TTVH Online

Bóng đá diệu kỳ ở xóm trọ 'ung thư'

24/06/2016 05:51 GMT+7

Với người bình thường, một trận đá bóng đơn thuần có thể chỉ là kỹ thuật, toan tính và trên hết phải có ganh đua. Nhưng với những bệnh nhân ung thư thì 90 phút quả bóng lăn là khoảng thời gian mở ra một thế giới diệu kỳ rất riêng biệt.

(Thethaovanhoa.vn) - Với người bình thường, 90 phút của một trận đá bóng đơn thuần có thể chỉ là kỹ thuật, toan tính và trên hết phải có ganh đua. Nhưng với những bệnh nhân ung thư thì 90 phút quả bóng lăn là khoảng thời gian mở ra một thế giới diệu kỳ rất riêng biệt.

Xem EURO để còn nhìn thấy nhau

Hơn 22h đêm, các con hẻm gần bệnh viện Ung bướu TP.HCM trên đường Nơ Trang Long, hay Trần Văn Kỷ bắt đầu im phăng phắc. Thời điểm này người bệnh trong những khu trọ nghỉ ngơi sau một ngày điều trị mệt nhọc. Nhưng đây lại lúc các fan mê EURO bước vội tìm nơi xem bóng đá.

Quán cà phê nhỏ của anh Chí Tường trong con hẻm Trần Văn Kỷ luôn sáng đèn và bật sẵn chiếc TV màn hình lớn đúng lúc các BLV đang dự đoán trước trận Đức - Bắc Ireland. Theo anh Tường thì mùa bóng đá năm nay không “sung” như các năm trước, vì mỗi người ai cũng có chiếc điện thoại riêng để xem bóng đá.

Tuy vậy từ đầu mùa EURO đến giờ quán vẫn đông khách, đa phần là các bệnh nhân ung thư thuê trọ tụ đến. “Nơi này tập trung các bệnh nhân đang trong giai đoạn dưỡng sức nên có thể tự do đi lại mới coi đá bóng được. Chứ còn những ai đau nhiều thì buộc lòng phải nhập viện để bác sĩ theo dõi”, anh Tường chia sẻ.

Trò chuyện hồi lâu mới biết quán đông khách là nhờ tấm lòng rộng rãi hết cỡ của ông chủ với các chiến hữu banh bóng. Anh kể: “Bệnh nhân ung thư không có tiền đâu, có khi uống cà phê thiếu hoài à. Đôi lúc biết họ hôm nay đau nhiều thì pha thêm ly chanh nóng miễn phí nữa. Nhưng thôi kệ, có mấy ổng coi đá bóng với mình cũng đỡ buồn.”

Khi chỉ còn 15 phút nữa là bắt đầu vào trận, các tín đồ bóng đá đặc biệt bắt đầu đến quán và ngồi rôm rả trò chuyện cũng nhau. “Ông ốm ốm mê Bỉ đâu rồi?” hay “Ông An phẫu thuật rồi giờ đỡ chưa?”...

Những câu hỏi cứ dồn dập trong tiếng cười giòn như thể họ lâu ngày không gặp. Nhưng tiếng cười ấy nhỏ dần khi nghe thông báo về một thành viên trong hội vắng mặt vì trở bệnh nặng. Rồi nhóm tín đồ túc cầu đặc biệt này thay nhau thầm thì nhắc lại những cái chết của bạn bè nơi xóm trọ.

Có lẽ EURO là thời khắc để các bệnh nhân ung thư gặp mặt, thăm hỏi và quan trọng nhất là còn được nhìn thấy nhau. Như anh Tường nói: “Âu là cái số, còn được ngồi chung coi đá banh là vui rồi!”

Ramos, Alaba và Ibra có tên trong đội hình tệ nhất vòng bảng EURO 2016

Ramos, Alaba và Ibra có tên trong đội hình tệ nhất vòng bảng EURO 2016

Trên ESPN, cây viết John Brewin bình chọn đội hình các cầu thủ chơi tệ nhất vòng bảng EURO 2016.


90 phút diệu kỳ

Như ông An, 57 tuổi, quê ở Tây Ninh, đang điều trị căn bệnh ung thư dạ dày, vừa phẫu thuật xong chờ hóa trị là thành viên quen thuộc của quán. Ông cho biết: “Mấy hôm trước mệt trong người nên không theo dõi được trận nào. Tại thích Đức quá nên hôm nay mới ra quán. Xem EURO cho đỡ buồn chứ nằm trong phòng hoài chỉ có mệt thêm mà thôi.”

Cứ nghe đến câu hỏi khi nào về thì y như rằng anh Ngon, quê Hậu Giang, lại rơm rớm nước mắt. “Một năm rưỡi nay uống thuốc, lên tái khám nhiều lần. Tôi cũng muốn được về nhà hẳn, nhưng sợ lắm, bởi ai mà bác sĩ kêu về sớm là người ấy sắp chết rồi đó”.

Anh Ngon nói chưa hết câu, thì có tiếng la lớn: “Trời ơi, coi ông Muller kìa, bóng đụng xà mất rồi! Tệ thiệt!”. Sau tiếng la lớn đó, anh Ngon tươi tỉnh lại. Lắm lúc anh chỉ chỉ lên màn hình, vỗ đùi và cười thật tươi.

Những tiếng reo hò, cổ vũ và cả những lời thách đố làm náo nhiệt cả một góc hẻm. Trận đấu dần đi vào những phút cuối thì có ý kiến về trận lúc 2h sáng. Lúc đó anh Tường, chủ quán, mới cười và nói: “Còn người xem, quán còn chiếu. Các ông xem đến đâu tôi theo đến đó nha”.

Trang Ý
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN