TTVH Online

Mong tân Thủ tướng sẽ có nhiều quyết sách đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội

06/04/2016 11:55 GMT+7

Đại biểu Bùi Thị An kỳ vọng sau khi được bầu, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ có kế hoạch, mục tiêu từng năm một. Ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng nên chú trọng vào vấn đề con người, cán bộ phải liêm khiết, chí công vô tư.

(Thethaovanhoa.vn) -  Ngày 6/4, Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng mới. Việc bầu Thủ tướng mới sẽ được tiến hành vào ngày 7/4.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang đọc tờ trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) kỳ vọng sau khi được bầu, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ có kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu từng năm một. Ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Thủ tướng nên chú trọng vào vấn đề con người, cán bộ phải liêm khiết, chí công vô tư.

Theo đại biểu, khi bộ máy cán bộ hoạt động hiệu quả, kỷ cương sẽ tốt hơn, kinh tế - xã hội mới phát triển bền vững, các vấn đề khác trong xã hội như phòng chống tham nhũng, tệ nạn… mới được giải quyết triệt để.

"Và điều tôi mong đầu tiên chính là tân Thủ tướng sẽ có đột phá ở việc tinh giản bộ máy, biên chế, bởi con người là quan trọng nhất trong mọi việc và máy móc có hiện đại đến đâu cũng phải có con người. Khi con người làm việc có hiệu quả, kỷ cương được đảm bảo tốt, môi trường trong sạch thì tất cả mọi việc sẽ tốt hơn", đại biểu Bùi Thị An nói.

Đồng thời, đại biểu Bùi Thị An cũng mong muốn, các vị Bộ trưởng của một số Bộ được bầu mới tới đây, cùng với việc trung thành với Tổ quốc, nhân dân, thì phải có tầm để dự báo, điều hành ngành của mình đạt hiệu quả. Coi tham nhũng là giặc nội xâm, vì vậy đại biểu Bùi Thị An rất kỳ vọng lời tuyên thệ của tân Thủ tướng về việc quyết tâm chống tham nhũng. Đây là một việc mà cử tri rất quan tâm, nếu giải quyết được sẽ tạo niềm tin rất lớn đối với nhân dân - đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá vai trò của Thủ tướng là rất quan trọng vì điều hành cả một nền hành pháp, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Do vậy, đây phải là người năng động, sáng tạo, có trách nhiệm cao trong từng lĩnh vực và điều hành sát sao, để làm cho cho các bộ, ngành, địa phương "nói phải đi đôi với làm", làm phải có báo cáo, kiểm soát, nói để đấy phải kiểm điểm, làm không hiệu quả phải kiểm điểm, sai phạm đến đâu xử lý đến đó - đại biểu nêu rõ.

"Chúng ta phải nghĩ một cách nghiêm túc, từng bước khắc phục yếu kém, không thể ngày một ngày hai được nhưng tôi cho rằng phải kiên trì", đại biểu Đương nêu.

Trong bối cảnh như hiện nay, đại biểu Đỗ Văn Đương mong tân Thủ tướng sẽ có nhiều quyết sách đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; chi tiêu ngân sách Nhà nước hiệu quả để nợ công giảm, bội chi giảm. Đặc biệt, Thủ tướng cần cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng những giải pháp thiết thực cả về pháp lý, chính trị và trên thực địa, - đại biểu Đương nhấn mạnh.

Quốc hội thực hiện quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ

Quốc hội thực hiện quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ

Trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, trong ngày 6/4, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ và thảo luận danh sách đề cử bầu Thủ tướng Chính phủ mới.


Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) tin tưởng Quốc hội chọn ra người có đủ kinh nghiệm, uy tín, tài đức để bầu làm Thủ tướng. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ mới, đại biểu thấy rằng Thủ tướng cần phát huy được kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ trước, đồng thời khắc phục ngay những hạn chế, bất cập đã nêu trong báo cáo của Chính phủ nhiệm kỳ cũ (có 8 vấn đề còn tồn tại), đặc biệt là chính sách đảm bảo an sinh xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Để khắc phục 8 vấn đề tồn tại đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, điều cần làm ngay sau khi kiện toàn bộ máy Chính phủ là vấn đề về con người. Tất cả là do con người, do đó phải củng cố lại bộ máy của các bộ, ngành, phải tuyển chọn đúng người, đúng việc. Có chính sách mà con người không thực hiện và không có chế tài xử lý thì không thể giải quyết được - đại biểu nói.

Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần chuyển sang nền hành chính phục vụ, đồng thời kiên quyết xử lý các vụ tham nhũng, từ đó bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhân dân. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để bộ máy đỡ cồng kềnh, đảm bảo thu nhập ổn định, giúp cán bộ công chức yên tâm công tác, tránh nảy sinh tham nhũng, phiền nhiễu làm mất lòng tin của nhân dân.

Đại biểu đề xuất cần rà soát, ban hành các văn bản, quy định cụ thể người đứng đầu phải chịu trách nhiệm gì, bởi đại biểu nêu một thực tế "chúng ta có hình thức biểu quyết tập thể, sau đó nếu sai đổ lỗi hết cho tập thể. Bây giờ các tập thể biểu quyết sai cũng phải xử lý cả tập thể đó, sau đó mới lọc ra ai chịu trách nhiệm nhiều, mức độ đến đâu". Trong xử lý tập thể, để tránh hình thức cần quy định trách nhiệm người đứng đầu của tập thể đó - đại biểu nêu rõ./.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN