TTVH Online

Rock Việt tạm vắng… 'bão'

29/03/2016 11:30 GMT+7

Sự kiện rock thường niên RockStorm bỗng dưng tạm nghỉ năm 2015 làm dấy dư luận rằng thương hiệu Mobifone không còn quan tâm đến rock Việt nữa.

(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện rock thường niên RockStorm bỗng dưng tạm nghỉ năm 2015 làm dấy dư luận rằng thương hiệu Mobifone không còn quan tâm đến rock Việt nữa. Sự thật thì bí ẩn nhưng có một thực tế rằng công chúng rock ngày càng ít đi bất chấp những show tưng bừng tổ chức và “for free”.

Không còn “storm”

Khoảng trống RockStorm bỏ lại gần như lập tức được lấp đầy bởi những show diễn rock của những nhà tổ chức khác. Nhưng công chúng thì vẫn cứ vơi dần đi. Có thể thấy rõ, các nhà tổ chức âm nhạc đúng nghĩa đang ly khai với khái niệm “khán giả sinh viên”.

Nói cho trắng, sinh viên là đối tượng tiềm năng mọi nhãn hàng cần đầu tư o bế từ lâu, nhưng âm nhạc là một nhãn hàng tự thân và xứng đáng có một vai trò lẫn vị trí tương đương trong các sự kiện diễn ra, thay vì đứng làm nền.

Sinh viên không thể là loại hình đầu tư vĩ mô với cộng đồng sáng tác và nghe nhạc ít ỏi. Và khi cộng đồng ấy không thật đủ khả năng chuyển dịch đam mê của mình thành hành động, hay là làm điều đó một cách thường xuyên, thì sinh viên tốt hết cứ gạt ra khỏi bài toán khán giả - trừ phi họ có quan tâm đủ tới âm nhạc.


Ca sĩ Viết Thanh của nhóm UnlimiteD tại chương trình Unite 08 của Tiger diễn ra vào năm 2008. Cộng đồng rock một thời gian dài được nuôi dưỡng bởi những thương hiệu và “for free” đã dẫn đến những hệ lụy rằng khi những nhãn hàng thấy rằng không thể “nuôi” rock Việt được nữa vì không còn mang đến cho họ lợi ích thương hiệu, khi ấy rock Việt không biết sẽ tiếp tục ra sao

Các nghệ sĩ nước ngoài với những cái tên rất lạ, như thường lệ, với cả những người trong giới, lần đầu đến Việt Nam bởi các nhà tổ chức có yếu tố nước ngoài như V Thrash Production hay First & Last Records, hoặc có tiền thân từ các nhóm đam mê đã có như Out The Run (đọc lái của “underground”), Hardcore Vietnam, đang tự tạo đà của riêng mình và bám rễ sâu hơn với một cộng đồng thưởng thức trẻ trung, thực sự hiểu biết hơn trước. Chưa từng có tiền lệ, Hardcore Vietnam đã có buổi chiếu giới thiệu những tư liệu về cội rễ của hardcore New York vừa mới đây tại TP.HCM.

Những trường hợp này chỉ cách đây vài năm thường dễ rơi vào sự hời hợt, ỡm ờ từ khán thính giả lẫn truyền thông cộng đồng, khi chưa từng xuất hiện một lần nào rõ rệt trên các bài viết nội bộ, hay liệt kê dưới dạng các ảnh hưởng đến âm thanh mà các nhóm nhạc trong nước theo đuổi.

Những buổi trao đổi hậu-forum diễn ra thường nằm đâu đó giữa các tranh cãi cũ kỹ từ định kiến, và những vô thưởng vô phạt của một lớp thưởng thức luôn nghe nhạc “lạ”, nhưng là lạ với những gì đang diễn ra xung quanh họ, lạ với thế giới. Nếu có thêm, đó là những giai thoại đậm màu cá nhân hơn kiến thức từ cộng đồng, và những cuộc ra đi của các tên tuổi trong giới trong hay ngoài nước.

Giai đoạn từ đó trở về trước cũng là giai đoạn đặc dị của những phủ sóng quá mức về nhạc rock của truyền thông trong nước, khi các thương hiệu lớn hãy còn ghé mắt và khoác lên cho nó những chiếc áo to kềnh so với thực năng của nó.

Từ Honda, Tiger, Sony Ericsson đến Mobifone, và những nhãn hàng quy mô nhỏ hơn, không có lý do gì từ chối thỏa hiệp từ chính những người yêu rock, lớn lên với nó và đã hình thành cho mình tiếng nói lên cộng đồng mà họ yêu-ghét.


Nhóm Titanium tại chương trình Rock Your Passion năm 2007, một chương trình cũng do Tiger tài trợ

Rock Việt trong những “bức tường”

Sau 2 album liên tiếp phát hành của Microwave cựu trào, và Bụi Gió, cận cựu trào, ở quãng cuối tháng 12/2015 đầu tháng 1/2016, sự kiện tiêu biểu là sự trở lại tưởng như ngoạn mục ngày 20/1 của Rock Fan Club, một trong những câu lạc bộ nhạc rock lâu đời nhất ở TP.HCM.

Với lượng khán giả dao động từ 300 tới 500, cho đội hình 7 ban nhạc trọn vẹn nhất thời điểm này, trong đó có cả hiện tượng đang được chú ý là nhóm Hạc San. Thế nhưng  số này thật sự vẫn chưa thỏa đáng so với những kỳ vọng từ ban tổ chức vốn quen thuộc với những sự kiện đông gấp nhiều lần mà họ đã từng tổ chức trước đây, khi “nghe rock” còn là một khái niệm thời thượng của hơn 10 năm trước.

Chuỗi show bán vé IMME như cú hích kế tiếp cho rock Việt, tưởng như mạnh mẽ không kém với những đầu tư khủng về tất cả trừ… danh sách ban nhạc biểu diễn.

Sau 2 show diễn định kỳ, IMME đã hái được sự đón nhận cực kỳ mờ nhạt của đám đông, với lượng khán giả thực mua vé chưa quá 100, và chưa kể một lần phải dời lịch diễn. Bị đổ vì truyền thông kém, IMME đang dùng tư duy agency quảng cáo để thu hút tài trợ vào buổi xế của những nguồn ngân sách nay đã không hào phóng vung tay cho những gì to tát, hào nhoáng đã lỗi thời. Đó có thể xem là một thất bại.

Rộng ra hơn, lối mòn ám lấy nhà tổ chức có yếu tố rock, cấp thương hiệu lẫn cấp tự phát, là trăn trở về một danh sách ban nhạc lên sân khấu khi mà mọi nhà tổ chức, chỉ cần có tiềm lực tài chính nhất định và sự thuyết phục (thường đi chung) đều có thể tiếp cận bình đẳng, và sòng phẳng.

Ghép chọn vội vàng, dễ dãi, sự cân nhắc nếu có của nhà tổ chức họa chăng là thứ tự biểu diễn từ tổ hợp những ban nhạc có âm thanh cho là gần gần như nhau, trong nỗ lực tỏ ra “hợp lý”, nếu như họ không đồng thời là nhà tổ chức những cuộc chơi cho chính mình như đã và đang xảy ra ở cộng đồng underground nhỏ bé, khuất vắng với truyền thông đại chúng.

Đơn vị tiêu thụ văn hóa, khi lượng tiêu thụ merch (hàng hóa chính thức của ban nhạc như đĩa, áo, poster, chữ ký) không thể thành tựu được, trở thành các show diễn, tự gồng tự gánh như giỏ trứng đầy. Và càng nhiều show diễn san sát nhau đồng nghĩa với sự dịch chuyển nguồn tài nguyên ít ỏi từ cộng đồng đổ vào một cộng đồng kín cho đến khi cùng kiệt. Bên ngoài, không quan tâm lẫn hứng thú, người xem chuộng đến cái mà họ tò mò hơn là mua vé đến với cái họ không thật quan tâm.

Bức Tường ở giữa

Bức Tường ở giữa

Sự ra đi của Trần Lập để lại một khoảng trống cho rock Việt, dù theo cách nhìn từ hướng nào thì khoảng trống ấy vẫn là có thật.


Phản ứng trước status của Phạm Tường An, ca sỹ của nhóm nhạc SagoMetal đăng trên Facebook cá nhân cảm thán về IMME, một nhân vật khác đã bình luận, tạm viết lại như sau: “Scene đâu chỉ duy nhất có show”.

Đúng vậy, theo chừng mực nào đó, scene là một tập thể, thu nhỏ từ xã hội, của những người cùng sở thích có thể tự và cùng nhau tạo những sân chơi riêng mình với người cùng sở thích, và tôn trọng và có hỗ trợ tối thiểu cho những nhóm sở thích khác bên trong nó. Truyền thông truyền khẩu quyết định tất cả sự lớn mạnh hay suy vi của cộng đồng, của scene, chứ không phải PR trên báo hay qua Facebook Ad.

Nhưng những lý tưởng ấy không thường, nếu không muốn nói không thể xảy ra trong giai đoạn gọi là hoàng kim của rock Việt, giai đoạn gắn chặt với cái tên “huyền thoại” Bức Tường.

Thiên Bình
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN