TTVH Online

Nhà văn Vũ Thiên Kiều: Trong văn chương, không có dòng chảy 'soái ca'

16/05/2016 13:30 GMT+7

'Việc sáng tác văn chương như quá trình tuần hoàn của nước trong thiên nhiên. Từ những ngồn ngộn thời tiết mưa nắng xanh đỏ, nhà văn với sinh bút chân thiện, chiếu rọi trong tác phẩm, gọi vang những giọt nước tinh khiết chưng cất...'

(Thethaovanhoa.vn) - “Việc sáng tác văn chương như quá trình tuần hoàn của nước trong thiên nhiên. Từ những ngồn ngộn thời tiết mưa nắng xanh đỏ, nhà văn với sinh bút chân thiện, chiếu rọi trong tác phẩm, gọi vang những giọt nước tinh khiết chưng cất rồi lại tỏa đi vào cuộc sống, cuộc người”, nhà văn Vũ Thiên Kiều chia sẻ.

Vừa trở thành hội viên Hội Nhà văn VN, Vũ Thiên Kiều vẫn tất bật trong hành trình viết và sáng rõ tâm trạng nghề văn khi chị hào hứng nói rằng thi ca là “binh đoàn” văn hóa tin cậy của dân tộc.

* Dành đến hàng chục héc ta đất cho một dự án văn chương “Chiêu Anh các” tại Kiên Giang tới đây, chị muốn gieo những “hạt giống” gì ở đó?

- Hạt giống tình yêu. Tôi muốn được mệt, được giữ gìn, “bung lụa” và trả nợ trong văn mạch ái tình ắp ứ cha ông truyền trì. Nói trước bước khó, tôi vẫn đang âm thầm chuẩn bị cho dự án văn chương của mình tại Phú Quốc, câu chuyện còn dài, không dễ chút nào, xin được khất nợ nội dung chi tiết.

* Thi ca kỳ diệu, trong cuộc chiến vệ quốc, những người lính thèm ngóng thơ ca được bắn lên điểm chốt để nương tựa?

- Người Việt mê thơ và lụy thơ lắm. Thơ tình mà hay thì tuyệt diệu. Ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai có tác giả Phạm Văn Khoát đã vinh danh truyện Kiều theo kiểu rất lạ, đó là dành hơn 3.000 m² để xây những lầu Ngưng Bích, Quan Âm các, mộ Đạm Tiên, các nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều, Kim Trọng, có tượng và nhà lưu niệm của đại thi hào Nguyễn Du.


Vũ Thiên Kiều trong lễ kết nạp Hội viên Hội Nhà văn VN

Đó là cách bày tỏ tình yêu với tác phẩm “như được làm bằng ánh sáng” mà không một người Việt nào không biết và ông gọi đó là Vườn Kiều của riêng mình.

Năm 2000, vị Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ - Bill Clinton mượn Kiều ngay tại Thủ đô Hà Nội “Sen tàn cúc lại nở hoa/ sầu dài ngày ngắn đông đà sang Xuân” để chạm ngõ, giao lưu, “cởi trói” những khác biệt với người Việt.

15 năm sau, Phó tổng thống Joe Biden còn lẩy Kiều ngay tại Nhà Trắng "Trời còn để có hôm nay/ tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời" để siết chặt sự ấm áp giữa hai bên, tô son tình cảm lên quá khứ một thời đầy máu và nước mắt.

Đặc tính của thi ca là biến đổi tương đối, trước kia khác, bây giờ khác và có thể sau này cũng sẽ khác đi. Nhưng trải qua hàng ngàn năm văn hiến hồn Việt, thi ca luôn mãi mãi là “binh đoàn” văn hóa tin cậy của dân tộc Việt.

* Xu hướng văn chương kiểu ngôn tình gần đây “vang rền” trong các ngày hội sách, trong khi những tập sách đoạt giải uy tín lại thường “mờ bóng bặt tiếng”, chị thấy ấm ức không?

- Tôi nghĩ đó là công việc của các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà phê bình, dù dưới giác độ hàn lâm hay báo chí. Trong thường nhật đời sống, dù ít hay nhiều ai cũng có những thống kê cho tâm hồn của mình, tâm hồn được ăn uống như thế nào, chọn món gì cho tâm hồn thưởng thức thực không dễ dàng.

Cũng như khi bạn đi vào chợ hay siêu thị mua thực phẩm, cứ mua thôi, còn đau bụng hay ê ẩm lại là câu chuyện khác, do dạ dày, do cơ địa, ăn quá no hoặc lo quá nhiều.

Thế nên đôi khi, tâm hồn ngộ độc, ngấm thuốc đen kịt rồi mới biết và gào lên tại sao không có cơ quan chức năng nào lên tiếng kiểm duyệt, ngăn chặn những thứ phù phiếm, vô bổ cho cuộc sống của chúng ta.

Người đẹp Vũ Thiên Kiều: Thắng giải truyện ngắn về đồng tính

Người đẹp Vũ Thiên Kiều: Thắng giải truyện ngắn về đồng tính

Bí mật trong căn buồng của người đẹp đất Kiên Giang đã giành giải Nhất cuộc thi về đề tài nhạy cảm này


Thời nào cũng vậy, có chính thư thì có ngụy thư, bạn phải tự phân biệt và tinh lọc cho mình. Tôi nghĩ đơn giản như thế này, bận tâm người khác là một chuyện, bạn sống và viết như thế nào mới là chuyện lớn.

Trong văn chương, không có dòng chảy “soái ca” nào cả. Dòng chảy nào đục sẽ không ai giặt giũ tâm hồn mình ở đó, chẳng có lý do gì phải tỵ nạnh, ấm ức với sách hay “hơi bị lung lay” và ngôn tình “hơi bị sôi nổi”.

* Nhiều người hài hước bảo Hà Nội có đến 5 mùa, trong đó “mùa kết nạp” thường xôn xao nhất, lời ra tiếng vào nhất. Đại hội những người viết văn trẻ sắp diễn ra tại Thủ đô, chị có câu thần chú nào cần bật mí khi qua cửa Hội Nhà văn Việt Nam một cách suôn sẻ hay không?

- Hãy bật lên ăng-ten và phát sóng tác phẩm. Trang phục cũng quan trọng, nhưng quý hơn là tạo ra trường khí hậu, miền năng lượng đẹp trong những sáng tác của mình.

Khi bạn ngủ, chẳng có ai chơi với bạn cả, ngoài quạt máy, tiếng ro ro của chiếc điều hòa nhiệt độ đang vất vả chạy và những giấc mơ không đầu, không cuối. Tỉnh thức và bước đi, dấu chân của bạn đã ở trên mặt đất rồi, điều quan trọng bây giờ thuộc về cái đầu, những ngón tay và bàn phím đang chờ rung lên.

Tôi chợt nghĩ rằng, như dòng chữ thú vị trên ngực áo của những cầu thủ xứ Samba rực lửa, “sinh ra là để chơi bóng đá”, người Việt dường như sinh ra là để... làm thơ. Làm thơ, viết văn dường như là tín niệm của không ít người Việt, tín niệm này là hơi thở sống còn, là nết ăn, giấc thức.

Hãy giữ cho mình tín niệm văn hóa đầy đặn vĩnh cửu đó, để yêu thương thực bụng: “vút qua những sấp ngửa/ mừng nhau bằng bình minh”.

* Có nghĩa nhà văn ít dị nghị đi, cần phải hướng xoay đến những điều tốt đẹp?

- Trước khi chết, có lần vua Phổ cầm tay Mozart và nói: “Ta tiêu biểu cho trật tự, người tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta mà nhắc nhở đến người”. Sự tử tế với nhau sẽ sinh thành những cái đẹp, cái đẹp sẽ nuôi dưỡng, mát xa cho những nhọc nhằn trong bến người, bến thơ chông chênh và quá đỗi âu lo.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Lãng Ma (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN