TTVH Online

Mạt cưa, mướp đắng, máu mào gà và thịt bò

25/04/2016 08:26 GMT+7

'Lầu xanh có mụ Tú Bà/Làng chơi đã trở về già hết duyên/Tình cờ chẳng hẹn mà nên/Mạt cưa, mướp đắng đôi bên một phường' - (Truyện Kiều, Nguyễn Du).

(Thethaovanhoa.vn) -Lầu xanh có mụ Tú Bà/ Làng chơi đã trở về già hết duyên/ Tình cờ chẳng hẹn mà nên/ Mạt cưa, mướp đắng đôi bên một phường (Truyện Kiều, Nguyễn Du)

1. Dù ra đời hơn 200 năm trước, nhưng trong Truyện Kiều dường như có đầy đủ tâm tình của con người hiện đại, và cả những trái ngang mà cuộc sống đương đại đang bày ra.

Mỗi lần ăn mướp đắng – kho cá, nhồi thịt, hay xắt miếng rắc ruốc ướp đá – tôi hay liên tưởng đến cụm từ “mạt cưa, mướp đắng” trong 4 câu Kiều kể trên.


Thúy Kiều không những gặp kẻ “mạt cưa, mướp đắng” là Mã Giám Sinh, mà còn bị đem ra làm món hàng giả với thủ đoạn “nước vỏ lựu, máu mào gà”. Ảnh  "Truyện Thúy Kiều" (NXB Thế giới và Nhã Nam, 2015)

Đa số người ta giải thích sai. Mướp đắng ở đó không phải là quả mướp đắng (gọi là khổ qua) đang thành đặc sản thời nay, mà là loại mướp hoang, đắng nghét, không thể ăn được.

Mạt cưa mướp đắng là nhắc lại tích xưa, khi hai kẻ lừa đảo gặp nhau: người bán cám trộn mạt cưa gặp kẻ bán mướp đắng giả làm mướp thường. Hai kẻ đổi chác cho nhau, tưởng lừa được nhau, hóa ra cùng bị lừa. Mạt cưa, mướp đắng trở thành từ chỉ những kẻ lừa đảo.

Trong Truyện Kiều, Tú Bà – Mã Giám Sinh không chỉ lừa Kiều ở chỗ “Giả danh hầu hạ, dạy nghề ăn chơi” (giả tìm vợ lẽ, thực chất bắt đi làm ca ve), mà còn âm mưu lừa khách mua trinh giả của Thúy Kiều (Nước vỏ lựu máu mào gà/ Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên). Tóm lại, hai lần làm “hàng giả”.

2. “Dân chơi” xưa mới phải đề phòng thủ thuật “Nước vỏ lựu, máu mào gà” chứ người nông dân xưa, cái ăn còn thiếu, đấu cám quý như vàng. Cho nên lừa đảo đấu cám thành đấu mạt cưa là tội nặng lắm.

Thời giặc chiếm nước ta (giặc nào thì tôi cũng không tiện kể), còn lưu truyền câu chuyện: có người trộn mạt cưa vào cám mang ra chợ bán. Sỹ quan địch mua cho ngựa ăn. Ngựa lăn ra chết. Y bèn trói người bán hàng, nhét vào bụng ngựa, khâu lại rồi đem đi chôn sống.

Đó là tội ác của giặc. Nhưng xét cho cùng thì chúng ta cũng không nên cổ súy cho cái tội làm ăn lừa đảo, gian dối. Nhỡ người mua phải, ăn vào lăn ra chết thì là sẽ thành vụ... ngộ độc thực phẩm lớn. Nếu là thời nay, thì Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia sẽ vào cuộc, mang đi xét nghiệm... ADN để phân biệt cám với mạt cưa.

3. Nhân nói đến xét nghiệm ADN thực phẩm, lại phải nhắc đến thông tin cái Viện kể trên vừa tiến hành phân tích mẫu thịt bò - lợn. Kết quả: 44 mẫu thịt bò tươi thì chỉ có 35 mẫu là thịt bò “xịn”, còn lại 1 mẫu thịt trâu, 8 mẫu thịt lợn. Bên cạnh đó, với các mẫu xúc xích, giò bò thì hàm lượng thịt bò cũng là rất thấp, thậm chí có những mẫu tuyệt nhiên không có hoặc có phần trăm thịt bò hỏng ôi thiu.

Nghe thông tin về cái trò trét máu tươi lên thịt trâu đông lạnh để “hô biến” thành thịt bò ngoài chợ, tôi thấy nó nhơ bẩn như trò “nước vỏ lựu, máu mào gà”.

Như vậy chuyện lừa đảo “mạt cưa, mướp đắng” vẫn chẳng hề cũ trong thời đại ngày nay. Cái hành vi chấm máu tươi để

Vấn đề đặt ra là xét nghiệm để làm gì? Người dân có thể mua thịt, cá ngoài chợ, mang đến phòng xét nghiệm, lấy kết quả giám định ADN, rồi mới mang về nấu  nướng được không?

Chuyện nhập nhèm chủng loại, chất lượng thực phẩm chẳng riêng gì ở Việt Nam hay Trung Quốc, mà châu Âu cách đây 3 năm cũng nhức nhối nạn thịt ngựa giả thịt bò. Và người ta cũng phải xét nghiệm ADN để phân biệt.

Nhưng việc xét nghiệm ADN là để điều tra, chứ không phải là phương pháp để có thể áp dụng rộng rãi. Người tiêu dùng không thể có phương pháp nhận biết thực phẩm nào ngoài cách xem nhãn mác hoặc mua ở những quầy thực phẩm được kiểm định.

Khi đa số các thực phẩm bày bán ở nông thôn hay ở các chợ cóc chợ tạm của chúng ta đều theo kiểu chợ trời, tức không được đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không xác định được chỉ tiêu chất lượng... thì “mạt cưa” hay “mướp đắng” vẫn phải phụ thuộc vào cái gọi là “lương tâm” của người sản xuất và bán hàng. Hoặc giả ăn vào lăn ra chết như con ngựa của viên sỹ quan nói trên thì lúc đó mới có thể truy trách nhiệm bằng một cái án hình sự.

Bi kịch lớn nhất của Thúy Kiều bắt nguồn từ hành vi lừa đảo của hai kẻ “mạt cưa, mướp đắng” Mã Giám Sinh - Tú Bà. Bi kịch lớn nhất của chúng ta bây giờ, là phải tự phân biệt đâu là “mạt cưa”, đâu là “mướp đắng” trong bữa ăn hàng ngày.

Hy vọng, đến kỷ niệm 300 năm ngày sinh Nguyễn Du, chúng ta sẽ không còn phải lo bè lũ “Mạt cưa, mướp đắng đôi bên một phường nữa”.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN