TTVH Online

Nguyên mẫu 'Người về từ cõi chết' còn khủng khiếp hơn LEO DiCaprio trong 'The Revenant'

29/02/2016 09:29 GMT+7

Bất chấp bị thương nặng tưởng như không qua khỏi và thiên nhiên khắc nghiệt, Hugh Glass - một thợ săn lão luyện người Mỹ - đã sống sót trở về nhờ bản năng sống mãnh liệt.

(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp bị thương nặng tưởng như không qua khỏi và thiên nhiên khắc nghiệt, Hugh Glass - một thợ săn lão luyện người Mỹ - đã sống sót trở về nhờ bản năng sống mãnh liệt. 

Cuộc chiến sinh tồn của ông là cảm hứng cho nhiều cuốn sách, bộ phim mà mới đây nhất là phim được đề cử Oscar “The Revenant” (Người trở về từ cõi chết).

Bị bỏ rơi

Ai nhìn Hugh Glass cũng chắc mẩm ông đã đi đời. Chỉ cần nhìn những gì mà bộ móng vuốt dài 8 cm của con gấu cái để lại trên người thợ săn là biết. Những mảng da thịt ở đầu, mặt, ngực, cánh tay, bàn tay bị cào nát. Máu me be bét. Con gấu còn ngoạm cả vào vai và lưng Glass. Tất cả dấu hiệu sự sống chỉ là những quả bong bóng máu được hình thành từ vết rách ở cổ họng mỗi khi Glass thở. Ông sắp chết. Một gã ngốc cũng có thể nhận ra điều đó. Thế nhưng, cái cơ thể đó vẫn thở và thở nữa.

Hè năm 1823, Hugh Glass cùng cả đoàn thợ săn bất chấp mối nguy từ các bộ lạc ở Upper Missouri để tới được các con suối săn hải ly lấy da. Đoàn người gồm thiếu tá Andew Henry cùng các thợ săn, trong đó có Glass, đã bị thiệt hại lớn. Các bộ lạc thù địch đã tiêu diệt nhiều người trong số họ. Người da đỏ Arikara đã giết chết 15 người trong một cuộc tấn công ngày 2/6, buộc họ phải tháo chạy xuống thuyền xuôi theo sông Missouri. Đến tháng 8, 2/3 quân số đã chết, chưa kể nhiều người bị thương, trong đó có Glass bị thương do gấu tấn công.


Diễn viên DiCaprio trong vai Hugh Glass (trái) và hình vẽ Glass ngoài đời thật

Chỉ huy Henry đã ra lệnh cho nhóm người còn lại đi sát theo đoàn trên đường tới chỗ giấu đám lông hải ly dọc sông Yellowstone và yêu cầu họ không được nổ súng nếu không thật cần thiết. Ai cũng biết rằng gây sự chú ý có nghĩa là chết. Cho dù cẩn trọng như vậy nhưng họ cũng mất thêm hai người nữa do bị tấn công trong đêm. Hai người khác bị thương.

Trong đoàn người, một vài người đã nguyền rủa Glass vì ông đã nổ súng vào con gấu, tiếng súng có thể đã khiến thổ dân chú ý và lần theo dấu vết của họ. Trong khi đó, Glass vẫn còn thở cho dù ai cũng nghĩ ông không qua nổi đêm đó. Đoàn trưởng Henry ra lệnh chặt cành cây làm cáng và yêu cầu cả nhóm thay nhau khiêng Glass trong hai hoặc vài ngày nữa. Công việc khiêng Glass rất nặng nề, tốn sức trong thời tiết lạnh giá, đường khó đi.

Khi đến ngã ba sông Grand (ngày nay là Nam Dakota), Henry buộc phải đối diện sự thật. Ông có thể mất toàn bộ số người trong đoàn nếu cố tìm cách kéo dài sự sống cho một người được xem như đã chết. Họ sẽ để Glass lại để tự hồi phục nếu có thể, hoặc chết trong thanh thản. Tuy nhiên, Henry cần hai người tình nguyện ở bên cạnh Glass cho đến khi ông chết và chôn cất ông tử tế. Ông cho rằng quá trình chờ đợi này sẽ không lâu và hai người sẽ sớm đuổi kịp cả đoàn. Ông đồng ý trả mỗi người một khoản tiền tương đương vài tháng lương. Ông chờ đợi người tình nguyện ở lại nhưng tất cả đều im lặng.

Cuối cùng, một người lên tiếng và một người nữa. Đó là John S. Fitzgerald và cậu thanh niên Jim Bridger 19 tuổi. Dù nhỏ tuổi nhất nhưng Bridger phải tự nuôi bản thân và em gái. Không rõ động cơ là thực dụng hay vì sự cảm thương với Glass nhưng Bridger đã chấp nhận cái giá. Trước khi có người đổi ý, Henry và 7 người còn lại nhanh chóng đi tiếp.


Cuộc vật lộn giữa Glass với con gấu cái

Fitzgerald và Bridger ở lại với cơ thể bất động, đẫm máu của Glass trên cáng. Họ không thể làm gì giúp ông trừ việc cho ông uống vài giọt nước và xua lũ ruồi. Trời tối rồi lại sáng. Ở lại giờ nào thì nguy cơ bị người thổ dân da đỏ tìm thấy càng tăng. Họ cũng không thể làm gì cho bản thân ngoại trừ canh chừng đề phòng người da đỏ xuất hiện và đào sẵn một cái huyệt.

Thêm một ngày, một đêm nữa. Glass vẫn thở. Khả năng hai người đuổi kịp đoàn giảm dần. Thêm một ngày nữa, hơi thở của Hugh Glass khiến họ buộc phải dậm chân tại chỗ. Fitzgerald bắt đầu tính chuyện đi tiếp. Anh ta nói rằng họ đã ở lại lâu hơn Henry dự kiến và đã mạo hiểm hơn nhiều. Giờ là lúc cần cứu bản thân và sẽ không ai đổ lỗi cho họ. Cuối cùng, Bridger cũng đồng ý.

Hai người nhanh chóng thu đồ đạc. Trong lúc gói ghém đồ đạc, Fitzgerald còn muốn giữ nhiều thứ hơn là mạng sống của mình. Anh ta vừa muốn có số tiền thưởng và muốn có danh tiếng. Điều đó có nghĩa là họ phải nói với đoàn trưởng Henry rằng Glass đã chết và được chôn cất. Và trong mộ thì không ai cần súng hay dao, hay viên đá lửa làm gì. Nếu họ không lấy mọi thứ của Glass mang về, có người chắc chắn sẽ hỏi tại sao.

Bridger dù phản đối ý định tước đi mọi vật dụng của một cái xác không chỉ còn ấm mà còn liên tục rên rỉ, nhưng cũng không tìm ra được lý do gì để phản đối. Họ khiêng Glass ra gần chỗ có nước và bỏ đi, mang theo mọi dụng cụ Glass có. Điều họ không thể mang đi là những thứ quan trọng hơn: sự can đảm, cơn giận dữ trước sự phản bội của đồng đội, ý chí sống sót và trả thù. Tâm trí bên trong cái đầu bầm giập đang bừng bừng cơn sốt. Glass ngất đi tỉnh lại. Ông sắp chết. Trước kia, ông cũng từng ở tình cảnh sắp chết.

Hơn 5 năm trước ở làng Pawnee, ông bị trưởng làng treo lên, bắn hàng trăm mảnh gỗ thông vào người và sắp bị biến thành một ngọn đuốc sống. Glass sẽ là vật tế tiếp theo. Nhưng khi đến lượt, Glass đã nhanh trí rút một gói màu đỏ từ túi và bình tĩnh đưa cho trưởng làng. Món quà bất ngờ là thứ bột màu đỏ vừa hiếm vừa quý giá đã biến người đàn ông da trắng từ một vật tế trở thành một người được sủng ái. Những năm tháng ở với người Pawnee đã giúp Glass học được nhiều thứ. Những kỹ năng này liệu có giúp ông chiến thắng trong cuộc chiến sinh tồn?

Bản năng sống mãnh liệt

Giờ đây, Glass đối mặt với thử thách sống còn khủng khiếp hơn. Những khi đầu óc minh mẫn, ông trườn ra chỗ có nước. Khi tỉnh táo hơn, ông với tay hái quả dại từ bụi cây gần đó. Nghiền nát quả trong lòng bàn tay đầy nước, ông cố gắng nuốt được vài quả xuống cổ họng bị tổn thương nặng. Trong vài ngày liền, ông chỉ làm được có thế. Rồi may mắn đến với ông khi ông tỉnh giấc một lần và nhìn thấy một con rắn chuông ngủ đông ở gần đó. Ông với tay lấy một viên đá có cạnh sắc và giết chết con rắn. Cũng bằng viên đá đó, ông run rẩy lột da con rắn, băm thịt rắn sống đủ nhuyễn để có thể nuốt trôi.

Nhờ năng lượng từ thịt, Glass khỏe dần và quyết định đứng dậy. Ông gập đầu gối nhưng nhanh chóng thấy rằng mình không thể đứng nổi. Để lần theo dấu những kẻ phản bội mình trong thời tiết khắc nghiệt này là điều không thể. Glass chỉ còn một cánh tay và một chân còn khỏe. Nơi gần nhất có thể giúp ông là trạm lông thú của người Pháp ở pháo đài Kiowa xuôi sông Missouri. Ông bắt đầu bò dọc sông. Từng mét một. Khi quỵ xuống vì kiệt sức, ông nghỉ cho đến khi chân có thể tiếp tục lết và bò. Mũi ông sát mặt đất và cũng từ đất, ông tìm thấy thức ăn. Ông đào rễ cây và nhặt trứng chim. Khi tình cờ lết qua xác một con trâu, Glass tìm những đoạn xương còn tươi, đập ra và ăn tủy. Rồi ông bò được mỗi ngày một dặm, rồi hai dặm. Trong suốt quá trình, Glass chỉ tập trung vào điều ông có thể làm và nhất quyết không cho rằng mục tiêu của mình là bất khả thi, cho dù trạm lông thú cách đó 400 km.

Khi một bầy sói ngấu nghiến một con nghé gần chỗ Glass, ông cồn cào nhìn chúng xé xác con vật. Sau đó, ông lừa chúng chạy ra chỗ khác và ngấu nghiến ăn gan, ruột và quả tim chúng còn bỏ lại. Thịt sống giàu năng lượng giúp ông hồi phục nhanh. Trong vài ngày tiếp theo, ông ăn, nghỉ và ngày càng khỏe dần. Cái lưng bị gấu cào nát và không thể chạm tới để rửa nên đã bị nhiễm giòi. Các vết thương khác dần khô, đóng vẩy và lành. Và giờ Glass có thể đứng trên hai chân.

Trước khi tới Missouri, Glass đã trải qua những đêm băng tuyết lạnh buốt của tháng 10. Khi đi dọc sông, ông đã gặp một nhóm người Sioux tốt bụng. Họ đã giúp ông rửa vết thương ở lưng và giúp ông đi về pháo đài Kiowa. Glass gặp người Pháp đang đi thuyền ngược sông Missouri để mở lại tuyến đường buôn bán với thổ dân. Ông kể lại chuyện mình bị phản bội ra sao và lấy lại sức lực thế nào. Glass được họ cho một bộ quần áo mới và một khẩu súng trường giúp ông trả thù và được đi nhờ thuyền. Họ giúp ông tới gần hơn rất nhiều với pháo đài nơi mà Henry và đoàn ở tại Yellowstone.


Chặng đường Glass đã đi qua

Glass cho rằng mình sẽ gặp những kẻ phản bội ngược sông. Tuy nhiên, một tình huống bất ngờ xảy ra. Ngày 15/10/1823, 7 người Pháp trên thuyền đã bị thổ dân tấn công, chỉ có Glass và người phiên dịch Toussaint Charbonneau còn sống. Charbonneau sau đó bỏ đi trước. Một lần nữa vận may lại cứu Glass. Khi chiếc thuyền bị thổ dân Arikara tấn công, Glass được hai thổ dân Mandan cứu và đưa lên lưng ngựa chạy tới nơi an toàn.

Ngày 20/11. Lúc này, Glass đã khá an toàn tại pháo đài Tilton của Công ty Lông thú Columbia. Người ở đây rất sửng sốt trước câu chuyện của Glass nhưng cho biết nếu ông nhất quyết muốn đi xa hơn, họ chỉ có thể giúp đưa ông tới bờ đông của dòng sông. 400 km tới Yellowstone ông phải tự đi.

Glass vẫn quyết tâm tới nơi Henry và cả đoàn ở. Nhưng khi đi về phía tây bắc, ông gặp phải những cơn gió Bắc cực lạnh thấu xương và phải vận dụng mọi kỹ năng mới tìm đủ thức ăn để sống sót. Gần một tháng trời trôi qua, Glass cuối cùng cũng nhìn thấy bức tường của pháo đài nơi Henry và cả đoàn ở bên kia sông. Ông đi qua sông bằng hai miếng gỗ buộc bằng vỏ cây. Nhưng khi tới nơi, ông thất vọng khi không thấy khói bốc lên từ ống khói, bãi quây gia súc trống không, cả khu vực bị bỏ hoang. Dù thất vọng nhưng khi thấy dấu hiệu cho thấy Henry và cả đoàn đã đi về phía nam, Glass lần theo dấu vết.

Trở về

Năm 1823 đã kết thúc, năm 1824 vừa đến. Đó là lúc Glass lê bước vào khu vực mà Henry và đoàn dựng lên ở cửa sông Bighorn. Những người bên trong đang ấm áp, túy lúy đón năm mới. Họ không thể tin vào mắt khi nhìn thấy bóng người hốc hác trông như một xác chết đóng băng dễ sợ bước vào giữa phòng với khẩu súng trường. Tim họ thắt lại vì sợ. Nhưng chỉ một lát. Xác chết bắt đầu nói mình tên là Hugh Glass. Sự căng thẳng biến thành nhẹ nhõm, chúc mừng và một loạt câu hỏi.

Ai cũng vây quanh Glass trừ một người. Jim Bridger đứng như trời trồng vì sốc và sợ. Khi Glass trả lời mọi câu hỏi, Bridger trở nên xấu hổ. Khi Glass nhắc lại chuyện bị phản bội đã thôi thúc ông đi cả một quãng đường tưởng như không thể vượt qua để trở về trả thù, Bridger biết anh ta đã sai. Sự trừng phạt sẽ là sự dằn vặt lương tâm. Anh ta được tha thứ. Glass đã không thể bóp cò bắn Bridger.

Còn với Fitzgerald, Glass vẫn muốn trả thù vì chính anh ta là người thuyết phục Bridger bỏ mình lại bờ sông Grand trong khi ông vẫn sống. Nhưng đến lượt Glass sốc. Fitzgerald đã không ở đó nữa. Anh ta đã vào núi từ giữa tháng 11 năm trước với Moses Harries và một người thợ săn nữa. Họ chèo thuyền xuôi sông Missouri khi Glass đi ngược dòng mà không phát hiện ra. Có lẽ anh ta đã ở pháo đài Atkinson vào giờ này.

Ngày 28/2/1824, Glass bắt đầu cuộc hành trình. Ông cùng các thợ săn Dutton, E. More, A. Chapman và Mash đi về phía nam tới dòng sông Platte. Họ dựng thuyền và đi xuôi dòng Platte tới Missouri và pháo đài Atkinson. Khi nhìn thấy một trại lớn của người Pawnee ở cửa sông Laramie, họ dừng lại định đổi thức ăn. Dutton chờ trên thuyền trong khi Glass và mọi người đi gặp một vài người quen cũ của Glass.

Tuy nhiên, khi Glass nghe thấy một vài từ lạ, ông phát hiện ra họ không phải người Pawnee mà là thổ dân Arikara. Glass hét lên báo động. Cả nhóm chạy thục mạng, nhảy xuống sông để thoát thân. Glass bám được vào phía sau tảng đá phía xa và nhìn thấy More cùng Chapman bị hạ gục. Ông không biết hai người còn lại đâu. Ông chờ trong bóng tối hồi lâu mà không thấy ai và sau đó bỏ đi. Một lần nữa cô độc, ông hướng tới Missouri.

Vào tháng 5, Dutton và Marsh tới được Atkinson, thông báo rằng nhóm 5 người bị thổ dân tấn công và chúng đã giết chết More, Chapman và Glass. Một lần nữa họ lại đánh giá thấp Glass. Mặc dù ông mất khẩu súng và mọi thứ nhưng vẫn còn con dao, viên đá lửa và thanh thép. Glass tới pháo đài Kiowa đầu tháng 6. Vài ngày sau, ông tới Atkinson, thuật lại chuyện của mình và đòi cái đầu của Fitzgerald cùng khẩu súng anh ta đã cướp của ông trước lúc bỏ đi.

Fitzgerald đã ở pháo đài Atkinson nhưng anh ta đã tòng quân hồi tháng 4. Quân đội không cho phép một dân thường hành quyết một binh sĩ. Glass đành hài lòng với việc mình đã làm ô mặt kẻ phản bội. Ông lấy lại khẩu súng.

Sau đó, Glass gia nhập một hội buôn hướng tới Santa Fe. Trong 9 năm sau đó, ông tiếp tục làm thợ săn độc lập. Đầu năm 1833, thổ dân Arikara đã bắt được Glass và hai thợ săn khác ở Yellowstone rồi giết chết họ. Thổ dân bỏ đi cầm theo khẩu súng của Glass. Cuộc đời bi tráng của Glass đã chính thức chấm dứt.

Theo Thùy Dương/Tin tức

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN