TTVH Online

Chiến thuật & Lối chơi: Italy không hoàn hảo, nhưng...

22/06/2016 09:37 GMT+7

HLV Antonio Conte đã xây dựng một tập thể rất cứng rắn, giành trọn vẹn 6 điểm trong 2 trận đầu tiên vòng bảng. Họ vẫn còn những điểm yếu, nhưng nhìn toàn cảnh, đây chắc chắn là một ứng viên vô địch.

(Thethaovanhoa.vn) - HLV Antonio Conte đã xây dựng một tập thể rất cứng rắn, giành trọn vẹn 6 điểm trong 2 trận đầu tiên vòng bảng – điều mà Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Bỉ... không làm được. Họ vẫn còn những điểm yếu, nhưng nhìn toàn cảnh, đây chắc chắn là một ứng viên vô địch.

Xét về mặt lực lượng, Italy dự vòng chung kết EURO 2016 với những gương mặt không thực sự nổi bật, trừ hàng phòng ngự đậm màu Juventus. Tuy nhiên, họ lại đang gây ấn tượng đặc biệt về tính tổ chức cao trong chiến thuật.

Nối tiếp truyền thống Arrigo Sacchi

Dễ nhận thấy khi phòng ngự, các cầu thủ tuyển Italy sẽ co lại thành một khối đặc quánh trên sân nhà, dưới dạng sơ đồ 5-3-2. Phòng tuyến đầu tiên chính là 2 tiền đạo, những người sẽ đứng ngang vạch giữa sân. Chỉ trong khoảng 15-20 mét phía sau là 3 tiền vệ và 5 hậu vệ.

Khối phòng ngự này sẽ cùng nhau di chuyển theo 4 định hướng theo lý thuyết của Sacchi, gồm trái bóng, đối thủ, đồng đội và vị trí trên sân. Trong trường hợp đối thủ đưa được bóng về phía trước, họ sẽ cùng lùi về, nhưng cự ly giữa hàng hậu vệ và khung thành tối thiểu cũng chỉ khoảng 20 mét.

Không khó để nhận ra những chi tiết nói trên, bởi hệ thống phòng ngự của Italy luôn vô cùng rõ ràng. Đó là một dấu ấn của Antonio Conte, một người cũng theo “trường phái Sacchi”. Sự chặt chẽ nói trên giúp cho ĐT Italy không để hở ra những khoảng trống giữa các lớp phòng ngự. Ngoài ra, họ cũng sẽ dễ dàng hỗ trợ, bọc lót cho nhau nếu đối thủ rê dắt thành công.


Điểm yếu hệ thống phòng ngự của Italy

Chỉ ra điểm yếu của một hệ thống chưa hề để thủng lưới, đối phó thành công với các ngôi sao Bỉ cũng như Thụy Điển của Zlatan Ibrahimovic có thể là điều tưởng như khó hiểu. Trên thực tế, hệ thống của Conte không phải hoàn hảo, nếu không muốn nói là có những điểm yếu tương đối rõ ràng.

Vấn đề chủ yếu nằm ở bộ ba tiền vệ trung tâm. Bản thân họ không hẳn có lỗi, mà lỗi nằm ở hệ thống. Emmanuel Giaccherini, Daniele De Rossi và Marco Parolo đều là những cái tên giàu thể lực. Tuy nhiên họ không thể bao quát hết toàn bộ chiều ngang mặt sân. Và đây là nơi phát sinh ra những pha bóng nguy hiểm.

Cụ thể, họ vận hành như sau. Khi các hậu vệ biên của đối thủ có bóng, Giaccherini hoặc Parolo sẽ lập tức áp sát và tranh chấp quyết liệt. Tuy nhiên chính điều này sẽ khiến cho cự ly giữa họ và De Rossi bị kéo giãn, tạo ra một khoảng trống lớn ngay giữa hệ thống phòng ngự của Italy. Trong trường hợp De Rossi di chuyển sang để trám khoảng trống, chính vị trí của anh sẽ lại trở thành điểm hở.

Mặc dù các tiền đạo (Eder) đã rất cố gắng để hỗ trợ pressing biên, nhưng khoảng trống này là tương đối lộ liễu và đáng lo ngại cho Italy. Ở trận gặp Thụy Điển, họ đã nhiều lần bị khai thác điểm yếu này. Azzurri vẫn đứng vững nhờ trình độ cá nhân trội hơn hẳn so với đối thủ, dẫn đến chiến thắng trong những pha tranh chấp, cản phá cuối cùng. Nhưng trước những đối thủ rắn mặt hơn, họ sẽ cần suy nghĩ kỹ càng.

Bởi Italy là một ứng viên vô địch, thế nên họ chưa thể hài lòng khi làm tốt trước những hàng thủ kém chất lượng.


Chưa thể an tâm về hàng công

Kể từ đầu năm 2016 tới nay, Italy chưa bao giờ ghi quá 2 bàn/trận. Thực tế là ngoài chiến thắng 2-0 trước Bỉ vừa qua, họ cũng chỉ có 1 lần khác ghi được 2 bàn, nhưng là vào lưới Phần Lan nhỏ bé.

Có lẽ trận giao hữu gặp Scotland vào ngày 29/5 chính là minh chứng rõ ràng nhất cho chất lượng tồi của hàng công Italy. Giành chiến thắng 1-0 nhưng trước một đối thủ chủ động lùi sâu, nhường quyền sở hữu nhiều bóng, Italy đã hầu như không thể hiện được gì.

Chiến thắng trước Bỉ là thế trận mà Italy ưa thích: Họ chủ động phòng ngự, đối thủ chủ động cầm nhiều bóng và dâng cao. Khi ấy, thời cơ phản công sẽ mở ra. Ngược lại, khi phải rời khỏi “vùng an toàn” ấy, Italy tỏ ra khá bế tắc.

Khi Italy tấn công, hai hậu vệ biên của họ sẽ dâng lên cao nhất có thể, hai tiền đạo sẽ áp sát vòng cấm địa, hai tiền vệ trung tâm di chuyển tự do để liên kết nối chơi. Tuy nhiên Giaccherini và Parolo không phải những cái tên sáng tạo nhất. Thậm chí, Giorgio Chiellini đã nhiều lần phải dâng lên để phân phối bóng.

Kết luận

Hàng công tốt giúp người ta có một trận thắng, hàng thủ tốt giúp người ta có chức vô địch. Nếu gặp đối thủ nhỏ, Italy sẽ rất cần những khoảnh khắc tỏa sáng như của Eder trước Thụy Điển – thứ tình huống mà chính họ không thể đảm bảo sẽ xảy ra mỗi trận. Nhưng nếu gặp đối thủ lớn, Italy có thể tự tin hơn nhiều.

Dẫu vẫn còn những sơ hở trong hệ thống phòng ngự, nhưng tới nay họ vẫn chưa gặp vấn đề gì. Và nên khẳng định rằng sự nghiêm khắc và cầu toàn của Conte có thể sẽ giải đáp vấn đề này khi Italy đi sâu hơn vào giải đấu.

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN