TTVH Online

Vì sao Pep Guardiola cực sợ bóng đá phản công?

16/03/2016 14:43 GMT+7

Trước Bayern Munich đêm nay, người ta đang kỳ vọng rằng Juventus sẽ áp dụng phương pháp phòng ngự chặt, phản công nhanh. Đó là lối chơi mà Pep Guardiola sợ nhất trên đời.

(Thethaovanhoa.vn) - Trước Bayern Munich đêm nay, người ta đang kỳ vọng rằng Juventus sẽ áp dụng phương pháp phòng ngự chặt, phản công nhanh. Đó là lối chơi mà Pep Guardiola sợ nhất trên đời.

Cách bóng đá vận hành

“Bóng đá là gì?” là một trong những câu hỏi mà Liên đoàn bóng đá Hà Lan từng đặt ra cho tổ cố vấn, nghiên cứu kỹ thuật của họ vào đầu thập niên 2000. Nhóm cố vấn ấy có sự góp mặt của cả Louis van Gaal, Guus Hiddink, Dick Advocaat, Leo Beenhakker – những gương mặt lừng danh của bóng đá Hà Lan.

Họ trả lời rằng bóng đá là một cuộc chơi gồm 4 giai đoạn lặp đi lặp lại liên tục. Nếu có bóng trong chân, đội của bạn sẽ triển khai tấn công. Nếu đội đối thủ có bóng, đội của bạn sẽ triển khai phòng thủ. Xen giữa hai giai đoạn tấn công và phòng thủ này là hai giai đoạn chuyển tiếp.

Ví dụ, một trung vệ có thể dâng đến gần vạch giữa sân trong giai đoạn tấn công của đội nhà. Khi đội nhà mất bóng, đó là giai đoạn chuyển tiếp, anh ta sẽ chạy lùi về. Anh ta dừng lại ở gần vòng cấm địa, cùng đồng đội dựng ra một hệ thống để chống đối thủ ghi bàn, đó là giai đoạn phòng thủ.

Tuy nhiên, sau khi giành lại được bóng, nếu để đối thủ chuyển tiếp ổn định về giai đoạn phòng thủ và dựng ra một hệ thống, việc ghi bàn dĩ nhiên sẽ khó khăn hơn. Và đó chính là lý do vì sao một số đội bóng cố gắng tấn công ngay trong giai đoạn chuyển tiếp.

Pep Guardiola: 'Tôi là fan của Bayern Munich'

Pep Guardiola: 'Tôi là fan của Bayern Munich'

Pep Guardiola nói ông cũng là “fan của Bayern Munich” và vui như bất kỳ ai trong số 75.000 CĐV của họ ở Allianz Arena sau khi chứng kiến Bayern đè bẹp Werder Bremen 5-0.

Nói cách khác, ngay sau khi giành lại bóng, họ sẽ tìm cách để lập tức đưa bóng về phía trước. Đó là thời điểm đối thủ chưa kịp dựng ra một hệ thống phòng ngự, và cơ hội ghi bàn sẽ cao hơn nếu có những cầu thủ giỏi ở tuyến trên. Người Hà Lan gọi đó là “tegenaanval”. Người Đức gọi đó là “gegenangriff”. Người Anh gọi đó là “counter-attack”. Người Việt Nam gọi đó là “phản công”.

Pep sợ phản công

Trên SVĐ Juventus ở lượt đi, thầy trò Max Allegri đã dựng ra một hệ thống phòng ngự 4-4-2 chặt chẽ, đúng chất Italy. Đi kèm với đó là ý đồ phản công mọi lúc có thể, với những mắt xích như Paulo Dybala, Mario Mandzukic, Juan Cuadrado. Nhưng rồi thì những cơ hội phản công cho Juve đã không đến nhiều như lý thuyết, hoặc không thể được thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Đó là vì Pep Guardiola yêu cầu học trò áp sát ngay lập tức để giành bóng khiến cho Juventus ngộp thở trước áp lực. Giành lại bóng ngay sau khi để mất là giải pháp bỏ qua giai đoạn chuyển tiếp, khiến việc phòng ngự dễ dàng hơn.

Pep đã nghiên cứu điều này và áp dụng nó cho cả Barcelona lẫn Bayern Munich. Ông bảo: Nếu phải phòng ngự theo một cách thông thường, Barcelona của ông sẽ là “đội thủ kém nhất thế giới”. Tương tự, Klopp là một tín đồ của việc triệt tiêu giai đoạn chuyển tiếp, trong cả thời gian dẫn dắt Dortmund hay hiện tại ở Liverpool.

Ông nói: “Thời điểm tốt nhất để giành lại quả bóng là ngay lập tức sau khi bạn để mất nó. Đối thủ đang phải nghĩ xem nên xử lý như thế nào, chuyền đi đâu. Hắn ta sẽ rời mắt khỏi không gian xung quanh và để tâm vào quả bóng khi hắn cướp từ chân bạn. Đó là lúc đối thủ yếu đuối nhất”.

Giải pháp của Juve là gì?

Tóm gọn lại, giải pháp chống phản công của Pep Guardiola ở trận này vẫn là giải pháp cơ bản nhất mà ông đã tập cho cầu thủ Bayern Munich. Ở Barca, một số kí giả gọi nó là “Quy tắc 6 giây”, còn cuốn “Pep Confidential” cho rằng, Pep yêu cầu cầu thủ Bayern giành bóng trong khoảng thời gian tối đa 5 giây.

Trên lý thuyết, nếu thể lực tốt, Bayern có thể thi triển giải pháp này rất hoàn hảo. Bằng chứng là 60 phút áp đảo Juve ở trận lượt đi và cầm bóng tới gần 70% thời lượng.

Nhưng trên thực tế, giải pháp tốn rất nhiều sức lực này khiến việc duy trì nó trong toàn bộ trận đấu là việc rất khó khăn. Đây đã là giai đoạn cuối của mùa giải, thời điểm các đội bóng của Pep dễ bị tổn thương nhất. Người Bayern phàn nàn rằng từ khi tiếp quản đội năm 2013, Pep chưa bao giờ có nổi tập thể lành lặn 100%. Ông mâu thuẫn với bác sĩ kì cựu rất có uy tín ở châu Âu Wohlfahrt, vì đội có quá nhiều cầu thủ chấn thương.

Vắng Dybala, cầu thủ nhỏ con có tốc độ cao, Juve mất đi một phương án phản công. Nhưng họ vẫn còn những cầu thủ như Morata có thể làm tốt giải pháp này. Quan trọng là, Juve phải chọn thời điểm thích hợp để bung sức, như trận lượt đi, Allegri thực hiện một loạt điều chỉnh trong 30 phút cuối giúp đội bóng ghi 2 bàn gỡ hòa 2-2.

6 Theo Guardiola, “counter-pressing” diễn ra hiệu quả nhất trong vòng 6 giây kể từ khi mất bóng vào chân đối thủ.

15 Để giúp các học trò chống lại “counter-pressing” từ đối thủ, Guardiola đã huấn luyện qui tắc 15 đường chuyền nhanh để giúp đội tránh mất bóng và triển khai tấn công mạch lạc.

61 Bayern đã có tổng cộng 41 lần gây áp lực nhằm cướp bóng của Juventus ở lượt đi. 61% trong số đó diễn ra trên phần sân của Juve.


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN