TTVH Online

Nhật Bản tiếc thương huyền thoại truyện tranh Shigeru Mizuki

02/12/2015 07:24 GMT+7

Shigeru Mura, người nổi tiếng hơn với cái tên Shigeru Mizuki, vừa qua đời hôm thứ Hai tuần này, tại Tokyo. Sinh thời, ông được cho là người có công đưa các hồn ma trong truyện cổ vào truyện tranh hiện đại ở Nhật Bản.

(Thethaovanhoa.vn) - Shigeru Mura, người nổi tiếng hơn với cái tên Shigeru Mizuki, vừa qua đời hôm thứ Hai tuần này, tại Tokyo. Sinh thời, ông được cho là người có công đưa các hồn ma trong truyện cổ vào truyện tranh hiện đại ở Nhật Bản và khai sinh ra một dòng truyện có màu sắc đen tối, nhưng đặc biệt hấp dẫn.

Shigeru Mizuki là con thứ hai trong một gia đình có 3 con trai ở thị trấn Sakaiminato thuộc tỉnh Tottori ở Nhật Bản.

Những cú sốc từ cuộc chiến tranh thế giới

Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2005, Mizuki tiết lộ rằng khi còn là một đứa trẻ, ông thường gây chú ý vì có tính tò mò và kỹ năng vẽ vời hơn người.

Ông cũng ham mê các chủ đề liên quan tới yokai (những con ma nghịch ngợm trong văn hóa dân gian Nhật Bản) từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên ông thừa nhận chỉ "thực sự hiểu rõ về các hồn ma, sau khi đã nghiên cứu tác phẩm của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Kunio Yanagida.


Họa sĩ truyện tranh lừng danh Shigeru Mura

Mặc dù các dấu hiệu về tài năng hội họa và kể chuyện xuất hiện từ rất sớm, Mizuki đã không thể lập tức theo đuổi sự nghiệp vẽ truyện tranh. Ông bị gọi đi lính vào năm 1942 và bị điều đi đóng quân tại Rabaul, nay thuộc về Papua New Guinea.

Khi ở Rabaul, Mizuki bị mắc bệnh sốt rét và phải nằm liệt giường. Nhưng một trong những tai họa lớn nhất đời ông chỉ xảy ra sau đó. Trong một vụ không kích do Mỹ thực hiện, nhằm vào Rabaul, Mizuki đã bị mất một cánh tay.

"Khoảnh khắc tôi trúng mảnh bom, nỗi đau đớn khủng khiếp tới mức tôi phải thét lên. Nhưng khoảnh khắc tiếp theo, tôi đã quên đi mọi thứ" - Mizuki kể lại - "Trí nhớ tạm thời bị ngưng trệ và tôi đã đi vào thế giới khác, nơi vụ ném bom dường như đang xảy ra ở nơi nào đó."

Dù không còn cánh tay trái, Mizuki vẫn ở lại phục vụ trong quân đội. Tuy nhiên ông có nhiều thời gian rảnh hơn so với trước đây, vì không phải làm các công việc lao động nặng nhọc. Khoảng thời gian rảnh rỗi này giúp ông có cơ hội kết bạn với người Tolai bản địa. Họ quý Mizuki tới mức còn đề nghị ông cưới một cô gái Tolai trước khi về nước.

"Chúng tôi đã có ảo tưởng kỳ quái rằng mình có thể thắng cuộc chiến chỉ nhờ sự giúp đỡ của yamatodamashi (tinh thần Nhật Bản). Chúng tôi đã quan tâm rất ít tới các khía cạnh vật chất của cuộc chiến và bị trừng phạt về điều đó" - Mizuki bình luận như thế về Thế chiến 2.

Ông đi hết cuộc chiến ấy và phải nhận lấy thương tật trên cơ thể, bên cạnh rất nhiều vết sẹo tinh thần khác, do phải chứng kiến quá nhiều điều khủng khiếp.

Nỗi ám ảnh về sự sống và cái chết

Sau khi chiến tranh kết thúc, Mizuki về nước và có thời gian ngắn kiếm sống trong vai trò nghệ sĩ trình diễn kamishibai - một người kể truyện kết hợp với việc sử dụng hình ảnh minh họa, trên một sân khấu di động nhỏ gọn.

Tiếp đó, ông bước vào thế giới truyện tranh. Năm 1957, cuốn truyện đầu tay của ông là Người rocket trình làng. Theo sau là các cuốn truyện như Hakaba Kitaro, Terebi-kun, Akuma-kun Kappa No Sanpei. Tác phẩm của Mizuki thường xoáy sâu vào chủ đề hồn ma và cuộc giằng co giữa sự sống, cái chết.  

Phải tới tận năm 1967, cuốn truyện nổi tiếng nhất của ông là GeGeGe No Kitaro mới ra đời. Cuốn truyện xoay quanh cuộc phiên lưu của một cậu bé ma. Tiếp đó, Mizuki bắt tay vào sáng tác một cuốn sách về trùm phát xít Adolf Hitler, cho thấy quan điểm của ông về sự ngu ngốc của Thế chiến 2.

Loạt truyện Kitaro của ông, bắt đầu bằng Hakaba No Kitaro (Kitaro của nghĩa địa) về sau còn được dựng thành phim hoạt hình và phim truyện nhựa. Mizuki cũng trở thành cái tên được nể trọng nhất trong thể loại truyện về yokai.

Năm 1979, ông vẽ minh họa cho bài báo Góc tối của lò phản ứng hạt nhân Fukushima, nói về cuộc sống của các công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản. Nhà máy điện này sau đó đã bị hư hỏng trong thảm họa động đất, sóng thần Nhật Bản diễn ra hồi năm 2011.

Năm 1991, ông gây chú ý khi vẽ tranh cho một tạp chí giáo dục, mô tả các tội ác do lính Nhật gây ra tại Trung Quốc và Triều Tiên thời chiến tranh. Trong đó có cảnh một người lính khoe khoang sau khi đã thử thanh kiếm mới của anh ta trên cơ thể của 5 hoặc 6 người dân thường.

Trong suốt sự nghiệp kéo dài của mình, Mizuki được nhiều giải thưởng, gồm giải truyện tranh Kodansha Jido cho tác phẩm Terebi-kun và giải Truyện tranh xuất sắc nhất năm 2007 trong Liên hoan truyện tranh quốc tế Angouleme, cho tác phẩm NonNonBa.

Gia Bảo
Thể thao & Văn hóa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN