TTVH Online

Thư châu Âu: Chuyện của những cụ bà muốn đi biển

17/04/2016 13:07 GMT+7

Câu chuyện này xảy ra hè vừa rồi ở Valdaone, vùng Tretino-Alto Adige, miền Bắc Italy, khi một nhóm các những cụ bà ở tuổi trên 70 tiến hành một chiến dịch gây quỹ để thực hiện được một giấc mơ lớn.

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,

Câu chuyện này xảy ra hè vừa rồi ở Valdaone, vùng Tretino-Alto Adige, miền Bắc Italy, khi một nhóm các những cụ bà ở tuổi trên 70 tiến hành một chiến dịch gây quỹ để thực hiện được một giấc mơ lớn: vì nhiều lí do khác nhau, nên lần đầu tiên trong đời, họ mới được đi tắm biển.

12 cụ bà thường xuyên sinh hoạt trong một nhà dưỡng lão ở đây quyết định làm một điều gì đó để thỏa ước mơ của mình mà không cần đến sự hỗ trợ của con cháu. Họ đặt tên cho nhóm của mình là "12 bà già ước mơ ra biển" và thực hiện một loạt các "chiến dịch" rất tham vọng để có tiền đi du lịch. Đầu tiên, họ cùng làm bánh ngọt và bán để lấy tiền gây quỹ.

Sau đó, họ làm và bán những tờ lịch treo tường theo kiểu vô cùng hài hước. Sau khi nhận thấy tiền thu được từ việc bán bánh và lịch là không đủ cho một chuyến đi tới một hòn đảo trên biển Adriatic, ở phía Tây của Croatia, với sự giúp đỡ của một nhà làm phim tài liệu, họ quyết định sử dụng internet để kêu gọi hỗ trợ về tài chính trên mạng indiegogo, vừa bán lịch treo tường, vừa quảng cáo các lớp tổ chức dạy nấu ăn và đề nghị mọi người giúp đỡ.


Vì nhiều lí do khác nhau, đến khi về già họ mới được đi biển

Mục tiêu của cả nhóm là quyên được 3 nghìn euro chi phí cho chuyến đi, nhưng chỉ trong một tháng kể từ ngày thỉnh cầu được đưa lên mạng, 305 người đã quyên được hơn 6 nghìn euro cho các cụ bà, đồng thời đăng kí sản phẩm của các cụ.

Trang Facebook của nhóm "12 bà già ước mơ ra biển" cũng gây được sự chú ý của cộng đồng. Số tiền thừa ra sau gây quỹ, các cụ bà đã để lại cho các cụ bà khác trong trại dưỡng lão của mình có cơ hội được đi tắm biển. Cũng như nhóm "12 bà già ước mơ ra biển", nhiều trong số các cụ ở Valdaone cũng chưa được ra biển lần nào trong đời.

Thực ra, việc những cụ già ở Italy nói riêng và Châu Âu nói chung làm những việc tương tự không phải ít. Những người đã về hưu, sau khi cống hiến một đời cho công việc và bây giờ là con cháu, rất ít khi ngồi không và rất sợ cái cảm giác ai đó coi họ là già và không còn có ích trong xã hội. Sự tôn trọng đối với một người cao tuổi rất khác với sự thương hại.

Tư duy này ở phương Tây hoàn toàn khác với tư duy của chúng ta ở nhà. Khi bạn chuyển tiền cho các cụ già có ước mơ đi biển, không phải vì bạn thương họ chưa từng được đi tắm biển mà vì bạn muốn ủng hộ ước mơ chính đáng ấy, và vì bạn thấy họ vẫn có thể làm được rất nhiều việc, từ tổ chức các lớp dạy nấu ăn nhằm quảng bá ẩm thực của Valdaone, một thung lũng không nhiều người biết đến ở Ý, cho đến làm các sản phẩm thủ công.

Không ai chỉ trích họ, không ai hỏi các con bà đâu mà bất hiếu thế, mà hào hứng quyên góp cho họ và ủng hộ ước mơ nhỏ nhoi trong mùa hè ấy. Các cụ cũng không ngửa tay xin tiền ai, mà chứng minh bằng sản phẩm để cho thấy họ xứng đáng được hưởng điều họ muốn và cho thấy, họ vẫn có ích với mọi người.

Khi nước Ý ngày càng trở nên già cỗi hơn, với việc tính cho tới cuối năm 2014, trung bình cứ 5 người Italy thì có 1 người trên 65 tuổi và số người trên 100 tuổi ở Italy cũng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2002, với hơn 6 nghìn người, lên 13 nghìn người vào năm 2013, thì ngày càng nhiều các cụ chứng minh rằng, họ vẫn có thể làm được những điều gì đó có ích và không phải là một gánh nặng cho xã hội.

Marcello, ông ngoại của một cô bé bạn con tôi ở lớp bơi gần nhà, có lần nói rằng: "Trong xã hội này, chỉ trừ những người quá kém cỏi và phụ thuộc, ai cũng muốn chứng tỏ họ có thể làm được một việc gì đó có ích cho mọi người và gia đình, kể cả các người già như chúng tôi. Nhiều người cao tuổi sống với con cái, nhưng có lương hưu và nếu cần chi bất cứ điều gì, chúng tôi tiêu bằng lương hưu. Tôi cũng không phàn nàn gì nếu con cái không chăm sóc chúng tôi. Chỉ cần hàng tuần chúng nó gọi cho tôi hoặc tôi gọi cho nó và thỉnh thoảng gặp nhau là ổn. Chúng nó có việc và cuộc sống của chúng nó phải lo rồi".

Marcello và vợ mình không ở với con gái. Một cặp vợ chồng già là bạn tôi cũng thế. Họ và rất nhiều người già ở Italy khác có một cuộc sống riêng hoàn toàn độc lập với các con về nhiều mặt, từ tài chính cho đến các quyết định khác cho cuộc sống.

Nhưng  hàng ngày, họ vẫn làm việc nhà giúp con gái, vẫn đi siêu thị mua đồ (các siêu thị ở Ý hàng ngày thường có rất nhiều cụ già đi mua đồ mà con cái), vẫn chở cháu đi bơi, đi học ngoại khóa, những cụ già trên 70 như một ông bạn già gần nhà tôi mới rồi vừa cùng vợ, người vừa kỉ niệm 50 năm ngày cưới với ông, bay sang tận Caribe để nghỉ ngơi. Cái cảnh các cụ già tay trong tay đi dạo trong công viên hay các bà già ăn mặc đẹp, sơn móng tay đỏ chót, là chuyện rất bình thường.

Một bà nói với tôi: "Già không có nghĩa là mọi thứ đã kết thúc. Cần phải đẹp, phải vui tươi và yêu đời chứ". Khi rảnh rỗi, các cụ tham gia các hoạt động văn hóa và thể thao trong một trại dưỡng lão ở gần nhà. Marcello bảo, nhiều cụ thích đến đấy hơn là ở nhà.

Nhưng bức tranh không thực sự sáng sủa. Mùa đông vừa rồi, truyền hình Ý có một phóng sự về những người già có lương hưu quá thấp. Nhiều cụ đã sống trong cả mùa đông mà không dám bật hệ thống sưởi vì sợ tốn tiền.

Một cuộc tranh cãi đã nổi lên không phải để tố cáo những đứa con bất hiếu đã không chăm sóc cha mẹ mà là để chỉ trích chính phủ và chế độ phúc lợi xã hội, với mức lương hưu quá thấp, khiến nhiều cụ không đủ sống trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế.

Câu chuyện về những người già ở Ý có lẽ còn dài. Thỉnh thoảng, trong những chuyến đi, tôi lại gặp những cụ già kê ghế bên cửa nhà lặng lẽ nhìn đời trôi qua.

Hẹn gặp lại anh chị trong các thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN