TTVH Online

Đối thoại trực tuyến với người dân, Putin khẳng định Mỹ đứng sau vụ 'Hồ sơ Panama'

15/04/2016 14:25 GMT+7

Trong cuộc đối thoại trực tiếp qua truyền hình với người dân, Tổng thống Nga Putin cho rằng chính giới chức Mỹ đứng đằng sau vụ rò rỉ thông tin "Hồ sơ Panama" và các thông tin truyền thông được đưa ra nhằm gieo những hoài nghi về các cá nhân.

(Thethaovanhoa.vn)  - Trong cuộc đối thoại trực tiếp qua truyền hình với người dân diễn ra hôm qua, Tổng thống Nga Putin cho rằng chính giới chức Mỹ đứng đằng sau vụ rò rỉ thông tin "Hồ sơ Panama" và các thông tin truyền thông được đưa ra nhằm gieo những hoài nghi về các cá nhân.

Vào lúc 12 giờ (giờ Moskva) ngày 14-4-2016, tương đương 16 giờ cùng ngày (giờ Hà Nội), tại Cung điện Gostinyi Dvor ở thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành đối thoại trực tiếp qua truyền hình với người dân. Đây là lần đối thoại trực tuyến thứ 14 của ông Putin với người dân Nga, cả trên cương vị Tổng thống lẫn Thủ tướng.


* 2,5 triệu câu hỏi của người dân

Chương trình đối thoại trực tuyến của Tổng thống Nga Vladimir Putin với người dân được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình hàng đầu của Nga như Kênh 1, Rossya 1, Rossya 24... Ban tổ chức đã bắt đầu tiếp nhận câu hỏi từ ngày 7-4 và đã nhận được tổng cộng 2,5 triệu câu hỏi của người dân gửi về từ khắp đất nước.

Hình thức gửi câu hỏi là qua điện thoại cố định hoặc di động và người dân không phải trả tiền cho các cuộc gọi đó, hoặc gửi qua trang web của chương trình "moskva-putinu.ru". Tuy nhiên, trong chương trình năm nay, người dân có thể gửi câu hỏi thông qua một nhóm riêng gồm gần 100.000 người đăng ký.


2,5 triệu câu hỏi của người dân Nga được gửi tới Putin

Các chủ đề chính mà người dân Nga quan tâm bao gồm tình hình kinh tế đất nước, cách giải quyết các vấn đề đời sống và xã hội của người dân. Ngoài ra, về tình tình quốc tế, người dân còn quan tâm đến việc giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, quan hệ Nga-Mỹ, Nga-Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga-phương Tây, vấn đề hội nhập trong không gian Á-Âu...

* Giải đáp của Putin

Trong phần đầu của cuộc đối thoại, người đứng đầu Điện Kremlin đã giải đáp những câu hỏi hóc búa của người dân, đó là tình trạng đường xá xuống cấp, lạm phát thực tế ở mức cao, hay thực trạng nền kinh tế Nga là "sáng sủa" hay "tối tăm".

Theo Tổng thống Putin, cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn chưa thể giải quyết, song đã xuất hiện các dấu hiệu tích cực.

Về vấn đề chống khủng bố, Tổng thống Putin cho rằng khủng bố vẫn là một mối đe dọa đối với nước Nga. Ông Putin nêu rõ: “Nguy cơ này vẫn luôn hiện hữu nếu các bạn không chú ý đúng mức đến cuộc chiến khủng bố. Chúng tôi cho rằng mối nguy nhiểm cũng như thảm họa này ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trên khắp thế giới, cả ở Trung Đông, châu Á, Mỹ, các nước châu Âu".  Tổng thống Nga cũng cảnh báo nếu không đấu tranh chống khủng bố, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ ngày càng gia tăng hoạt động.

Đề cập tới vấn đề Syria, Tổng thống Putin khẳng định, tuy Nga rút các đơn vị chủ chốt khỏi Syria song quân đội của nước này vẫn đủ mạnh và đã chiếm lại nhiều thành phố then chốt. Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ hy vọng cuộc khủng hoảng Syria sẽ được giải quyết bằng một tiến trình hòa bình thay vì vũ lực.

Ông nhấn mạnh: Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để cải thiện tình hình ở Syria". Theo Tổng thống Putin, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria, danh mục đơn đặt mua vũ khí Nga đã tăng mạnh, Nga hiện chiếm vị trí thứ 2 "vững chắc" trên thị trường vũ khí. Năm 2015, doanh thu bán vũ khí của Nga đạt 14,5 tỷ USD, và danh mục đơn hàng trong những năm tới lên tới 50 tỷ USD.

Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga sẽ không cắt giảm việc mua sắm vũ khí cho quân đội.

Đề cập tới quan hệ của Nga với các nước láng giềng Ukraine, Moldova, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin cho rằng Nga không nằm trong một "vành đai thù địch". Tổng thống Putin xem Thổ Nhĩ Kỳ là nước bè bạn, người dân Thổ Nhĩ Kỳ thân thiện, nhưng "có vấn đề" với một số chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cho rằng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không đấu tranh với lực lượng cực đoan mà hợp tác với chúng.


Tổng thống Nga Putin trả lời các câu hỏi của báo giới

Liên quan đến câu hỏi khi nào Nga sẽ nối lại các chuyến bay tới Ai Cập và các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin cho biết hiện cả hai quốc gia này vẫn trong tình trạng bất ổn và nguy hiểm đối với công dân Nga do đó không thể hứa hẹn điều gì. Ông nhấn mạnh: “Chẳng có gì đảm bảo rằng du khách Nga sẽ an toàn khi tới đây. Chúng tôi vẫn phải cảnh báo công dân của mình rằng tới đó rất nguy hiểm”.

Đề cập tới tình hình tại miền Đông Ukraine, Tổng thống Putin cho rằng thực thi các thỏa thuận Minsk là cách giải quyết duy nhất. Ông cho rằng nguyên nhân xung đột là do chính quyền Kiev chưa thông qua qui chế đặc biệt cho vùng Donbass. Ông đề nghị phương Tây tích cực hơn trong việc yêu cầu Kiev thực thi thỏa thuận Minsk chứ không phải "lặp đi lặp lại" việc cáo buộc Moskva. Ông cho biết Nga muốn một nước Ukraine ổn định và thịnh vượng, và rõ ràng cuộc khủng hoảng tại Ukraine là do lãnh đạo không quan tâm tới dân chúng.

Về quan hệ với Mỹ, người đứng đầu nước Nga cho rằng Nga đã hợp tác tốt với Mỹ trong nhiều vấn đề như cuộc chiến chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vấn đề hạt nhân Iran, vũ khí hóa học ở Syria. Ông đề nghị Mỹ trong quan hệ với Nga không hành động trên quan điểm sức mạnh và tham vọng đế quốc.

Đề cập tới "Hồ sơ Panama", Tổng thống Putin cho rằng những thông tin thiếu cắn cứ về những tài khoản ở nước ngoài tại Panama là “hành động khiêu khích”. Nhà lãnh đạo nước Nga cũng cho rằng chính giới chức Mỹ đứng đằng sau vụ rò rỉ thông tin này và các thông tin truyền thông được đưa ra nhằm gieo những hoài nghi về các cá nhân.

Về cuộc xung đột tại Nagorny Karabakh, Tổng thống Putin cảnh báo rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm, và điều quan trọng là không để tình hình xấu đi. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng một giải pháp chính trị, thông quan thỏa hiệp. Theo ông, Nga quan tâm đến vấn đề Nagorny Karabakh bởi nước này có quan hệ thân thiện với cả Armenia và Azerbaijan .

Cuộc giao lưu trực tuyến của Tổng thống Putin năm nay diễn ra vào thời điểm nước Nga đang đứng trước cuộc bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện), và trong bối cảnh nền kinh tế Nga chưa thể “cất cánh” khi Nga vẫn chịu tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng giá dầu ở mức thấp tác động nặng nề tới thu nhập của người dân Nga.

Thanh Lâm (tổng hợp)

[Nguồn: TTXVN]

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN