TTVH Online

UEFA Champions League: Cần bao nhiêu bước để tới... thiên đàng?

21/05/2016 07:35 GMT+7

Manchester City lần đầu vào tới bán kết UEFA Champions League sau nhiều năm tham dự cho thấy công thức để thành công ở đấu trường châu Âu mà trong đó chỉ tiền nhiều là chưa đủ

(Thethaovanhoa.vn) - Manchester City lần đầu vào tới bán kết UEFA Champions League sau nhiều năm tham dự cho thấy công thức để thành công ở đấu trường châu Âu mà trong đó chỉ tiền nhiều là chưa đủ.

Từ cúp C1 đến Champions League

Chỉ cần một lần góp mặt trong trận chung kết là đủ để có chiếc cúp châu Âu trong phòng truyền thống? Feyenoord (1970), Aston Villa (1982), PSV Eindhoven (1988) và Red Star Belgrade (1991) đều đã làm được như thế. Và còn hơn thế: với Nottingham Forest (1979, 1980) hoặc Porto (1987, 2004), cứ bao nhiêu lần lọt vào chung kết là bấy nhiêu lần vô địch!

Quá dễ nhận ra khác biệt căn bản giữa hai thời kỳ của cúp châu Âu tầm CLB: ngoài Porto 2004 thì các trường hợp còn lại vừa nêu trên đều thuộc về thời kỳ "tiền Champions League". Bây giờ, người ta không cần phải có danh hiệu VĐQG để được tham gia giải đấu "của những nhà vô địch". Nhưng thật trớ trêu: kể cả khi luôn dễ dàng bỏ túi danh hiệu VĐQG, như PSG tại Pháp suốt 4 năm nay, ngôi cao ở Champions League vẫn cứ nằm ngoài tầm với của họ.

Chẳng bù cho Nottingham Forest trong cái thời kỳ mà chỉ riêng việc được dự cúp C1 đã là một trời khó khăn. Cứ phải vô địch trong nước mới được dự giải. Cả đời, Nottingham Forest vô địch Anh đúng 1 lần. Và họ lên ngôi "vô địch của những nhà vô địch"... đến 2 lần!

Đấy là một Nottingham Forest không có ngôi sao, lần đầu vô địch khi vượt qua AEK Athens, Grasshopper, Cologne, Malmo để nâng cao chiếc cúp C1, và ở mùa tiếp theo, tham dự giải bằng tư cách ĐKVĐ rồi vượt qua Oster, Arges Pitesti, Dynamo Berlin, Ajax, Hamburg để tiếp tục vô địch! Trên hết, UEFA không cam tâm trước thực tế: không có Forest này thì cũng có Forest khác ở cúp C1.


Nottingham Forest và chức vô địch năm 1979

Đấy là lý do vì sao Champions League ra đời, với sự đảm bảo có mặt của hầu hết các CLB mạnh nhất châu Âu, đảm bảo luôn cả chuyện các đội mạnh sẽ phải gặp nhau trong đại hội anh hùng.

Không có tiền, hãy quên đi chức vô địch Champions League

Chỉ 3 năm sau khi xuất hiện, tầm quan trọng của Champions League lập tức tăng vọt vì một yếu tố khách quan: "phán quyết Bosman" của Tòa Công lý châu Âu làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của bóng đá đỉnh cao. Cầu thủ có quyền tự do chuyển nhượng sau khi hết hợp đồng và giới hạn về số lượng cầu thủ nước ngoài ở mỗi CLB bị bãi bỏ. Thêm vào đó, UEFA không ngừng điều chỉnh theo hướng ngày càng mở rộng trận địa Champions League, đến mức một nước - thường là cường quốc bóng đá hàng đầu châu Âu - có thể cử đến 5 CLB tham dự giải đấu hấp dẫn này.

Đại diện của các nền bóng đá trung bình hoặc nhỏ và những đội không được liệt vào hàng ngũ "siêu CLB" ở các cường quốc đều hụt hơi trong cuộc đua trang bị lực lượng ở kỷ nguyên Champions League. Các ngôi sao hàng đầu thế giới tập trung hẳn vào một nhóm không nhiều các CLB "nhà giàu" là vì vậy. Khả năng tranh ngôi vô địch Champions League tất nhiên cũng thay đổi theo xu hướng này, không như thời kỳ còn cúp C1 nữa.

Cần những gì nữa, ngoài tiền?

Nhưng vẫn có nhiều đội có thật nhiều tiền, dễ dàng quy tụ  đầy đủ ngôi sao mong muốn, vẫn luôn trầy trật, không thể tiến xa ở Champions League? Chúng ta đang nói về Paris SG, về Manchester City cho đến trước mùa bóng này, hoặc Chelsea trong những năm đầu của kỷ nguyên Abramovich.

Ngay khi xuất hiện, Roman Abramovich lập tức "rải tiền" và Chelsea vươn lên vị trí á quân Premier League trong mùa đầu tiên (thành tích tốt nhất của đội này trong nửa thế kỷ). Vẫn chưa hài lòng, Abramovich thay HLV, chi thêm tiền, và Chelsea dễ dàng vô địch liên tiếp các mùa sau đó. Liverpool và Arsenal đều đã tuyệt vọng ở Premier League kể từ khi Abramovich xuất hiện, M.U cũng lao đao hẳn. Đấy là chưa kể giai đoạn giải này có thêm "nhà giàu" Manchester City. Lạ thay: Liverpool và M.U đều vô địch Champions League, còn Arsenal vào đến chung kết trong khi Chelsea lại chỉ là kẻ tầm thường ở Champions League cho đến trước năm 2008.

Giờ lại "đổi vai": dù là Chelsea đi nữa, cũng phải có lúc thoái trào ở Premier League, nhưng khi nhìn sang Champions League, họ đã là nhà vô địch và cũng từng là á quân. Manchester City thì khác, lần đầu tiên vào được bán kết (trong mùa bóng này). Chuyện của Paris SG ở giải Ligue 1 cũng rất giống Chelsea trước đây hoặc Manchester City hiện nay.


Chelsea cũng đã từng vô địch Champions League năm 2012

Về mặt chuyên môn, Champions League có thể thức khá "lằng nhằng", không đá vòng tròn tính điểm thuần túy như các giải VĐQG, cũng không đấu loại trực tiếp hoàn toàn như cúp C1 trước đây. Champions League đòi hỏi các ứng cử viên vô địch phải có khả năng chơi theo nhiều kiểu khác nhau, để thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Muốn vậy phải có HLV giỏi đã đành, nhưng còn phải có một sự quen thuộc nhất định, đặc biệt là phải có kinh nghiệm nữa. Kinh nghiệm "đau thương" càng tốt! Đấy là lý do vì sao các đội "nhà giàu" phải mất nhiều năm "làm quen" rồi mới tiến xa ở Champions League. Rõ ràng, Chelsea đi trước Manchester City và Paris SG trong vấn đề này.



Các nhà vô địch đều...

Kể từ khi Champions League ra đời (chính thức là mùa bóng 1992-1993, nhưng thật ra cúp C1 đã thay đổi thể thức như một sự thử nghiệm cho Champions League ở mùa bóng 1991-1992), có 4 đội lần đầu tiên lên ngôi vô địch châu Âu tầm CLB. Đó là Barcelona (1992), Marseille (1993), Borussia Dortmund (1997), Chelsea (2012). Hãy xem đâu là điểm chung giữa các đội vừa nêu.

Họ đều "rải tiền" mua sắm ngôi sao từ vài năm trước đó, và tiếp tục như thế ở thời điểm đăng quang. Dortmund kéo Sousa cùng các tuyển thủ Đức Riedle, Moeller, Reuter, Heinrich, Kohler, Sammer về từ "kinh đô bóng đá" Serie A. Barcelona được gọi là "dream team" với Stoichkov, Michael Laudrup, Ronald Koeman, trong cái thời mà người ta chỉ cho phép 3 cầu thủ nước ngoài thi đấu trên sân. Marseille với Boksic, Abedi Pele, Voeller cùng cả dàn tuyển thủ Pháp cũng là "dream team". Chelsea trong kỷ nguyên Abramovich thì không cần giới thiệu nữa.

Họ đều đang ở vào đỉnh điểm của cả một thời kỳ hoàng kim. Marseille đã có 4 chức vô địch Ligue 1 liên tiếp (5 lần nếu tính cả chức vô địch 1992, sau đó bị tước vì dàn xếp tỷ số). Barcelona cũng đang trên đường vô địch La Liga 4 lần liên tiếp dưới thời Johan Cruyff. Dortmund vừa vô địch Bundesliga 2 lần liên tiếp (trước đó họ... chưa bao giờ vô địch Bundesliga). Chelsea thì vô địch Anh 3 lần trong 6 mùa bóng (trước đó chỉ có 1 lần trong cả lịch sử tồn tại - khoảng 50 năm trước khi Abramovich xuất hiện).

Họ đã có thể vô địch cúp C1/Champions League, nhưng lại thua tức tưởi trước đó không lâu, với Dortmund là ngoại lệ duy nhất. Barcelona thua Steaua Bucarest ở loạt sút luân lưu trong trận chung kết cúp C1 năm 1986 ngay tại Barcelona. Marseille thua đối thủ "dưới cơ" Red Star Belgrade, cũng ở loạt sút luân lưu, trong trận chung kết 1991. Chelsea thì thua M.U trong loạt sút luân lưu ở trận chung kết 2008, kể cả khi "dẫn điểm" sau 4 quả đầu tiên.


MUA SẮM BAO NHIÊU CHO ĐỦ?


Trong 10 mùa bóng gần đây nhất, tổng giá trị bình quân (tức tổng giá chuyển nhượng của 23 cầu thủ trong danh sách) của nhà vô địch Champions League là 199,1 triệu bảng. Con số ấy nơi các đội á quân là 129,04 triệu bảng (chênh lệch gấp rưỡi). Ở mùa bóng 2013-2014, nhà vô địch Real Madrid có tổng giá trị cầu thủ cao hơn đội á quân Atletico Madrid gần 6 lần (415,5 triệu bảng so với 68,9 triệu bảng)!

Chỉ có 3 lần nhà vô địch Champions League có tổng giá chuyển nhượng thấp hơn đối thủ của họ trong trận chung kết. Hai trong ba trường hợp ấy là Barcelona (124,7 triệu bảng ở mùa 2010-2011 so với 202 triệu bảng của M.U; và 123,8 triệu bảng ở mùa 2008-2009 so với 188,7 triệu bảng của M.U). Nguyên nhân dễ hiểu: Lionel Messi và nhiều ngôi sao khác xuất thân từ lò trẻ La Masia có giá chuyển nhượng bằng 0). Trường hợp còn lại là M.U với tổng giá chuyển nhượng 161,4 triệu bảng so với 218 triệu bảng bên phía Chelsea trong mùa bóng 2007-2008. Ai từng xem loạt sút luân lưu 11m trong trận chung kết mùa ấy hẳn sẽ công nhận: may rủi là yếu tố lớn nhất quyết định danh hiệu vô địch.

Tuổi bình quân, quốc tịch hoặc thời gian gắn bó với CLB của các ngôi sao đều không có gì khác biệt khi so sánh nhà vô địch với đội á quân trong 10 mùa bóng gần đây. Ngoài giá chuyển nhượng, chỉ có một khác biệt đáng lưu ý nữa, đó là việc làm chủ các ngôi sao. Cả 10 đội á quân Champions League gần đây đều có khá nhiều - bình quân là 4,6 - cầu thủ thuộc dạng "mượn tạm từ đội khác" hoặc ký hợp đồng theo dạng tự do chuyển nhượng (lưu ý: dạng này khác với dạng cầu thủ do CLB tự đào tạo, như Messi ở Barcelona, dù đều không tốn phí chuyển nhượng). Con số tương tự nơi các nhà vô địch là 1,2!

Tân Gia

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN