TTVH Online

Tuyển Anh: Mài ngọc chờ World Cup?

03/06/2016 20:43 GMT+7

Người Anh đang nói đến đội bóng trẻ nhất EURO 2016 mà họ mang tới nước Pháp, nhưng điều được chờ đợi hơn cả chính là đội bóng trẻ trung này sẽ tiến xa đến đâu trong tương lai?

(Thethaovanhoa.vn) - Người Anh đang nói đến đội bóng trẻ nhất EURO 2016 mà họ mang tới nước Pháp, nhưng điều được chờ đợi hơn cả khả năng Harry Kane giành Chiếc giày Vàng hay Rashford  mang đến những bất ngờ thú vị, chính là đội bóng trẻ trung này sẽ tiến xa đến đâu trong tương lai?

1. Những hạt mầm như tiền đạo 18 tuổi của Man United luôn cần được vun trồng và chăm sóc kĩ lưỡng. Giống như Rooney được hưởng cách đây 13 năm, người giờ đã là đội trưởng và là trụ cột của đội bóng xứ sở sương mù gần một thập kỉ qua.

Ông Roy Hodgson sẽ trình làng đội bóng trẻ nhất của Anh sau nửa thế kỉ, với 7 cầu thủ dưới 23 tuổi, không một đội bóng nào tham dự giải vô địch châu Âu có nhiều người trẻ đến thế, kể cả Đức. Đó có phải là tín hiệu của tầm nhìn dài hơi của Liên đoàn bóng đá Anh, hay đơn giản chỉ là sự ngẫu nhiên xuất hiện nhiều tài năng trẻ ở giải ngoại hạng mùa bóng này, đã đưa đến những lựa chọn đầy tươi mới như vậy?

Dù là lí do gì, thì việc cần làm với ông Hodgson cũng như bóng đá Anh là nuôi dưỡng lứa cầu thủ này thế nào, để đạt được mục tiêu cao nhất: Giành chức vô địch một giải đấu lớn. Xứ sở sương mù từng coi lứa của Gerrard, Lampard, Terry hay Rio Ferdinand là thế hệ vàng kể từ sau World Cup 1990. Nhưng những ngôi sao lẫy lừng đó, với tài năng, kinh nghiệm và bộ sưu tập thành tích đồ sộ ở câu lạc bộ, không tiến xa hơn vòng tứ kết ở các vòng chung kết EURO hay World Cup.

2. “Mọi người hỏi tôi đội nào sẽ vô địch EURO 2016, tôi đã chọn 3 Pháp, Đức và Tây Ban Nha. Vì sao tôi không đề cập đến đội tuyển Anh, chắc hẳn là bạn không bất ngờ”, cựu trung vệ Rio Ferdinand trả lời về cơ hội lên ngôi của đội nhà. Người Anh không thiếu những tài năng, thậm chí có cả thế hệ những người đã khuynh đảo giải ngoại hạng như David Beckham, Paul Scholes, Neville của Man United nhưng họ vẫn thiếu điều gì đó để có thể vươn tầm ở cấp độ đội tuyển.

Đầu tiên, người ta cho rằng vị trí HLV là hạn chế lớn nhất của đội tuyển và vời Goran Eriksson ngồi vào chiếc ghế thuyền trưởng trong 5 năm, nhưng không thu hoạch được bất cứ điều gì cả. Sau đó đặt niềm tin vào HLV người Ý Fabio Capello trong 4 năm từ 2008-2012 và kết quả không thay đổi.

Có nghĩa, HLV trưởng không phải là điểm yếu của bóng đá Anh, mà nội tại nền bóng đá này đã nảy sinh vô số vấn đề, bất chấp niềm tự hào sở hữu giải đấu hấp dẫn và cạnh tranh nhất thế giới. “Đội tuyển Anh cần học gì từ thành công của Leicester? Sự đồng lòng, một bầu không khí trong lành, niềm tin và triết lý chơi bóng có tính xuyên suốt, đó là những thứ mà chúng ta còn thiếu”, Ferdinand lí giải cho thất bại của bóng đá Anh thời gian qua.

3. Tây Ban Nha được hưởng lợi lớn từ triết lý tiki taka của Barcelona và những ngôi sao của Real Madrid gần 10 năm qua. Nhưng nếu nhìn vào chức vô địch EURO 2008, người ta còn thấy được đóng góp của Villarreal, Valencia và thậm chí cả Mallorca (Daniel Guiza). Nghĩa là người Tây Ban Nha trung thành với thứ bóng đá kĩ thuật được rèn giũa từ các học viện bóng đá trẻ và các cầu thủ đều ở đẳng cấp tốt nhất có thể đạt đến.

Nhưng trên hết, HLV Del Bosque đã tận dụng được hết lợi thế từ sức cạnh tranh giữa Barca và Real ở La Liga, để trui rèn kĩ năng thi đấu, bản lĩnh và nâng cấp trình độ các cầu thủ khác khi được đối đầu thường xuyên với những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới như Messi hay Ronaldo.

Người Đức thành công muộn hơn một chút, nhưng cuộc cách mạng bóng đá của họ được khởi xướng từ những năm 2000 và bây giờ là gặt hái thành quả. Lứa cầu thủ tài năng như Neuer, Mueller, Oezil hay Khedira được thử lửa từ World Cup 2010 tới EURO 2012 và lên đỉnh cao vào năm 2014. Đó là những bài học lớn để Anh tham khảo, và nếu Roy Hodgson có thất bại ở giải đấu này, thì hãy cho ông niềm tin để mài giũa những Rashford hay Kane cho mục tiêu xa hơn ở nước Nga.

Trần Dũng
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN