Robert Schuman, cố bộ trưởng ngoại giao Pháp và là kiến trúc sư của EEC, từng nói: “Trước khi là một liên minh quân sự hay kinh tế, châu Âu phải là một cộng đồng văn hóa chia sẻ những giá trị cùng nhau đã”. Bóng đá có thể là một trong những giá trị như thế. Hơn thế, bóng đá còn là một không gian văn hóa hiếm hoi có thể tập hợp được gần như mọi quan điểm ở châu Âu. Ngay từ đầu đã là như thế. Đó là một sân chơi chung trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, rồi sau đó khi châu Âu phân thành những nước trong và ngoài EU, rồi cả bây giờ, khi TNK, Nga, Israel hay Azerbaijan, những quốc gia không hẳn thuộc châu Âu về địa lý và cả văn hóa, vẫn được chào đón.


Hai anh em nhà Xhaka đối đầu khi người khoác áo Thụy Sĩ, người khoác áo Albania là sự kiện lịch sử của EURO

Bóng đá còn là lĩnh vực kinh tế vẫn phát triển đều đặn, hưởng lợi nhiều từ toàn cầu hóa và sự hợp tác, tự do đi lại của EU và châu Âu nói chung, bất chấp tình hình chung có thể căng thẳng hay nền kinh tế có thể sa sút ra sao. Sự giàu mạnh của các giải đấu châu Âu đã thu hút tới đây những cầu thủ ngôi sao, những khoản đầu tư mới, các nhà tài phiệt nước ngoài, và CĐV trên toàn thế giới. Các đội châu Âu nhờ thế vô địch 5/7 kỳ World Cup từ năm 1990 tới giờ, và Champions League đã trở thành một giải đấu của cả thế giới.

Ở mức độ quản trị bóng đá, nhất là khi so sánh với FIFA và các liên đoàn châu lục khác, UEFA và giới điều hành bóng đá châu Âu nói chung được nhìn nhận là ít tham nhũng hơn, giỏi quản trị hơn và tư duy hợp lý hơn. Khuynh hướng xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước châu Âu cũng đã lan sang cách điều hành bóng đá, khi sự chia sẻ giữa các liên đoàn lớn và nhỏ, các đội giàu và nghèo, chuyên nghiệp và phong trào, được coi trọng hơn.

Nhiều giá trị đó vẫn còn đứng vững ở EURO 2016 này, nhưng những thách thức cũng đang lớn dần lên. Sự đối lập rõ ràng nhất là ở chủ nhà Pháp. Năm 1998, họ đã VĐTG với đội hình đa dạng về sắc tộc nhất trong lịch sử, đội bóng đã trở thành biểu tượng cho tình thần hòa hợp và rộng mở của nước Pháp hiện đại. Nhưng hình ảnh đó đã bị thử thách ghê gớm trong thời gian qua, nhất là sau những vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris.

TOÀN CẢNH hậu Brexit: Thủ tướng Anh sẽ từ chức; EU hối thúc đàm phán Brexit dù đau đớn

TOÀN CẢNH hậu Brexit: Thủ tướng Anh sẽ từ chức; EU hối thúc đàm phán Brexit dù đau đớn

Phần thắng tạm nghiêng về phe những người ủng hộ Anh ra khỏi "ngôi nhà chung" đang gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ và tài chính toàn cầu.


Hiện giờ, có vẻ như hình ảnh đa sắc tộc ở châu Âu thuộc về những đội bóng khác, như Đức, Bỉ, và Thụy Sĩ: những người Bắc Phi và Congo trong tuyển Bỉ, người Nigeria, TNK và Ba Lan trong tuyển Đức, và Thụy Sĩ thì gần như cả một đội hình là thế hệ thứ hai của những người nhập cư. Trong khi các đảng cực hữu và dân tộc đang ngày càng mạnh lên ở Tây Âu, bóng đá vẫn đang cố gắng khước từ khuyh hướng đó. Nhưng cũng giống như với xã hội, thách thức đang ngày càng lớn.

Khắp nơi, chủ nghĩa phát-xít mới đang trỗi dậy trên sân. Các CLB ở Đức, TBN và Thụy Điển đều có các phần tử như thế. Ở Đông Âu là chủ nghĩa bài ngoại cực đoan tại Nga, Ukraine hay Ba Lan. Sự phân biệt giữa bóng đá và chính trị đã không còn nữa khi Viktor Orban, vị thủ tướng Hungary đã dựng lên các hàng rào nhập cư, cũng là người tuyên bố sẽ làm hồi sinh bóng đá nước này, từng một thời là thế lực ở tầm cỡ thế giới, như một chính sách trọng tâm trong nghị trình của mình.

Tháng 11/2015, khi mà những người nhập cư đang tuyệt vọng đổ về Budapest, Orban ngồi xem một trận đấu với Romania ở vòng loại Euro 2016. Cũng ở trận đó, các nhóm phát-xít mới từ cả hai nước đã tổ chức thành băng đảng và tấn công người nhập cư ngoài đường phố, hết vang những khẩu hiệu bài ngoại và thù hận với người Hồi giáo. Sau đó cả hai nước phải chơi những trận vòng loại của họ không có khán giả, theo một án phạt của UEFA.

Câu chuyện 'báo hiếu' của anh em nhà Xhaka

Câu chuyện 'báo hiếu' của anh em nhà Xhaka

Điểm thú vị trong trận đấu giữa Albania và Thụy Sĩ tại bảng C của Vòng chung kết EURO 2016 chính là cuộc đối đầu giữa hai anh em Taulant Xhaka và Granit Xhaka.


Ở Anh, EURO 2016 diễn ra vào đúng thời điểm cuộc bỏ phiếu Brexit (rời hay ở lại EU) trọng đại đầy lo lắng kia, và thực ra với đảo quốc này, những vấn đề sắc tộc, quốc gia, hội nhập, liên hiệp chưa bao giờ tách rời bóng đá. Xứ Wales và Bắc Ireland đều tham gia giải lần này, và dù họ không đòi độc lập như Scotland (không qua được vòng loại), bản sắc của họ cũng đã được thể hiện qua từng trận đấu, để khẳng định rằng họ là một cộng đồng riêng biệt, không thể lẫn lộn với gã hàng xóm Anh giàu mạnh, đông đúc, nhưng cũng hay cá lớn nuốt cá bé.

Cuối cùng, phía đông châu lục, 3 quốc gia lớn nhất, Nga, Ukraine và TNK, cũng có mặt ở giải lần này, với những vấn đề chính trị che mờ bóng đá. TNK, chỉ qua được vòng loại trong gang tấc, đang ngày càng phụ thuộc vào những cầu thủ TNK sinh ra và lớn lên ở Đức, được đào tạo trong hệ thống huấn luyện số 1 thế giới của nước này. Bóng đá Ukraine thì cũng bị chia rẽ như tình hình chính trị nội bộ vậy, với 1/4 các đội chơi ở giải hạng cao nhất đã không thể chơi ở sân nhà thuộc vùng Donbas.

Bóng đá và EURO 2016, chỉ là một cuộc chơi, có thể giúp gì để hàn gắn những rạn nứt như thế đây?

Hải Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN