TTVH Online

'Tuổi về hưu' của Công Vinh

03/04/2016 06:18 GMT+7

Nếu Hữu Thắng cầm đội tuyển từ năm 2017 thì chưa chắc anh sẽ có một Công Vinh giờ đang cháy hết mình. Và ngược lại, Vinh cũng chưa chắc sẽ có một năm cuối khoác áo đội tuyển ý nghĩa.

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu Hữu Thắng cầm đội tuyển từ năm 2017 thì chưa chắc anh sẽ có một Công Vinh giờ đang cháy hết mình. Và ngược lại, Vinh cũng chưa chắc sẽ có một năm cuối khoác áo đội tuyển ý nghĩa.

Có rất nhiều so sánh về Miura và Hữu Thắng, nhưng có một điều đặc biệt liên quan tới Công Vinh. Ở trận đầu tiên tại AFF Cup 2014, ông Miura đã cất Công Vinh trên băng ghế dự bị như một cách tạo động lực để rồi với 10 phút trên sân, Vinh có bàn thắng trong trận hoà 2-2 với Indonesia, rồi sau đó ông có một tiền đạo chủ lực.

Hữu Thắng không cần phải cất Công Vinh trên băng ghế dự bị để có một con hổ đói săn mồi. Hữu Thắng tuyên bố ngay sau trận đấu tập đầu tiên của đội tuyển, rằng Công Vinh là một trong hai cầu thủ có thể giúp cho đội tuyển mạnh hơn. Người còn lại là Văn Quyết vốn đang chịu án kỷ luật của Liên đoàn nên cách nói của Hữu Thắng với cầu thủ này có thể được suy luận là có chút “phi chuyên môn thuần tuý”.

Cũng cần phải nói thêm, Công Vinh không phải là một tiền đạo lấy những lời ca tụng làm động lực. Với một người tự nhận là đi lên từ gian khó, luôn phải chịu những so sánh thì thách thức mới tạo ra động lực.


Công Vinh sẽ còn gồng mình lên chơi ở đội tuyển nốt năm nay - Ảnh: Quốc Khánh (TTXVN)

Vậy mà Công Vinh đã cày ải cật lực và đạt hiệu suất không tưởng: Ghi 5 bàn sau 2 trận. 3 bàn vào lưới Than Quảng Ninh lúc đá tập và 2 bàn vào lưới Đài Loan. Lúc này, Công Vinh 31 tuổi, “già” thứ hai ở đội tuyển, chỉ sau Đình Luật 32.  

Ở trận lượt đi với Iraq thứ tạo ra động lực cho Công Vinh là những chỉ trích về phía đội tuyển trước trận (chủ yếu do thua Thái Lan 0-3). Để tới mức sau khi đội tuyển có một kết quả thuận lợi sau đó (hoà 1-1 với Iraq), tiền đạo này gọi những người chỉ trích là “anh hùng bàn phím”.

Và trên đất Iran, nơi đội tuyển chơi trận đấu cuối cùng ở vòng loại World Cup và vòng loại Asian Cup 2019, động lực chỉ đơn thuần là để đội tuyển tiếp tục chạy đà cho AFF Cup 2016 mà HLV Hữu Thắng đã nhận chỉ tiêu phải vào tới chung kết (điều mà HLV Miura không làm được).

AFF Cup có thể là giải đấu cuối cùng trong màu áo đội tuyển của Công Vinh – cơ hội cuối cùng để tiền đạo này. Cuối mùa 2015, khi cùng Bình Dương vô đich V-League, Công Vinh tuyên bố sẽ giải nghệ trong năm 2017. 2016 là năm của đội tuyển. 2017 là năm của các cầu thủ từ 22 tuổi trở xuống với giải đấu lớn nhất là SEA Games.

Có lẽ, khả năng giã từ ấy là thật. Vì hợp đồng của HLV Hữu Thắng cũng chỉ kéo dài hai năm nếu như VFF và anh không đồng ý gia hạn.

Đội tuyển này là của Công Vinh?

Giải đấu cuối cùng có lẽ cũng là cơ hội cuối cùng để Công Vinh toả sáng khi đội tuyển gần như là sân khấu lớn nhất, khả dĩ nhất để tiền đạo sinh năm 1985 này có đất diễn với vai trò của một số 9 thực sự.

Ở Bình Dương, câu chuyện về vị trí và vai trò của Công Vinh là một câu chuyện không hẳn lý tưởng: Vinh không đeo băng đội trưởng mà nó thuộc về Anh Đức. Vinh không đá ở vị trí trung phong mà nó cũng thuộc về Anh Đức.

Anh Đức cả sự nghiệp cũng có những mùa toả sáng ở V-League nhưng phải tới khi Vinh đến thì Đức mới… giành Quả bóng Vàng Việt Nam. Mùa này, Anh Đức đá chính trên mọi mặt trận (từ V-League tới Champions League châu Á) và luôn là sự lựa chọn hàng đầu để đá penalty thì Vinh được sử dụng cầm chừng và vẫn chưa có được bàn nào cho Bình Dương. Và khi cả hai cùng là trung phong nhưng Anh Đức được đá cắm còn Công Vinh thì phải đá lệch biên.

FIFA ca ngợi Công Vinh - Thủy Tiên là 'Beckham - Victoria của Việt Nam'

FIFA ca ngợi Công Vinh - Thủy Tiên là 'Beckham - Victoria của Việt Nam'

Lê Công Vinh là ngôi sao hàng đầu của tuyển Việt Nam. Tiền đạo 30 tuổi là biểu tượng của bóng đá Việt Nam, là cầu thủ ghi bàn hàng đầu cho ĐTQG với 42 bàn/71 trận.


Ông Lê Thuỵ Hải là người đầu tiên xếp Công Vinh ở vị trí đó thì dư luận nghi ngờ đó là vì HLV người Hà Đông biết Anh Đức từ nhiều mùa trước. Nhưng đến thời ông Mai Đức Chung và nay có Giám đốc kỹ thuật là Đặng Trần Chỉnh thì điều ấy cũng chưa thay đổi.

Hữu Thắng là một trong số không nhiều những HLV sử dụng Công Vinh ở vị trí trung phong chứ không phải là đẩy anh sang cánh trái hay đá hộ công.

Năm 2004, Công Vinh được ông Tavares xếp đá cánh trái, Bảo Khanh cánh phải còn Huỳnh Đức đá cắm. Năm 2005, ông Alfred Riedl ưa thích sơ đồ 4-4-2 và Công Vinh luân phiên với Phan Thanh Bình đá cặp với Văn Quyến. Năm 2007, ở đội Olympic Việt Nam vào tới vòng loại cuối cùng , HLV Mai Đức Chung (làm thay ông Riedl) xếp Vinh đá hộ công còn Thanh Bình đá cắm. Năm 2008, ông Calisto lại đưa Công Vinh sang cánh trái còn trung phong là vị trí dành cho Việt Thắng.


Công Vinh tiếp tục được HLV Hữu Thắng tin tưởng ở vị trí trung phong.Ảnh: V.S.I

Công Vinh chơi ở vị trí nào cũng từ tròn vai tới thành công nhưng chưa khi nào giấu giếm rằng đá cắm mới là vị trí ưa thích nhất. Nhưng, giữa HLV Hữu Thắng và Công Vinh không chỉ là câu chuyện vị trí mà những cột mốc trong sự nghiệp của cả hai còn có sự gắn bó.

Bóng đá Việt Nam chứng kiến Công Vinh nổi lên từ năm 2003. Vinh lúc ấy tranh thủ khi Văn Quyến lên tuyển, đã trở thành mũi nhọn của SLNA ở JVC Cup. Công Vinh ghi cả hai bàn trong trận chung kết (có tỉ số 2-1) trước CLB Perak (Malaysia), giúp SLNA vô địch.

Đó là màn trình diễn không được chờ đợi. Vì giải đấu được thiết kế cho đội tuyển U23 Việt Nam của ông Alfred Riedl với những Văn Quyến, Thanh Bình, Tài Em, Hữu Thắng, Thanh Phương… chuẩn bị cho SEA Games 2003 trên sân nhà.

Hữu Thắng dẫn dắt SLNA vô địch đã nhận giải HLV xuất sắc nhất. Công Vinh ãm hai giải cá nhân: Cầu thủ xuất sắc nhất và Vua phá lưới (4 bàn). Hữu Thắng lúc ấy cũng mới chỉ 32 tuổi. Còn Vinh 18.

Đó có thể coi là sự khởi đầu của cả hai: Công Vinh được gọi vớt vào tuyển U23, dù chỉ để sắm vai dự bị ở SEA Games 2003, nhưng kể từ đấy, chưa khi nào cầu thủ này đứng ngoài các đội tuyển Việt Nam dưới thời các HLV nội ngoại khác nhau. Còn Hữu Thắng khẳng định: một trung vệ nổi tiếng chơi bằng sức mạnh vẫn có thể thành công khi làm HLV.  

Sau này, khi Hữu Thắng về HN T&T mùa 2009 khi đội bóng này chơi khá tệ. Sự thành bại ở đó có thể là sự phán xét về việc liệu anh có đủ năng lực để thành công khi rời xứ Nghệ hay không thì Công Vinh đã ghi 14 bàn thắng trong cả mùa và HN T&T cán đích ở vị trí thứ 4. Hữu Thắng cứu xong HN T&T trở về xứ Nghệ với một vị thế khác hẳn. Thậm chí, nó cũng có ý nghĩa với Hữu Thắng trên cả bình diện làng bóng đá Việt.

Và khi Hữu Thắng lên làm HLV trưởng SLNA thì Công Vinh sau khi hoàn thành bản hợp đồng 7 tỉ với HN T&T đã về xứ Nghệ làm trụ cột. Họ cùng nhau làm nên chức vô địch cho SLNA ở mùa 2011. Mùa 2012, dù chỉ đá nửa giải, Công Vinh cũng ghi hơn chục bàn trước khi đi Nhật. Và khi Công Vinh không còn ở SLNA thì Hữu Thắng cũng không còn làm HLV trưởng nữa dù quyết định ấy đưa ra một thời gian sau.

Thật khó để nói rằng Công Vinh và HLV Hữu Thắng làm cho nhau mạnh lên, nhưng một thực tế là ý nghĩa về sự hiện diện của người này là đặc biệt quan trọng với người kia. Và vì thế, đội tuyển với họ lúc này thật đặc biệt!

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN