TTVH Online

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015: Vinh danh cả 'lão làng' lẫn 'lính mới'

30/01/2016 12:14 GMT+7

Vừa kêu gọi độc giả tham gia đề cử tác phẩm hay, vừa xem xét các tác giả, dịch giả lão làng lẫn trẻ măng, Hội Nhà văn Việt Nam thể hiện nhiều nỗ lực đổi mới từ năm nay.

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa kêu gọi độc giả tham gia đề cử tác phẩm hay, vừa xem xét các tác giả, dịch giả lão làng lẫn trẻ măng, Hội Nhà văn Việt Nam thể hiện nhiều nỗ lực đổi mới từ năm nay.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, từ giải năm nay, công tác xét giải có vài thay đổi. Trước đây, các hội đồng có nhiệm kỳ 5 năm, bây giờ là 2 năm. Thành viên hội đồng phải thay đổi toàn bộ sau 2 năm để đổi mới cách nhìn. Như vậy, số lượng nhà văn tham gia đông hơn, cho cái nhìn đa diện hơn.

Đổi mới: độc giả đề cử sách hay

Năm nay, Hội còn đăng lên báo lời kêu gọi bạn đọc tham gia chọn lựa những cuốn sách hay. Như vậy, theo ông Thiều, giải sẽ không nặng về kinh viện mà thực sự gần gũi với đời sống.

“Tôi hy vọng từ năm nay, thông tin về giải sẽ được thông báo rộng hơn để bạn đọc tăng cường góp ý về sách hay” – ông Thiều cho biết. “Với những thay đổi như vậy, các đề cử sẽ đa dạng, bao quát được các khuynh hướng khác nhau, tránh bỏ sót tác phẩm. Có những cuốn sách tưởng sẽ chìm nghỉm ở các địa phương nhưng đã được phát hiện và thẳng tiến đến giải thưởng với số phiếu cao”.


Cuốn tiểu thuyết Thụy Điển "Người đàn ông đến từ Bắc Kinh"

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhắc đến những tác giả gần như “mới toanh” đoạt giải lần này: Trần Thanh Cảnh, Trần Hùng và Lê Hồ Quang. Tác phẩm của họ đều chiến thắng với số phiếu cao trong các lĩnh vực văn xuôi, thơ và lý luận phê bình.

“Mở cửa” đón người trẻ

Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2011-2015 (5 năm một lần) đã thu hút một số lượng lớn tác phẩm của các nhà văn chuyên nghiệp: 200 cuốn. Trong khi đó, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (trao hằng năm) lại đề cử nhiều tác giả mới và còn trẻ về tuổi nghề. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá đây là biểu hiện cho sự phong phú của hai giải thưởng.


Bìa cuốn "Thông reo Ngàn Hống"

Năm nay, trong 3 tiểu thuyết dịch lọt vào vòng chung khảo, có dịch phẩm của dịch giả lão làng lẫn dịch giả trẻ măng. Sự xuất hiện của những cái tên “mới và trẻ” được Hội Nhà văn Việt Nam đón nhận như một tín hiệu khởi sắc của giải.

Cụ thể, cái tên trẻ nhất lọt vào vòng chung khảo là dịch giả - nhà thơ là Nguyễn Thị Tuyết Ngân, sinh năm 1989. Cô là dịch giả tập thơ Nghi lễ hái hoa hồng trong vườn (The Rite of Picking Roses) của nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Müesser Yeniay. Đây cũng là tác phẩm được giới thiệu tại Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương do Việt Nam tổ chức vào tháng 3/2015.

Dịch phẩm là một đóng góp cho mảng dịch thơ còn ít ỏi ở Việt Nam. Năm 2015, tập thơ Bài hát chính tôi (Song of Myself) của “Nguyễn Du nước Mỹ” Walt Whitman được nhà thơ kiêm dịch giả kỳ cựu Hoàng Hưng chuyển ngữ.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016: Bội thu cả thơ, văn, phê bình, dịch

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2016: Bội thu cả thơ, văn, phê bình, dịch

Tập truyện ngắn được đánh giá cao của nhà văn Trần Thanh Cảnh được vinh danh trong giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015, cùng tiểu thuyết "Thông reo Ngàn Hống" của Nguyễn Thế Quang.


Mặc dù vậy, Hội trao giải dịch thuật năm nay cho là bản dịch tiểu thuyết Thụy Điển Người đàn ông đến từ Bắc Kinh của Nguyễn Minh Châu, một dịch giả có kinh nghiệm. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khẳng định, hội đồng chấm giải dịch của Hội Nhà văn luôn sẵn sàng chào đón các dịch giả trẻ, cả trao giải thưởng lẫn kết nạp hội viên.

“Một phần lực lượng dịch của chúng ta đã già và ngừng hoạt động” – ông Thiều giải thích. Trong khi đó, ngày càng xuất hiện nhiều dịch giả trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề với nhiều đóng góp cho làng sách.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015 và giải Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 2011-2015 sẽ được trao tại Bảo tàng Văn học Việt Nam vào ngày 2/2.

7 tác phẩm đoạt giải

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015 công bố hôm 28/1, vinh danh 7 tác phẩm. Trong đó, giải văn xuôi thuộc về tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh và tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống của Nguyễn Thế Quang.

Giải thơ thuộc về trường ca Long Mạch của Hoàng Trần Cương và tập thơ Vườn khuya của Trần Hùng.

Giải Lý luận phê bình thuộc về 2 cuốn Các lý thuyết nghiên cứu văn học ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay của Nguyễn Văn Dân và Âm thanh của tưởng tượng của Lê Hồ Quang.

Văn học dịch, giải trao cho bản dịch tiểu thuyết Người đàn ông đến từ Bắc Kinh của Henning Mankell, do Nguyễn Minh Châu dịch.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN