TTVH Online

Federer cận kề tuổi 35: Ảo tưởng sức mạnh, đợi ngày 'đẹp trời' hay tình yêu mù quáng?

12/06/2016 16:25 GMT+7

Chỉ còn 2 tuần nữa Wimbledon khởi tranh (từ 27/6) và chưa đầy 2 tháng nữa Federer huyền thoại sẽ bước sang tuổi 35. Ở cái tuổi mà hàng loạt những huyền thoại quá khứ đều đã nghỉ đấu, Roger vẫn chưa muốn buông bỏ.

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ còn 2 tuần nữa Wimbledon khởi tranh (từ 27/6) và chưa đầy 2 tháng nữa Federer huyền thoại sẽ bước sang tuổi 35. Ở cái tuổi mà hàng loạt những huyền thoại quá khứ như Peter Sampras, Ivan Lendl, Bjorn Borg, Mats Wilander, Stefan Edberg hay Boris Becker đều đã nghỉ đấu, Roger vẫn chưa muốn buông bỏ. Một lần nữa chúng ta phải tự hỏi: Roger làm vậy có sáng suốt hay không? Động cơ thực sự của anh là gì?


Các fan của tay vợt vô địch Grand Slam 17 lần đều bảo Federer bây giờ đâu cần danh hiệu nữa. Rằng anh không thi đấu vì những chiếc cúp mà anh chơi vì tình yêu quần vợt. Nhưng có đúng là Roger không thèm muốn chiến thắng nữa không? Và tình yêu quần vợt có chắc chắn là chỉ đồng nghĩa với việc bắt buộc phải thi đấu đỉnh cao?

“Thua trận nào cũng đáng thất vọng nhưng thua khi bạn đang có match-point là một thất bại trong tấc gang. Tôi chỉ thiếu may mắn. Bây giờ tôi cần luyện tập chăm chỉ và hy vọng lần sau vận may gọi tên tôi”, Federer nói sau thất bại mới nhất trước Dominic Thiem ở bán kết giải Stuttgart Open, một giải nhỏ trên mặt sân cỏ mà anh dùng khởi động cho Wimbledon.

Đấy chỉ là minh chứng mới nhất để khẳng định nỗi buồn của Federer là có thực và anh đương nhiên là muốn thắng chứ không bao giờ vô cảm với thất bại. Federer đương nhiên là yêu quần vợt. Bàn cãi về chuyện đó là thừa thãi. Nhưng không có tay vợt nào lại yêu...thất bại. Cũng không có tay vợt nào lại vô cảm khi thua.

Bản năng của nhà vô địch là chinh phục và Federer là một nhà vô địch. Nhưng cho dù có yêu quần vợt cỡ mấy, Roger đâu có nhất thiết phải kéo dài sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp đến tuổi này mới thể hiện được điều đó?

Có nhiều cách khác để anh thể hiện tình yêu của mình, để anh vẫn gắn bó với môn thể thao đã đưa anh lên đỉnh cao danh vọng và mang lại cho anh cả một thế giới bất tận của niềm vui. Roger có thể trở thành HLV, có thể mở trường dạy quần vợi cho trẻ em, có thể mở trung tâm đào tạo, huấn luyện, phát hiện tài năng trẻ cho quần vợt Thụy Sỹ hay một quốc gia nào đó...

Làm thế anh vẫn có thể hít thở không khí quần vợt, vẫn được sống với môn thể thao mà anh yêu, thậm chí có nhiều cơ hội gặt hái thành công mới trong vai trò mới. Đâu có nhất thiết cứ phải thi đấu chuyên nghiệp mới thể hiện được tình yêu banh nỉ?

Tình yêu quần vợt đâu phải được đo đếm bằng thâm niên thi đấu chuyên nghiệp đâu? Nếu lấy đó làm tiêu chí để đánh giá mức độ của tình yêu và đam mê, lẽ nào chúng ta kết luận tất cả những Peter Sampras, Ivan Lendl, Bjorn Borg, Mats Wilander, Stefan Edberg hay Boris Becker đều không yêu quần vợt bằng Federer chỉ vì họ giải nghệ sớm hơn anh?

Nhưng đến lúc này Federer vẫn không muốn buông bỏ, bất chấp những thất bại liên tiếp. Vì tình yêu ư? Đấy là thứ tình yêu gì vậy? Yêu...chiến thắng hay thực sự là yêu quần vợt dù thắng dù thua? Thứ tình yêu mà chỉ cầm vợt bước ra sân đấu mới làm anh thỏa mãn? Chắc chắn người ta có cơ sở để tin rằng tự trong sâu thẳm của lòng mình, Roger vẫn đang mong đợi một ngày đẹp trời, ngày mà anh lại nâng cúp vô địch Grand Slam lần nữa.

Gần 4 năm trước, ngày đó đã đến trên mặt cỏ xanh ở All England Club khi Roger đánh bại Andy Murray tại chung kết Wimbledon. Với 30 tuổi 11 tháng, anh trở thành tay vợt nam già thứ 3 trong lịch sử vô địch Grand Slam. Nhưng hẳn là chiếc cúp ấy vẫn chưa làm Federer thỏa mãn. Anh muốn nâng cúp ít nhất một lần nữa và anh tin mình có thể làm được điều đó. Một bộ phận không nhỏ các fan của anh cũng tin và mơ như vậy.

Nhưng từ Wimbledon 2012 tới Wimbledon 2016 là 4 năm sắp trôi qua và Federer sắp già thêm 4 tuổi. Khát khao của anh còn nguyên đó. Đẳng cấp của anh là vĩnh viễn. Nhưng sức lực của anh có vẹn nguyên? Đầu năm nay Roger phải mổ đầu gối và lần đầu tiên trong sự nghiệp anh nghỉ đấu dài ngày. Tháng 5, Federer thông báo bỏ tiếp Roland Garros vì chấn thương. Chưa bao giờ Roger nhạy cảm với chấn thương như bây giờ.

Có phải ngẫu nhiên không khi ngay cả một người nổi tiếng với phương pháp luyện tập, nghỉ ngơi khoa học như Federer cũng bị đánh bại bởi...thời gian? Để thấy Wimbledon 2016 của Federer có thể khác với Wimbledon 2012 như thế nào, hãy thử lấy Djokovic làm thước đo. 2012 Federer thắng Djokovic ở bán kết Wimbledon trên đường vô địch. 2014, Djokovic hạ Federer ở chung kết sau 5 set. 2015, Djokovic hạ Federer ở chung kết sau 4 set.

Nhưng bây giờ Roger vẫn đang mơ một ngày đẹp trời. Ngày mà Nole vắng mặt, chấn thương hay mệt mỏi. Ngày mà Roger bỗng nhiên trẻ lại như chàng trai tuổi 22 nâng cúp ở Wimbledon lần đầu tiên thuở nào. Nhưng đây là giấc mơ của một Federer tuổi 35. Mơ về nơi xa lắm...

HT

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN