TTVH Online

Thể thao Việt Nam đi tìm số 1

13/12/2015 13:24 GMT+7

Thể thao, nhất là những nền thể thao phát triển hiện đại đều luôn gắn chặt với các cuộc bình chọn, tôn vinh xứng tầm, đặc biệt ở môn bóng đá.

(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao, nhất là những nền thể thao phát triển hiện đại đều luôn gắn chặt với các cuộc bình chọn, tôn vinh xứng tầm, đặc biệt ở môn bóng đá. Ở Việt Nam ngay từ cách đây 37 năm đã hình thành nên một giải thường thường niên quốc gia nhằm tôn vinh các VĐV, HLV tiêu biểu nhất năm.

Tuy nhiên,  đến nay dù thể thao nước nhà đã có bước phát triển đáng kể thì chất lượng đến phương thức, tiêu chí của một vài giải thưởng ít ỏi hiện có vẫn là cả một vấn đề lớn.

Hành trình 37 năm

Năm 1978, chỉ đúng 3 năm sau khi đất nước thống nhất,  cuộc bầu chọn “VĐV, HLV tiêu biểu toàn quốc” đã được chính ngành TDTT tổ chức vào mỗi dịp cuối năm. Đến năm 2003, cuộc bầu chọn được mở rộng với hạng mục riêng cho các VĐV, HLV của thể thao người khuyết tật. Dù thế, thì ở cuộc bầu chọn với thành phần tham gia chính là các nhà báo thể thao trong nước này, thì thu hút được sự quan tâm hơn cả vẫn là danh sách VĐV tiêu biểu và kỷ lục gia việt dã Trần Thị Soa là người đầu tiên được xướng tên

Qua 37 năm, đây vẫn được coi là cuộc bầu chọn truyền thống, sáng giá nhất của TTVN. Nó đã góp phần quan trọng khích lệ động viên, khẳng định và quảng bá những thành quả cũng như tạo động lực phấn đấu cao độ cho các VĐV, HLV. Thậm chí, việc lọt vào trong Top 10 VĐV hay Top 5 HLV từng có vai trò lớn đến mức, mặc nhiên được coi như một yếu tố quyết định nhất chứng tỏ đẳng cấp, giá trị của 1 VĐV, HLV.


Ánh Viên là gương mặt nổi bật của Thể thao Việt Nam trong năm 2015. Ảnh: Quốc Khánh

Tới năm 1995, thêm một giải thưởng nữa xuất hiện, dành riêng cho môn bóng đá, gắn với tấm HCB lịch sử của thầy trò ông Weigang. Ban đầu, giải mang tên “Quả bóng Vàng” với người đầu tiên bước lên bục cao nhất là danh thủ Lê Huỳnh Đức dành cho các cầu thủ nam, rồi sau đó mới mở rộng thêm ra cho cầu thủ trẻ từ năm 2000, cầu thủ nữ và cầu thủ nước ngoài từ 2001 rồi đến 2012 là  cầu thủ nữ trẻ và tới năm 2015 này thêm sự góp mặt của bóng đá futsal. Liên tục được đổi mới, “Quả bóng Vàng Việt Nam” đã có một mô hình ổn định, nổi bật là một buổi gala được truyền hình trực tiếp theo kiểu quốc tế. Bên cạnh đó, báo Pháp luật TP.HCM trong vài năm qua cũng có thêm giải thưởng Fair-play ở môn thể thao vua.

Vừa mới đây, giới chuyên môn cùng người yêu thể thao lại đón nhận sự ra đời của một giải thưởng mới, Cúp Chiến thắng, với phương thức hiện đại và khác biệt. Giải sẽ có tới hạng mục, trong đó có 5 hạng mục chính (Nam VĐV, nữ VĐV, VĐV trẻ,  HLV và đội tuyển của năm). Chỉ có 1 người duy nhất chiến thắng trong mỗi hạng mục, thông qua hai giai đoạn: Bình chọn của khán giả và quyết định của Hội đồng Giám khảo.

Sự trồi sụt và phụ thuộc

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận, trong những năm trở lại đây, cuộc bầu chọn “VĐV, HLV tiêu biểu toàn quốc” đã suy giảm nghiêm trọng về vị thế, sự quan tâm, sức hút mà tựu trung là chất lượng về mọi mặt. Giải thưởng từng giữ vai “độc tôn” của làng thể thao phần nào đó chỉ còn diễn ra đúng nghĩa… đến hẹn lại lên. Ngoài việc duy trì quá lâu một cách làm cũ, cả về mặt tổ chức lẫn hình thức bình chọn, tôn vinh, nó còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lý do kinh phí.

Giải thưởng chưa bao giờ mang lại được một nguồn thu đảm bảo ở mức tối thiểu, và vẫn phải phụ thuộc cả vào “nguồn” của đơn vị chủ giải, mà giờ thực sự giống như một gánh nặng về kinh phí. Cuộc bầu chọn đã hiện diện như một “thương hiệu” của Thể thao Việt Nam suốt 37 năm qua đang đứng trước thử thách vô cùng khắc nghiệt, liên quan đến cả câu hỏi có tiếp tục tồn tại hay không, cho dù thể thao nước nhà đang khởi sắc với nhiều ngôi sao mới? 

HLV Đặng Anh Tuấn: 'Giá mà tôi được gặp Ánh Viên sớm hơn'

HLV Đặng Anh Tuấn: 'Giá mà tôi được gặp Ánh Viên sớm hơn'

HLV Đặng Anh Tuấn tự nhận mình là một người đầy tham vọng bởi ông vô cùng tâm đắc với câu nói của nhà báo Mỹ, ông Frank Tyger: “Tham vọng là nhiệt huyết có mục đích”.


Trong khi đó, “Quả bóng Vàng Việt Nam” cũng chỉ có phong độ trồi sụt, hiếm khi có một mùa thành công hay đột phá, mà hầu hết đều chỉ… ổn định ở mức thấp. Nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà tổ chức hay kinh phí mà lại gắn trực tiếp với nền tảng và mũi nhọn, thành tích rất thấp của bóng đá Việt Nam. Thậm chí, như năm 2013, giải thưởng này còn không được trao bởi các ĐTQG thi đấu quá bết bát, không tìm ra được một vài ứng viên khả dĩ nhất có thể cho mỗi hạng mục. Nếu nhìn vào thực tế ngổn ngang của bóng đá Việt Nam, quả thật quá khó để mong “Quả bóng Vàng Việt Nam” có thể đột phá khi thiếu đi điều kiện mang tính quyết định, là những thành tích và gương mặt xuất sắc.

Cúp Chiến thắng, dù rất được kỳ vọng với cách làm mới và có nguồn lực, song hãy còn phải cần thêm thời gian để chứng tỏ mình, trước hết là tính liên tục và ổn định.  

Đi tìm số 1

Về mặt chuyên môn cụ thể, kể cả “Cuộc bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu toàn quốc”, “Quả bóng Vàng” hay mới nhất là “Cúp Chiến thắng” sẽ đều phải đối mặt với một bài toán khó: Đi tìm người số 1.

Ngay giải thưởng lâu đời, chính thống nhất do ngành thể thao tổ chức, dù sự so sánh, chọn lựa chỉ ở mức tương đối thông qua Top 10 VĐV hay Top 5 VĐV tiêu biểu, song hiếm khi nào tạo được sự thuyết phục cao, đặc biệt ở vị trí số 1. Từng xảy ra những kết quả tréo nghoe, thậm chí bất hợp lý và bất công thấy rõ.

Năm 2003, kỷ lục gia nhảy cao Bùi Thị Nhung đã mang về cho TTVN 1 tấm HCV lịch sử tại giải vô địch châu Á. Tuy nhiên, chỉ vì thất bại trong cuộc đua tranh ngôi đầu ở đấu trường SEA Games trên sân nhà mà tuyển thủ đất Cảng thậm chí còn bị văng ra khỏi danh sách được bình chọn, dù về giá trị chuyên môn, tầm vóc thành tích, Nhung phải là số 1. Hai năm sau, đến lượt đô cử Hoàng Anh Tuấn với 3 tấm HCB thế giới đã phải nhờ các nhà quản lý ra sức thuyết trình mới may mắn đứng thứ 9 trong Top 10.

Mới năm ngoái, đô cử Thạch Kim Tuấn, tuyển thủ Việt Nam đầu tiên giành HCV thế giới ở một môn Olympic, chưa kể 1 HCB thế giới, 1 HCB ASIAD khác với thông số vượt cả mức cao nhất Olympic 2012, đã thua xa kình ngư Ánh Viên, dù thành quả cao nhất của Viên chỉ là 2 HCĐ ASIAD.

Điều này gần như chắc chắn tái lập ở các cuộc bầu chọn của năm 2015  với một chiến thắng được mặc định dành sẵn cho Ánh Viên. Chỉ có điều, suy xét kỹ, chưa hẳn Ánh Viên đã vượt qua Vương Thị Huyền, người đoạt 2 HCB, 1 HCĐ giải vô địch thế giới, 2 HCV giải vô địch châu Á.

Rõ ràng, các nhà tổ chức vẫn chưa thể tìm ra được phương thức, tiêu chí đảm bảo nhất để chọn được ra người xứng đáng nhất. Rất khó, vì bản thân các nhà quản lý huấn luyện cũng đang loay hoay giữa bài tính số lượng hay chất lượng, tính chuyên môn hay sức lan tỏa… phía sau những tấm huy chương và các tuyển thủ lập công.

Tường Nhi
Thể thao& Văn hóa cuối tuần

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN