TTVH Online

Johan Cruyff: Sứ giả bóng đá duy nhất của Chúa trời

25/03/2016 09:44 GMT+7

Nếu có một người độc nhất không giống ai, thì đó là dấu ấn của cuộc đời Hendrik Johannes Cruijff, nổi tiếng với cái tên Johan Cruyff, vừa qua đời ở tuổi 68 vì ung thư phổi.

(Thethaovanhoa.vn) – Nếu có một người độc nhất không giống ai, thì đó là dấu ấn của cuộc đời Hendrik Johannes Cruijff, nổi tiếng với cái tên Johan Cruyff, vừa qua đời ở tuổi 68 vì ung thư phổi.

Cruyff xuất hiện đột ngột như sứ giả của Chúa trời, và trong đời mình chưa từng bị so sánh với bất cứ ai. Không như Lionel Messi luôn bị ví với Diego Maradona, hay Zinedine Zidane thường được đặt cạnh Michel Platini.

Tài năng độc nhất

Chẳng ai làm được những gì Cruyff đã làm: Cầu thủ mỏng cơm, mái tóc óng ả, xử lý bóng mềm mại và độc đáo, như một vị khách đến từ tương lai. Ông mặc số áo 14 trước đó thường chỉ thuộc về những cầu thủ dự bị.


Khi nói về một tài năng, ta thường tranh luận rằng đó là thiên bẩm hay do khổ luyện. Cruyff là sự kết hợp của cả hai: tài năng thiên bẩm với tốc độ, sức bền; và tài năng khổ luyện với những cú bứt tốc và giữ thăng bằng.

Kiểu lừa của ông đơn giản là hãm quả bóng lại chờ đối phương lao tới, nhưng Cruyff thực hiện nó thanh lịch như một nghệ sĩ múa ballet. Người ta nhầm tưởng “Cruyff turn” là động tác do ông  phát minh, nhưng chỉ là Cruyff thực hiện nó xuất sắc hơn bình thường mà thôi.

Cho tới khi Cruyff khoác áo đội tuyển Hà Lan, quốc gia này không vượt qua vòng loại giải đấu lớn nào kể từ Thế chiến 2, và khi ấy, Hà Lan không có CLB vô địch châu Âu.


Hiếm cầu thủ bóng đá nào thông minh như ông. Cruyff hiểu biết tường tận về không gian, rất nhạy cảm, để sau này khi thành HLV, đã biến hóa nó trở thành một triết lý. Với Ajax thời cầu thủ, Cruyff vô địch 3 cúp C1 liên tiếp, còn đội Hà Lan với ông vào chung kết World Cup 1974.

Bàn mở tỉ số trước Tây Đức trong trận chung kết giải đó, được ghi sau 14 đường chuyền mà không cho đối phương chạm bóng.

Không bao giờ thỏa hiệp

Những chỉ trích của Cruyff trong vai trò BLV sau khi giải nghệ khiến nhiều người phật ý và ông bị cho là kẻ lắm điều. Nhưng đó cũng là tính cách khiến ông trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bóng đá Hà Lan nhận thẻ đỏ (đấm một trọng tài, bị treo giò 6 tháng, thẻ phạt bóng đá ra đời ở World Cup 1970 tại Mexico).


Ông cũng gây tranh cãi vào cuối sự nghiệp khi gia nhập kình địch Feyenoord của Ajax. Trước chung kết Champions League 1993-94 gặp Milan, Cruyff khẳng định đội Barca do ông dẫn dắt “chắc chắn chiến thắng” và rồi họ thua 0-4.

Khi làm việc ở ban lãnh đạo Ajax, Cruyff không chịu thỏa hiệp với những nhân vật gạo cội cho “dễ sống”. Ông chỉ trích cầu thủ và HLV liên tục khiến người ta cho rằng Cruyff khinh miệt thế hệ đi sau. Đó cũng là một lý do khiến HLV Louis van Gaal sau này rất ghét ông.

Nhưng Cruyff là như thế. Ông không sống để hài lòng mọi người mà sống để khiến người khác nể phục mình. Từ Eusebio tới Franz Beckenbauer đều thừa nhận Cruyff là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá châu Âu. Ông đã giành 3 Quả bóng Vàng vào các năm  1971, 1973 và 1974. Năm mà ông không giành được nó, 1972, Cruyff đã ghi 33 bàn giúp Ajax trở thành đội bóng thứ hai trong lịch sử châu Âu giành một cú ăn ba.


Lên làm HLV, Cruyff thậm chí còn vĩ đại hơn. Ý tưởng bóng đá của ông trở thành một loại DNA cấy vào lịch sử bóng đá thế giới.

Arrigo Sacchi, người phát triển các nguyên tắc chiến thuật sau khi quan sát sự nghiệp bóng đá của Cruyff ở Ajax và tuyển Hà Lan nói: “Tôi học bóng đá từ khắp nơi, từ mọi thời kì, nhưng người Hà Lan là một mắt xích riêng biệt”.

Pep Guardiola từng nói với nhà báo Gabriele Marcotti rằng nếu không gặp Cruyff thì cao nhất ông chỉ thi đấu đến giải hạng… 3, và chắc chắn sẽ không trở thành một HLV như ngày hôm nay.

Cây phả hệ của triết lý Cruyff còn có Ronald Koeman, Ernesto Valverde, Marco Van Basten và Michael Laudrup.

Số cầu thủ và HLV xuất sắc hơn Cruyff có thể được kể ra quá hai bàn tay. Nhưng rất khó để tìm ra một người có tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn ông, cả trên sân bóng lẫn trên băng ghế chỉ đạo.

H.Đ
Theo ESPN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN