TTVH Online

Thư EURO: Người nghèo ở đâu mà chẳng có

09/06/2016 19:11 GMT+7

Ngay trên một số ngả đường sang trọng nhất của thủ đô Paris, bạn sẽ không khó bắt gặp những người ăn xin ngồi bên vỉa hè. Xung quanh dòng người nhộn nhịp qua lại, mấy ai quan tâm đến một thân phận cùng cực...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay trên một số ngả đường sang trọng nhất của thủ đô Paris, bạn sẽ không khó bắt gặp những người ăn xin ngồi bên vỉa hè. Xung quanh dòng người nhộn nhịp qua lại, mấy ai quan tâm đến một thân phận cùng cực, nhất là ở chốn phồn hoa như kinh đô ánh sáng.

Bây giờ thời tiết Paris đang ấm áp. Nhưng mùa đông, những người ăn xin ấy càng gian khổ.

Thế mới hiểu rằng, ở đâu cũng có người cơ cực. Những người am hiểu Pháp đều thừa nhận rằng, cách đây 10 năm, tỷ lệ người ăn xin ít hơn, và ít tập trung ở thủ đô Paris như hiện nay. Lý do, không chỉ ở Pháp, những người nhập cư bất hợp pháp, đã gia tăng nhiều hơn. Và thông thường, ăn xin phải đến ở nơi sang trọng, mới có cơ hội được cho nhiều hơn.

Những trường hợp bị đẩy vào cảnh khốn khó có nhiều nguyên nhân. Dân nhập cư chưa được hưởng quy chế hỗ trợ của chính phủ Pháp. Khi được cư trú hợp pháp, thì sẽ được hưởng nhiều chế độ bảo hiểu xã hội của Pháp bao gồm nhà ở, trợ cấp hàng tháng đến y tế, học trường công, cơ bản không mất tiền.

Có cả một số người Đông Âu cũ (người Rom), được tự do sang đây (khối Schengen) không phải ai cũng may mắn có được công việc ổn định. Có những người được hưởng một phần bảo hiểm xã hội nhưng chưa có điều kiện tự lập, tự phát triển, và cũng dễ bị đẩy vào cảnh đi ăn xin.

Tất nhiên với người dân bản địa, không ít người bị rơi vào cảnh vô gia cư, với nhiều lý do như lười lao động, bị rủi ro phá sản, bị cào bằng khoảng cách giàu nghèo. Tôi để ý, cũng cần phải thừa nhận, ăn xin ở Pháp rất lịch sự. Họ thường đứng ở ngã tư đèn xanh đỏ. Khi xe đỗ, họ tiến đến cạnh cửa xe, tay cầm cốc, đưa bảng nêu lý do khó khăn, ai cho tiền thì nhận, không cũng thôi.

Tỷ lệ người thất nghiệp ở Pháp vẫn giao động ở mức 10%. Pháp thời gian quá thâm hụt ngân sách vượt trần 3% của EU. Quỹ bảo Bảo hiểm xã hội bội chi, bị thâm thủng. Ngay khi trái bóng EURO gần lăn, giải quyết bài toán việc làm vẫn là thách thức với Chính phủ Pháp trong bối cảnh hàng trăm nghìn người xuống đường ở nước này phản đối dự luật cải cách lao động.

EURO lần này, nước Pháp cũng đang nỗ lực để chuyển biến tỷ lệ người thất nghiệp, và tạo nguồn cảm hứng mới. Năm ngoái, họ ước tính một dòng chảy ngoại tệ dự tính xấp xỉ 2 tỷ USD lợi nhuận chảy vào đất nước hình lục lăng. Tuy nhiên, lúc này, không quan chức, chuyên gia kinh tế nào dám ước lượng lợi nhuận gì từ việc tổ chức EURO cả. Trong bối cảnh khó hy vọng kiếm tiền ở EURO, bóng ma khủng bố vẫn còn đó, việc tổ chức EURO thành công, an toàn đã là may mắn, can đảm với người Pháp.

Nhưng với bản lĩnh của một nước lớn, có lẽ Pháp sẽ không quá khó để vãn hồi khó khăn.

Hữu Quý (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN